|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Triệu chứng khi nhiễm COVID-19, các biến thể mới có gì khác biệt?

11:55 | 29/01/2021
Chia sẻ
Dưới đây là các thông tin về triệu chứng mắc COVID-19, cách phân biệt với bệnh cảm lạnh, cảm cúm thông thường và những khác biệt của các biến thể virus mới.

Những triệu chứng và biến chứng mà virus SARS-CoV-2 có thể gây ra?

Theo Bộ Y tế, các triệu chứng của bệnh nhân COVID-19 từ nhẹ đến nặng bao gồm: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 - 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, SARS-CoV-2 gây sốt và có thể làm tổn thương đường hô hấp. 

Trong trường hợp nặng, virus này có thể gây viêm phổi và tác động tới nhiều cơ quan khác trong cơ thể khiến bệnh nhân tử vong, nhất là các trường hợp người bệnh có bệnh nền.

Cách phân biệt bệnh COVID-19 và bệnh cảm lạnh, cảm cúm thông thường

Cảm lạnh, cảm cúm thông thường không gây ra những nhiễm trùng nghiêm trọng, cơ thể sẽ dần hồi phục khi được điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ hoặc uống thuốc cảm tại nhà. Thậm chí, nhiều trường hợp chỉ cần nghỉ ngơi, uống đủ nước, không cần dùng thuốc, bệnh cũng sẽ thuyên giảm trong vòng 3 - 7 ngày.

Tuy nhiên, nếu bạn nhiễm virus SARS-CoV-2, mức độ biểu hiện sẽ nặng nề. Việc uống thuốc thông thường không làm tình trạng bệnh đỡ hơn và hiện nay chưa có thuốc trị bệnh chính thức. 

Ngoài thân nhiệt tăng cao bất thường, virus này còn tấn công mạnh vào hệ hô hấp, gây viêm phổi, dẫn đến tình trạng thiếu oxy, khó thở rõ rệt. Đây là triệu chứng đặc trưng mà cảm lạnh, cảm cúm thông thường không có.

Biến thể virus SARS-CoV-2 mới có gì khác biệt?

Hiện trên thế giới đã xác định ba loại biến chủng phổ biến của virus SARS-CoV-2. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), loại thứ nhất là biến thể được phát hiện lần đầu tại Anh có tên là 20I/501Y.V1, VOC 202012/01 hoặc B.1.1.7, có khả năng lây lan nhanh hơn 70% so với bản gốc, hiện đã lan ra hơn 70 quốc gia.

Biến thể thứ hai từ Nam Phi có tên 20H/501Y.V2 hay B.1.351 mà giới khoa học nước này cho biết có "nguy cơ gây tái nhiễm rõ rệt", đã xuất hiện ở hơn 30 nước. Một biến thể khác được phát hiện tại Brazil có tên P.1 cũng được phát hiện ở 8 quốc gia trong hai tuần qua. 

Các chuyên gia đánh giá rằng các biến thể xuất hiện tại Nam Phi và Brazil dường như có khả năng lây lan mạnh hơn. Trong đó, biến thể từ Nam Phi lây nhiễm chậm hơn đối với những người có kháng thể.

Sputnik đưa tin WHO cho biết đến thời điểm hiện nay, không nhận thấy nguy cơ tăng tỷ lệ tử vong của biến chủng mới từ Anh. Tuy nhiên, mới đây Reuters đã dẫn kết quả nghiên cứu của Nhóm tư vấn về các mối đe dọa virus hô hấp của chính phủ Anh (NERVTAG) cho thấy biến thể này gây tử vong cao hơn 30%.

Các loại vắc xin của Moderna và Pfizer/BioNTech được cho là vẫn có hiệu quả với biến thể virus SARS-CoV-2 mới ở Anh và Nam Phi. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ của hai loại vắc xin trước biến thể ở Nam Phi có phần kém hơn do biến chủng này có thể lẩn tránh kháng thể trong máu, theo New York Times.

Tiến sĩ William Haseltine, chủ tịch tổ chức nghiên cứu Access Health International cho biết tới nay virus SARS-CoV-2 đã biến đổi với tốc độ khá ổn định với một hoặc hai biến thể mỗi tháng. Một số biến thể có khả năng lây truyền cao hơn, một số lại khó có thể bị hệ thống miễn dịch của con người phát hiện hơn, theo CNN.

Biến chủng mới có thể lây lan mạnh hơn ở Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong cuộc họp trực tuyến với Sở Y tế Quảng Ninh và Hải Dương về phòng chống dịch COVID-19 hôm 28/1, cho biết khả năng lây lan từ hai ổ dịch tại hai tỉnh này cao do chủng SARS-CoV-2 mới lây lan rất nhanh, có thể cao hơn con số 70% như tính toán của thế giới, sau khi ghi nhận hàng chục ca nhiễm mới có liên quan tới bệnh nhân nữ được phát hiện dương tính với chủng biến thể tại Anh khi nhập cảnh Osaka (Nhật Bản).

Về ca nhiễm biến chủng đầu tiên tại Việt Nam, theo Báo Sức khoẻ và Đời sống, BN1435 được công bố hôm 2/1 là trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể virus SARS-CoV-2 từ Anh.

Bệnh nhân là nữ, sinh năm 1976, quê Trà Vinh, từ Anh trở về Việt Nam hôm 22/12/2020 trên chuyến bay VN50 và được cách ly tập trung ngay tại Trà Vinh.

Trước khi về Việt Nam, bệnh nhân có sức khỏe ổn định. Sau khi nhập cảnh và cách ly một ngày, bệnh nhân có triệu chứng đau họng, sốt nhẹ và được lấy mẫu làm xét nghiệm thì cho kết quả dương tính vào ngày 24/12/2020.

Đồng thời, bệnh nhân được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện (BV) Lao và bệnh Phổi tỉnh Trà Vinh với chẩn đoán viêm amydal cấp và các triệu chứng lâm sàng giảm dần từ ngày 24 - 30/12/2020.

Ngày 31/12/2020 bệnh nhân bị ho nhẹ, không đau họng, không sốt, chưa ghi nhận khó thở, hình ảnh X-quang có tổn thương mờ không đồng nhất hai đáy phổi. Sau quá trình điều trị tại Bệnh viện Lao bệnh Phổi tỉnh Trà Vinh, đến nay, Sở Y tế tỉnh Trà Vinh cho biết bệnh nhân này đã có 4 lần xét nghiệm âm tính với virus.

Theo thông tin tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 diễn ra chiều ngày 25/12 cho biết, những nghiên cứu ban đầu cho thấy thời gian ủ bệnh của người nhiễm biến thể mới ngắn hơn, khởi phát sớm hơn, khả năng bám dính bề mặt lớn hơn... nhưng chưa có dấu hiệu về biến thể mới tồn tại lâu hơn, và gây triệu chứng bệnh nặng hơn.

Như Ý