Thiếu từ khẩu trang, giường bệnh đến người lãnh đạo xứng tầm: Đất nước hùng mạnh nhất thế giới chưa sẵn sàng cho một đại dịch
Siêu cường số 1 thế giới không có đủ đồ bảo hộ cho y bác sĩ
Tại buổi họp báo cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 25/3, Thống đốc bang New York – bang chiếm gần một nửa số ca dương tính tại Mỹ - cho biết dịch bệnh hiện nay đang lây lan nhanh hơn so với dự tính ban đầu của các quan chức.
Ông ước tính khi dịch đạt đỉnh, New York sẽ có 140.000 bệnh nhân cần điều trị nhưng các cơ sở y tế mới chỉ có 53.000 giường; cần 30.000 máy thở nhưng hiện chỉ sẵn có 4.000 máy.
Tình hình trang thiết bị bảo hộ cho đội ngũ nhân viên y tế cũng hết sức căng thẳng, chỉ đủ tạm qua ngày. Nếu dịch bệnh kéo dài thêm vài tuần thì nguồn cung không đảm bảo. New York hiện nay đang phải cử người đi khắp nơi thu mua thêm khẩu trang, đồ bảo hộ.
Đây không phải tình trạng của riêng New York. Tại bang California, nhiều y tá đã đình công vì thiếu đồ bảo hộ. Các y tá này không có lấy một cái khẩu trang, phải dùng khăn vải quấn che miệng và mũi (giống hình ảnh người lạ bịt mặt trong các phim cổ trang), tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất lớn khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm COVID-19.
Y tá bang California (Mỹ) biểu tình vì thiếu khẩu trang và các loại đồ bảo hộ khi chăm sóc bệnh nhân trong mùa dịch COVID-19. Các y tá hát "We need PPE" (Chúng tôi cần đồ bảo hộ) và không quên giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét. Nguồn: NBC News/Twitter Darwin BondGraham.
Tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar đã nói với quốc hội rằng kho dự trữ của nước Mỹ có 30 triệu khẩu trang phẫu thuật và 12 triệu khẩu trang lọc khí N95, ngoài ra còn 5 triệu chiếc N95 đã quá hạn sử dụng.
Trong khi đó, theo một ước tính của chính phủ năm 2015, trong mỗi mùa dịch cúm với khoảng 20-30% dân số nhiễm bệnh, nước Mỹ sẽ cần ít nhất 1,7 tỉ khẩu trang N95. Kho dự trữ hiện nay của Mỹ chỉ như muối bỏ bể khi so với nhu cầu của một quốc gia 325 triệu dân.
Trước đây, kho dự trữ của Mỹ tương đối đầy đủ. Năm 2006, Quốc hội Mỹ cấp thêm ngân sách để mua 104 triệu khẩu trang N95 và 52 triệu khẩu trang phẫu thuật nhằm chuẩn bị cho một đại dịch cúm có khả năng xảy ra.
Khi đại dịch H1N1 bùng phát năm 2009, dự trữ quốc gia đã phân phát hết khoảng 3/4 và đến nay chưa được bổ sung lại.
Tại New York, nhiều nhân viên y tế thiếu đồ bảo hộ đã phải sử dụng các túi đựng rác bằng ni lông cỡ lớn để tự chế đồ cho mình.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) biết có tình trạng thiếu thốn này nhưng không có quyền hạn để giải quyết. Website của CDC chỉ khuyên các nhân viên y tế "sử dụng các loại khăn quàng cổ, khăn trùm đầu để làm khẩu trang tạm thời" khi không có khẩu trang y tế chuyên dụng.
Tuy nhiên CDC cũng thừa nhận điều mà ai cũng biết là khăn trùm đầu không phải trang bị bảo hộ và không có khả năng phòng bệnh cao.
Ảnh trái: Bác sĩ John Henao ở California dùng một túi ni lông trùm lên đầu và quấn băng dính quanh vùng cổ để hạn chế nguy cơ lây nhiễm khi chăm sóc bệnh nhân dương tính COVID-19 Ảnh phải: Nhân viên y tế New York tự chế đồ bảo hộ từ túi ni lông đựng rác màu đen. Nguồn: New York Post.
Muốn biến việc thiếu trang thiết bị bảo hộ có hệ quả thảm khốc đến đâu, hãy nhìn sang Italy. Theo cập nhật của tờ The Guardian ngày 26/3, đã có hơn 5.000 nhân viên y tế của Italy nhiễm COVID-19, chiếm gần 8% tổng số ca xác nhận dương tính của nước này. Theo thống kê của chính phủ Italy, ít nhất 50 nhân viên y tế nước này đã tử vong trong đại dịch COVID-19.
