Trước COVID-19, lịch sử loài người từng trải qua những đại dịch đáng sợ nào?
Theo The Guardian, tuyên bố về một đại dịch không làm thay đổi đặc tính của bệnh, nhưng có liên quan đến các mối lo ngại về khả năng lây lan của bệnh.
Đại dịch vốn là một phần của lịch sử loài người trong hàng thập kỉ qua. Business Insider cho biết đại dịch đầu tiên thậm chí bùng phát từ rất sớm, vào năm 430 trước Công nguyên trong Chiến tranh Peloponnese.
CNN và Business Insider đã tổng hợp một số đại dịch gây thiệt hại nghiêm trọng theo dòng thời gian từ hiện đại về cận đại như sau:
Ebola (2014 - 2016)
Được đặt theo tên một dòng sông gần địa điểm bùng phát ban đầu, dịch Ebola có phạm vi tác động tương đối giới hạn so với các đại dịch hiện đại nhưng lại cực kì nguy hiểm.
Dịch Ebola lần đầu được phát hiện năm 1976 ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Từ đó đến nay, dịch bùng phát thêm hàng chục lần ở nhiều quốc gia khác nhau.
Năm 2014, dịch Ebola bùng phát ở một ngôi làng nhỏ ở Guinea và sau đó lây lan sang một số nước láng giềng ở Tây Phi. Theo Business Insider, Ebola đã giết chết 11.325 trong tổng số 28.600 người nhiễm chủng virus này, trong đó phần lớn số ca tử vong tập trung tại Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Các chuyên gia ước tính Ebola gây thiệt hại tổng cộng 4,3 tỉ USD và giá trị các khoản đầu tư tại ba nước Tây Phi nêu trên đều sụt giảm mạnh.
Cúm lợn, hay cúm H1N1 (2009 - 2010)
Chủng virus cúm lợn xuất hiện vào năm 2009, lây nhiễm cho khoảng 60,8 triệu người dân Mỹ và khiến khoảng 151.700 - 575.400 người trên thế giới tử vong, theo Business Insider.
Cúm lợn có tên như vậy vì dịch này dường như lây truyền từ lợn sang người. Ngoài ra, cúm lợn khác với các dịch cúm điển hình khi 80% trường hợp tử vong do dịch này xảy ra ở những bệnh nhân dưới 65 tuổi. Thông thường, 70 - 90% ca tử vong do dịch cúm khác được ghi nhận ở những người trên 65 tuổi.
Cúm lợn đã chứng minh một đại dịch có thể lây lan nhanh chóng như thế nào trong thế kỉ 21, cho thấy cộng đồng quốc tế cần phải chuẩn bị nhiều hơn để ứng phó với dịch bệnh trong tương lai.
SARS (2002 - 2003)
SARS, hay hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng, là một căn bệnh gây ra bởi một trong 7 chủng virus corona có thể lây nhiễm sang người.
Năm 2003, SARS ban đầu bùng phát ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và sau đó trở thành đại dịch toàn cầu khi nhanh chóng lây lan sang 26 quốc gia, khiến hơn 8.000 người nhiễm bệnh và 774 người tử vong.
Hậu quả của SARS năm 2003 nhìn chung khá hạn chế do giới chức toàn cầu đã phản ứng mạnh mẽ trước dịch bệnh, trong đó bao gồm lệnh phong tỏa các khu vực bị ảnh hưởng và cách li các cá nhân nhiễm bệnh.
Các nhà khoa học nghiên cứu virus corona chủng mới gây ra dịch COVID-19 phát hiện rằng cấu trúc di truyền của chủng virus mới tương đồng đến 86,9% với virus SARS.
Bên cạnh đó, giới chức y tế cũng đang so sánh hai chủng virus này để cân nhắc liệu chính phủ các nước có thể áp dụng qui trình kiểm soát dịch SARS năm 2003 cho COVID-19 hay không.
HIV/AIDS (1981 - nay)
Các ca mắc HIV/AIDS đầu tiên được báo cáo từ năm 1981 nhưng căn bệnh này hiện nay đang tiếp tục gây lây nhiễm và khiến con người tử vong.
