Virus Trung Quốc hay virus Mỹ?
Virus corona gây ra đại dịch COVID-19 được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Cho đến nay Vũ Hán vẫn là thành phố chịu thiệt hại nặng nề nhất vì đại dịch này trên thế giới, Trung Quốc cũng là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm bệnh nhất.
Trong những ngày đầu của dịch, truyền thông quốc tế thường gọi COVID-19 là bệnh "cúm Vũ Hán" hay "viêm phổi Vũ Hán". Về sau, cái tên gắn với địa danh này được thay thế bằng những tên gọi có tính khoa học hơn như "dịch virus corona" hay "dịch do virus corona chủng mới", hay "dịch nCoV".
Virus gây bệnh COVID-19 là một loại virus thuộc họ corona, có bộ gen tương tự với dịch SARS năm 2003. Nhưng đây là một chủng mới nên thường được gọi là virus corona chủng mới, tiếng Anh là novel coronavirus, viết tắt là nCoV. Có nơi gọi tên là 2019-nCoV để xác định năm mà dịch được phát hiện.
Ủy ban Quốc tế về Phân loại Virus (ICTV) đặt tên chính thức cho loại virus này là SARS-CoV-2, hàm ý nói virus này thuộc họ corona (CoV), có mối liên quan về gene với virus gây dịch SARS năm 2003 nhưng đây là hai loại virus khác nhau chứ không phải một. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cơ quan y tế các nước đều đã công nhận và sử dụng rộng rãi tên gọi SARS-CoV-2.
Tuy nhiên hồi đầu tháng 3 này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại dùng cái tên "virus Vũ Hán" khi nói về đại dịch COVID-19. Nhiều chính trị gia Mỹ với tư tưởng bài xích Trung Quốc như Thượng Nghị sĩ Tom Cotton hay Hạ nghị sĩ Paul Gosar (đều thuộc Đảng Cộng hòa) vẫn luôn dùng cái tên "virus Vũ Hán" từ khi dịch bệnh được phát hiện đến nay.
Thượng Nghị sĩ Tom Cotton thậm chí còn cho rằng Trung Quốc đã tạo ra loại virus này trong phòng thí nghiệm cao cấp ở Vũ Hán để dùng làm vũ khí sinh học.
Nhưng việc cái tên này được Ngoại trưởng Pompeo nói ra, không chỉ một mà hai lần tại hai sự kiện khác nhau, chứng tỏ đây là tư tưởng ngoại giao chính thống từ phía Washington.
Trung Quốc đương nhiên kịch liệt phản đối cách gọi tên mang hàm ý công kích và phân biệt này.
Việc COVID-19 được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán là điều không có gì phải bàn cãi, nhưng nguồn gốc loại virus này đến từ đâu thì vẫn là câu hỏi mà các nhà khoa học đang tranh luận và đi tìm câu trả lời.
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng SARS-CoV-2 xuất phát từ tự nhiên chứ không phải được nuối cấy trong phòng thí nghiệm và rằng virus này xuất phát từ một nơi khác, Vũ Hán – Trung Quốc chỉ là nạn nhân đầu tiên và lớn nhất.
Bất chấp phản ứng gay gắt từ chính quyền Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ ủng hộ Ngoại trưởng Pompeo bằng cách gọi SARS-CoV-2 là "virus Trung Quốc" cả trong các sự kiện họp báo lẫn trên các dòng tweet, như thể ông Trump đang cố ý chọc giận Trung Quốc vậy.
Khi được hỏi tại sao lại dùng cách gọi khác với tên chính thức của virus do các tổ chức y tế quốc tế đặt, ông Trump trả lời: "Bởi vì virus này đến từ Trung Quốc. Nói như vậy không có gì là phân biệt chủng tộc cả. Hoàn toàn không. Virus này đến từ Trung Quốc mà".
Tạm giả sử SARS-CoV-2 có nguồn gốc ở Trung Quốc thật, lập luận này của ông Trump nghe có vẻ khá có lí và dễ được ủng hộ. Nhiều người vẫn gọi tên các dịch bệnh gắn với địa danh như Đại dịch cúm Hong Kong (Hong Kong Flu) năm 1968, Dịch tả heo châu Phi (ASF) năm 2019 hay Đại dịch cúm Tây Ban Nha (Spanish Flu) năm 1918.