Đội ngũ y bác sĩ vốn dĩ đã phải căng mình để phục vụ số bệnh nhân dồn dập đổ về suốt ngày đêm. Nếu chính những "vệ binh áo trắng" này đổ bệnh rồi không may hi sinh vì thiếu khẩu trang và áo bảo hộ, ai sẽ là người chăm sóc sức khỏe cho nhân dân?
Italy - nơi hơn 5.000 nhân viên y tế nhiễm bệnh - cũng là quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới, hiện nay đã có trên 10.000 người chết.
Mỹ cần bao lâu để xây một bệnh viện?
Nhưng chỉ có y bác sĩ với đồ bảo hộ thôi vẫn chưa đủ. Hàng trăm nghìn người Mỹ đã, đang và sẽ nhiễm bệnh, họ cần nhập viện để được điều trị và số giường bệnh của Mỹ hiện không thể đủ để đáp ứng nhu cầu, dù dịch vẫn chưa đạt đỉnh.
Công bằng mà nói, không quốc gia nào có sẵn giường bệnh đủ cho một đại dịch như COVID-19. Tuy nhiên số giường bệnh của Mỹ ít hơn rất nhiều quốc gia công nghiệp phát triển khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí ít hơn cả Trung Quốc và Italy – trong khi Mỹ đã vượt qua cả hai nước này để vươn lên dẫn đầu thế giới về số ca dương tính COVID-19.
Khi dịch bệnh bùng phát, thiếu giường bệnh là điều không quốc gia nào tránh khỏi. Với Trung Quốc, vấn đề được giải quyết thông qua việc trưng dụng các sân vận động, phòng trưng bày, nhà kho, … để làm bệnh viện dã chiến.
Tại tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc xây dựng cấp tốc hai bệnh viện Lôi Thần Sơn và Hỏa Thần Sơn với tổng cộng 2.500 giường bệnh. Các loại vật liệu và trang thiết bị y tế được chính phủ Trung Quốc điều động từ khắp cả nước về. Khởi công đúng dịp nghỉ Tết Canh Tý, cả hai bệnh viện hoàn thành sau 10 ngày tập trung xây dựng.
Tại Italy và Mỹ - hai quốc gia có ít giường bệnh hơn và số ca dương tính lớn hơn Trung Quốc, không có bệnh viện nào được thần tốc xây dựng chuyên để chữa trị bệnh nhân COVID-19.
Tại bang New York – tâm dịch mới của thế giới với hơn 53.000 ca dương tính, tính tổng số giường bệnh có sẵn hiện, số được quân đội hỗ trợ, mượn các khu kí túc xá, dựng bệnh viện dã chiến, yêu cầu các bệnh viện cơi nới thêm, … là khoảng 119.000 giường, vẫn thấp hơn nhu cầu dự báo khi dịch đạt đỉnh là 140.000 giường.
Trong khi Trung Quốc phải ứng phó bị động vì là nước đầu tiên bị COVID-19 tấn công, dịch bùng phát đúng vào Tết Nguyên đán khi công nhân xây dựng đã về quê gần hết thì Mỹ lại có nhiều tháng để chuẩn bị và rút ra bài học từ kinh nghiệm của Trung Quốc.
Đáng buồn là chính quyền Mỹ lại không hành động gì nhiều để chuẩn bị cho tại họa sắp ập đến.
Nước đến chân mới nhảy
Những chính sách giúp phòng chống COVID-19 đều rất đơn giản, dễ hiểu và có thể được ban hành từ sớm, chẳng hạn như việc cho người lao động nghỉ có lương.
Khi nghỉ mà bị trừ lương, người lao động nghèo sẽ gắng gượng đi làm cho dù đang bị ốm vì còn phải lo cơm áo gạo tiền cho gia đình. Nếu một trong những người cố đi làm này đã nhiễm COVID-19, dịch bệnh sẽ lây lan cho đồng nghiệp, khách hàng, … khiến cho dịch bệnh thêm trầm trọng.
Đến ngày 18/3, khi số ca nhiễm tại Mỹ vượt qua mốc 10.000, quốc hội Mỹ và Tổng thống Trump mới thông qua đạo luật hỗ trợ người lao động thêm ngày nghỉ có lương. Nên nhớ rằng từ ngày 11/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu và ngày 13/3 ông Trump đã ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia vì đại dịch.
Chính sách nghỉ có lương cũng không phải là ý tưởng quá mới mẻ hay mang tính đặc thù trong trường hợp có đại dịch. Các quốc gia giàu có trên thế giới như Canada, Anh, Thụy Điển, Phần Lan, Pháp, Đan Mạch, Nhật Bản, … đều có luật cho phép nghỉ có lương từ hàng chục năm qua.