Kể từ năm 1981, khoảng 75 triệu người đã nhiễm virus HIV và khoảng 32 triệu người tử vong do AIDS. Hiện chưa có thuốc đặc trị, HIV/AIDS là một căn bệnh dai dẳng và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hàng triệu người mỗi năm.
Đồng thời, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS thường không nhận được cái nhìn thiện cảm của cộng đồng nên thông tin về họ không được công khai.
Đến nay, chỉ có một số ít bệnh nhân công khai danh tính, chẳng hạn như ngôi sao bóng rổ Magic Johnson và anh Adam Castillejo (người được mệnh danh là "Bệnh nhân London" và mới vừa chiến thắng căn bệnh HIV/AIDS thời gian gần đây).
Ảnh hưởng tiêu cực của HIV/AIDS đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn đang được nghiên cứu, đặc biệt là tại châu Phi - lục địa có tỉ lệ mắc HIV/AIDS cao nhất.
Cúm Hong Kong, hay H3N2 (1968 - 1970)
50 năm sau dịch cúm Tây Ban Nha, một chủng virus cúm khác là cúm Hong Kong (H3N2) đã lan rộng trên khắp thế giới. Theo ước tính của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) số ca tử vong do nhiễm cúm Hong Kong trên toàn cầu là khoảng 1 triệu người, trong đó có khoảng 100.000 người Mỹ.
H3N2 năm 1968 là đại dịch cúm thứ ba xảy ra trong thế kỉ 20, hai đại dịch cúm trước đó là cúm Tây Ban Nha năm 1918 và cúm châu Á năm 1957.
Mặc dù không gây tử vong nghiêm trọng như dịch cúm Tây Ban Nha, H3N2 đặc biệt dễ lây lan, khi mà có đến 500.000 người đã nhiễm bệnh trong vòng hai tuần kể từ trường hợp đầu tiên tại Hong Kong được báo cáo.
Cúm H3N2 đã giúp cộng đồng y tế thế giới hiểu được vai trò của tiêm phòng trong công tác ngăn chặn sự bùng phát của các đại dịch trong tương lai.
Cúm Tây Ban Nha (H1N1) (1918 - 1919)
CNN nhận định đại dịch nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại chính là dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Đại dịch này ước tính đã lây nhiễm cho khoảng 500 triệu người, tương đương 1/3 dân số thế giới khi đó và giết chết khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới.
H1N1 đến nay vẫn chưa rõ nguồn gốc, tuy nhiên các nhà khoa học phát hiện chủng virus này có bộ gen có nguồn gốc từ chim.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), số binh lính Mỹ tử vong vì dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 còn nhiều hơn số thiệt mạng trong Thế chiến thứ nhất cùng năm.
Đến năm 1919, đại dịch này đã lắng xuống nhưng virus H1N1 vẫn tiếp tục bùng lên theo mùa trong 38 năm sau đó.
Dịch tả (1817 - 1823)
Đại dịch tả lần đầu tiên bùng phát ở Jessore (Ấn Độ), sau đó lây lan qua các khu vực lân cận. Đây là một trong 7 đại dịch tả có qui mô lớn nhất, khiến hàng triệu người tử vong.
WHO đã gọi dịch tả là "đại dịch đáng bị lãng quên" và cho biết đợt bùng phát thứ 7 (bắt đầu vào năm 1961) vẫn còn tiếp diễn đến ngày nay. Dịch tả được cho là lây nhiễm cho 1,3 - 4 triệu người/năm, với số ca tử vong hàng năm vào khoảng 21.000 - 143.000 người.
Vì dịch tả bắt nguồn từ thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm khuẩn, dịch gây hại rất lớn cho các quốc gia bị kìm hãm bởi khoảng cách giàu nghèo và thiếu sự phát triển xã hội.
Ngoài ra còn có một số đại dịch khác như đậu mùa (thế kỉ 15 - 17), Cái chết đen (hay bệnh dịch hạch, 1347 - 1351),...