(Thực ra Tây Ban Nha không phải là nước bị thiệt hại nặng nề nhất bởi đại dịch năm 1918, các nhà khoa học cũng không cho rằng Tây Ban Nha là nước đầu tiên phát hiện dịch – ba ứng cử viên sáng giá cho vị trí này là Trung Quốc, Anh và Mỹ.
Sở dĩ cái tên Tây Ban Nha bị gán với đại dịch cúm 1918 là vì nước này cho báo chí tự do đưa tin về dịch bệnh, tạo cảm giác tình hình dịch bệnh tại đây là nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên đây là một câu chuyện khác cho một ngày khác.)
Nhưng có một điều lạ là dường như không có đại dịch nào được đặt tên gắn với Mỹ, ngay cả khi giới chức y tế tin rằng Mỹ là nước phát dịch đầu tiên, chẳng hạn như đại dịch cúm A H1N1 năm 2009.
Website của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) viết: "Vào mùa xuân năm 2009, một chủng virus cúm A mới (H1N1) xuất hiện. Virus này được phát hiện đầu tiên ở Mỹ rồi nhanh chóng lan rộng ra cả nước Mỹ cũng như toàn cầu".
Theo CDC, bệnh cúm A/H1N1 đã lây nhiễm cho khoảng 60,8 triệu người dân Mỹ và khiến khoảng 151.700 - 575.400 người trên thế giới tử vong. Đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi về việc chính quyền Mỹ khi đó có phản ứng đủ nhanh và đủ quyết liệt để kiềm chế đại dịch hay không.
Tuy vậy, trong suốt hơn 10 năm qua, không ai gọi đại dịch này là "cúm Mỹ" hay "virus Mỹ", chỉ gọi là cúm A/H1N1.
Trong lĩnh vực kinh tế hay tài chính, hiện tượng tương tự cũng xảy ra. Cuộc khủng hoảng năm 2008-2009 rõ ràng là xuất phát từ sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers cũng như thị trường cho vay dưới chuẩn của Mỹ, tuy nhiên từ trước đến nay nó vẫn được gọi là "khủng hoảng kinh tế/tài chính toàn cầu" chứ không phải là "khủng hoảng tài chính Mỹ"
Ngược lại, cuộc khủng hoảng năm 1997 lại được gọi là "khủng hoảng tài chính châu Á".
Đến đây sẽ có người lí luận rằng cuộc khủng hoảng 1997 chủ yếu chỉ ảnh hưởng các nước châu Á, còn cuộc khủng hoảng năm 2008 có tác động lan tỏa ra toàn cầu, cần gọi tên theo phạm vi ảnh hưởng chứ không phải theo nguồn gốc.
Đại dịch COVID-19 hiện nay cũng đã lan ra toàn cầu với ít nhất 167 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca dương tính, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Vậy Tổng thống Trump và ngoại trưởng Pompeo có nên gọi tên con virus này là "virus toàn cầu" hay không?
Có lẽ đã đến lúc các nước gạt đi mũi dùi chính trị đang chĩa vào nhau để đoàn kết trong cuộc chiến chống lại đại dịch nguy hiểm đang đe dọa sinh mạng của hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới.
Ủy ban Quốc tế về Phân loại Virus (ICTV) và Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) không gọi đại dịch hiện nay là "dịch Trung Quốc" hay "virus Trung Quốc", cũng không gọi đại dịch năm 2009 là "cúm Mỹ" hay "virus Mỹ".
Đại dịch năm 1918 và 1968 cũng có tên gọi chính thức lần lượt là "Đại dịch cúm 1918" và "Đại dịch cúm 1968" do "virus H1N1" và "virus H3N2" gây ra chứ không nhắc tới Tây Ban Nha hay Hong Kong.
Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) chịu trách nhiệm đặt tên cho dịch bệnh, cái tên "COVID-19" hay "Đại dịch cúm 1918" là do WHO công bố.
Ủy ban Quốc tế về Phân loại Virus (ICTV) chịu trách nhiệm đặt tên cho virus gây ra dịch bệnh, những cái tên như SARS-CoV-2 hay A/H1N1 là do ICTV công bố.