Bộ Luật Lao động Việt Nam – một quốc gia đang phát triển và còn rất nghèo so với Mỹ - cũng cho phép người lao động làm việc từ đủ 12 tháng trở lên được nghỉ tối thiểu 12 ngày/năm, tùy thuộc điều kiện công việc.
Riêng Mỹ không có đạo luật liên bang nào yêu cầu chủ lao động phải cho người lao động nghỉ có lương, tất cả đều tùy thuộc vào từng công ty ở từng bang. Hệ quả là 24% người lao động Mỹ - tương đương 34 triệu người – không được nghỉ ốm có lương, theo ước tính của Cục thống kê Lao động Mỹ năm 2019.
Ngay cả đạo luật mà ông Trump vừa kí ban hành hôm 18/3 cũng không giúp gì nhiều cho đa số người Mỹ. Qui định về nghỉ ốm có lương của luật này chỉ áp dụng với các doanh nghiệp có qui mô từ 50 đến 500 lao động. Tổng cộng các công ty có qui mô trong khoảng này chỉ sử dụng khoảng 20% số lao động tại Mỹ.
Các tập đoàn sử dụng nhiều lao động nhất, trả lương thấp nhất như các hãng đồ ăn nhanh và bán lẻ Walmart, McDonald's, Target, Kroger, Pizza Hut, Subway, Marriott ... đều không nhất thiết phải cho nhân viên nghỉ có lương. Thích thì cho, không thích thì thôi.
Nếu người lao động có thể yên tâm nghỉ ở nhà khi bị ốm mà không phải lo bị mất đi thu nhập, có lẽ số ca bệnh tại Mỹ đã không tăng chóng mặt đến vậy.
Câu chuyện về chiếc khẩu trang, cái máy thở cũng đáng buồn không kém. Các chuyên gia dịch tễ từ lâu đã cảnh báo về nguy cơ đại dịch COVID-19 sẽ bùng phát ở Mỹ, vấn đề chỉ là sớm hay muộn.
Tuy nhiên đến ngày 27/3, khi số ca bệnh của Mỹ đã vượt qua Trung Quốc, Italy, lên trên ngưỡng 100.000 để đứng đầu thế giới, Tổng thống Trump và quốc hội Mỹ mới có thể chính thức ban hành gói cứu trợ 2.000 tỉ USD.
Trong gói chi tiêu này, 117 tỉ USD sẽ được phân bổ cho các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe khác đang phải gồng mình ứng phó với đại dịch, 16 tỉ USD được dùng để bổ sung kho dự trữ vật tư y tế quốc gia.
Tuy nhiên hiện chưa rõ khi nào số tiền kể trên sẽ đến được tay các bệnh viện và khi nào số tiền đó sẽ được chuyển thành những chiếc khẩu trang, găng tay, máy thở – những thứ trực tiếp đóng góp cho cuộc chiến chống đại dịch.
Trước khi gói cứu trợ 2.000 tỉ USD khổng lồ này được quốc hội Mỹ thông qua, Tổng thống Mỹ có thể sử dụng tới Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) để điều phối và yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất những trang thiết bị cần thiết.
Đạo luật DPA được thông qua từ năm 1950 nhằm phục vụ cho nỗ lực của Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên.
Giờ đây khi nước Mỹ đối mặt với đại dịch, nhiều chuyên gia cũng như chính trị gia đã lên tiếng hối thúc ông Trump sử dụng đến đạo luật này, nhưng vì một lí do bí ẩn nào đó, Tổng thống Mỹ năm lần bảy lượt từ chối.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer hôm 25/3 trao đổi với NBC News: "Tôi đã gọi điện thoại cho Tổng thống Trump, khuyến khích ông ấy sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng. Tôi đã nói với ông Trump là quốc hội rất ủng hộ việc kích hoạt luật DPA, nhưng ông ấy vẫn không áp dụng, tôi không hiểu nổi tại sao".
Thay vì sự lãnh đạo tập trung của chính phủ, nước Mỹ đang dựa vào sự hỗ trợ tự nguyện của một vài doanh nghiệp. Các tập đoàn công nghiệp lớn như General Electric, General Motors, Tesla, Ford, Boeing … đã thông báo kế hoạch tập trung sản xuất khẩu trang, miếng che mặt, máy thở để hỗ trợ cuộc chiến chống COVID-19.
Tuy nhiên các doanh nghiệp này không chuyên về sản xuất thiết bị y tế, nên từ khi thông báo kế hoạch cho đến khi hoàn tất điều chỉnh dây chuyền máy móc, thu mua nguyên vật liệu cần thiết và cho ra sản phẩm cuối cùng sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi đó các bệnh viện Mỹ cần trang thiết bị luôn và ngay lúc này.
Ngày 27/3, giữa chính phủ Mỹ General Motors nảy sinh bất đồng về kế hoạch sản xuất máy thở và ông Trump đã quyết định sử dụng quyền lực của Tổng thống Mỹ trong Đạo luật DPA đã yêu cầu đại gia chế tạo ô tô phải sản xuất máy thở.
Dù vậy, đây chỉ là một sự áp dụng cục bộ chứ chưa phải tổng động viên trên toàn quốc. Và vai trò của nhà nước không phải chỉ là ngồi chỉ tay ra lệnh mà còn phải thể hiện được năng lực điều phối, tổ chức.
Chẳng hạn, chính phủ có thể yêu cầu một nhà máy săm lốp chuyển sang sản xuất găng tay y tế. Nếu không có đủ nguyên liệu đầu vào, chính phủ sẽ sử dụng mạng lưới các cơ quan trên khắp cả nước để lấy mủ cao su từ các nhà máy sản xuất bao cao su – một mặt hàng ít thiết yếu hơn trong mùa dịch - để chuyển tới cho nhà máy làm găng tay y tế.
Cho tới nay, Mỹ đã có 125.000 người nhiễm bệnh và 2.200 người tử vong nhưng Tổng thống Trump vẫn chưa vận động được sức mạnh của cả nước Mỹ vào cuộc chiến chống một cường địch như COVID-19.
Đợi một ngày đẹp trời để mở cửa đất nước
Cuối tháng 2/2020, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 80.000 ca nhiễm COVID-19. Tại Mỹ, số ca dương tính khi đó vẫn ở mức hai chữ số nhưng các chuyên gia đã cảnh báo rằng dịch bệnh chắc chắn sẽ bùng phát, vấn đề chỉ là sớm hay muộn. Nhà đầu tư Mỹ cũng thể hiện sự quan ngại khi các chỉ số chính đồng loạt rơi khỏi đỉnh lịch sử.
Nhưng Tổng thống Trump khi đó - còn đang hả hê với chiến thắng trong cuộc điều tra luận tội và bận bịu với chiến dịch tái tranh cử - đã gọi COVID-19 là "một trò bịp bợm khác của Đảng Dân chủ" nhằm hạ thấp uy tín của ông.
Tổng thống Trump còn nổi trận lôi đình khi các chuyên gia của CDC đưa ra những nhận định tiêu cực về nguy cơ dịch bệnh, khiến cho thị trường chứng khoán lao dốc. Ông còn cho rằng "Một ngày nào đó, dịch bệnh này có thể biến mất. Nó có thể biến mất như có một phép màu vậy".
Khi Tổng thống không nhận thức đúng mối nguy hại của vấn đề thì việc đất nước thiếu sự chuẩn bị là điều dễ hiểu.
Hệ quả của sai lầm về nhận thức và yếu kém trong chuẩn bị là hàng trăm nghìn người Mỹ đã nhiễm bệnh, hàng nghìn người tử vong còn thị trường chứng khoán mà ông Trump hàng ngày theo dõi đã liên tiếp hứng chịu những phiên sụt giảm kỉ lục và xóa sạch thành quả đi lên trong ba năm đầu nhiệm kì Tổng thống của ông.
Trong khi dịch bệnh tiếp tục hoành hành, số ca nhiễm mới tăng nhanh theo từng ngày, ông Trump đã tính đến chuyện gỡ bỏ các lệnh hạn chế để mở cửa trở lại đất nước vì lo thiệt hại kinh tế quá lớn.
"Tôi muốn mở cửa đất nước vào ngày Lễ Phục sinh (12/4) để người dân có thể tập trung đông đúc tại các nhà thờ trên khắp đất nước. Có thể là sớm hơn. Lễ Phục sinh sẽ là một ngày tốt để mở cửa đất nước", ông Trump nói.
Khi được hỏi về kế hoạch táo bạo này của ông Trump, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell và Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer đều cho rằng mở cửa đất nước là một quyết định mang tính y tế và nên do các chuyên gia y tế đưa ra.
Vậy chuyên gia y tế nói gì? Tiến sĩ Anthony Fauci – Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia và là chuyên gia hàng đầu về COVID-19 của Mỹ cho biết: Con người không thể quyết định được thời gian biểu, con virus gây bệnh mới quyết định được khi nào nên chấm dứt lệnh phong tỏa và mở cửa đất nước.
Và Tổng thống Trump – người đàn ông quyền lực nhất hành tinh – cũng không thể ra lệnh được cho virus phải ngừng lây lan trước một ngày đẹp như Lễ Phục sinh.