|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giá đã chạm đáy, các nhà máy Trung Quốc bất lực trước làn sóng hủy đơn từ Mỹ

10:42 | 11/04/2025
Chia sẻ
Một số chủ nhà máy Trung Quốc đã giảm giá cho khách Mỹ để cùng nhau xoay xở hai mức tăng thuế quan 10% hồi tháng 2 và 3 của ông Trump. Nhưng với các mức thuế mới nhất, nhiều người cho biết họ không thể hạ giá hơn nữa vì làm vậy sẽ bị lỗ.

Một xưởng may tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg). 

Tình thế bắt buộc

Các động thái leo thang thuế quan của Nhà Trắng đang buộc doanh nghiệp Mỹ hủy các đơn đặt hàng ở Trung Quốc. Các nhà máy ở “công xưởng thế giới” đành chấp nhận mất khách vì họ đã cạn dư địa giảm giá.

Ông Chen Qingxin, quản lý một nhà máy sản xuất đồ chơi tại Quảng Đông, nhận cuộc gọi từ một khách hàng ở thành phố Baltimore chỉ vài phút sau khi Tổng thống Donald Trump tăng thuế quan đối với Trung Quốc vào ngày 9/4. Vị khách này liên lạc để hủy đơn hàng đã đặt từ tháng 3 và dự kiến giao trong tháng 6.

Ông Chen đã đồng ý giảm giá 10% cho khách sau khi ông Trump thông báo mức thuế quan đối ứng 34% đối với hàng hóa Trung Quốc vào ngày 2/4. Nhưng sau khi Nhà Trắng nâng con số lên 84%, vị khách ở Baltimore không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hủy đơn vì mức tăng đó vượt quá những gì ông có thể chịu đựng.

Tiếp đến, cũng trong ngày 9/4, Nhà Trắng tăng thuế quan áp dụng với hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc đang chịu mức thuế 145%. 

Ông Chen nhận xét: “Các mức thuế quan của ông Trump khiến doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc không còn đường làm ăn với nhau nữa”.

Ông Chen dự kiến trong vài ngày tới, nhiều khách hàng Mỹ khác sẽ liên lạc để hủy đơn. Nhà máy của ông sẽ chịu tổn thất không hề nhỏ bởi Mỹ là thị trường lớn của họ. 

Nếu hiện tượng khách Mỹ hủy đơn từ Trung Quốc diễn ra trên quy mô lớn, có khả năng dòng chảy hàng hóa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chậm lại đáng kể, tờ Wall Street Journal (WSJ) nhận định. 

Vào ngày 9/4, Capital Economics ước tính số đơn hàng chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ có thể giảm hơn một nửa trong những năm tới nếu các mức thuế quan được giữ nguyên. Và đó là trước khi Nhà Trắng làm rõ họ áp thuế 145% lên hàng hóa Trung Quốc thay vì 125% như cách hiểu ban đầu của thị trường. 

Gần đây nhất, Trung Quốc phản ứng bằng thông báo áp thuế 84% lên hàng hóa Mỹ. Cả Washington và Bắc Kinh đều tuyên bố sẽ không nhượng bộ.

Một số nhà máy Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng đánh mất đơn hàng từ doanh nghiệp Mỹ và tìm người mua ở thị trường khác, hoặc ngừng sản xuất nếu cần thiết. Nếu giảm giá hơn nữa thì họ sẽ chịu lỗ.

Điều này đồng nghĩa với việc các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ chịu phần lớn gánh nặng của thuế quan. Và tiếp đến, nhiều khả năng họ sẽ chuyển gánh nặng này sang phía người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán sản phẩm.

Ông Jefty Ma, người điều hành một công ty sản xuất mũ ở Quảng Châu có tên Ace Headwear, bình luận trong cuộc phỏng vấn ngày 8/4: “Thuế quan có thể gây ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến người tiêu dùng và các hộ gia đình Mỹ”.

Ace Headwear đã giảm giá khoảng 4% hồi đầu năm nay để trợ giúp các khách hàng Mỹ gặp khó khăn vì thuế quan. Headwear lãi khoảng 5% khi bán mũ với giá xuất xưởng 3 USD/chiếc, do đó công ty khó có thể hạ giá thêm nữa.

Ông Ma cho biết Mỹ chiếm khoảng 20% doanh thu của Ace Headware trong năm ngoái. Ông dự kiến tỷ trọng này sẽ giảm khi thuế quan khiến hàng hóa Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn hẳn với các nhà nhập khẩu Mỹ.

Để bù đắp tổn thất doanh thu tiềm tàng, ông Ma đặt mục tiêu bán thêm nhiều hàng hóa trong nước và tại những thị trường châu Á và châu Âu khác. Nếu tổng số đơn đặt hàng giảm sút trong tương lai gần, có thể ông sẽ để một phần nhỏ trong tổng số 350 công nhân nghỉ việc tạm thời.

Chính quyền ông Trump lập luận rằng thuế quan sẽ không gây nhiều áp lực lạm phát như nhiều nhà kinh tế cảnh báo bởi các nhà cung ứng Trung Quốc có thể gánh chịu phần lớn chi phí. Nhưng đa số nghiên cứ cho thấy thuế quan cuối cùng sẽ do người tiêu dùng Mỹ chi trả.

Nỗi khổ tâm của một doanh nghiệp Mỹ

Ông Chen Qirun, một nhà sản xuất và xuất khẩu ống nhựa PVC tại Quảng Đông, đã nhận được nhiều email của khách hàng Mỹ từ ngày 2/4 - khi ông Trump công bố kế hoạch thuế quan đối ứng - để xin được giảm giá. Từ trước, ông Chen đã đồng ý giảm giá 8% vì các đợt thuế quan hồi tháng 2 và 3 của ông Trump.

Trong một email gửi ngày 4/4, một khách hàng ở Ohio đã đã viết ba đoạn văn để bày tỏ sự trân trọng đối với ông Chen và mô tả những khó khăn và bất ổn mà thế giới phải đối mặt vì thuế quan của Mỹ.

Tiếp đến, vị khách nhờ ông Chen: “Chúng tôi sẽ đánh giá cao bất kỳ sự giúp đỡ nào mà ông có thể cung cấp. Nếu được, xin hãy giảm giá trong khoảng 25 - 30%”.

Ông Chen bình luận: “Cả đời tôi chưa bao giờ nhận được bức email khiêm nhường đến thế. Hẳn ông ấy đang chịu áp lực khổng lồ, nhưng tôi cũng không hơn gì”.

Kể từ cuối năm ngoái, nhà sản xuất ống nhựa này đã thường xuyên tới Trung Đông và những khu vực khác để tìm kiếm khách hàng mới. Trước đây, khoảng 60% đơn hàng của ông đến từ Mỹ, nhưng tỷ trọng đó đã giảm còn 30% vào tháng 3.

Một số nhà kinh tế đánh giá các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ rất khó thay thế khách hàng Mỹ. Nhu cầu từ các hộ gia đình và doanh nghiệp Trung Quốc đang khá yếu. Một số quốc gia khác đã dựng hàng rào thương mại với Trung Quốc do lo sợ cơn lũ hàng hóa giá rẻ từ nước này sẽ làm tổn thương doanh nghiệp nội địa.

Mặt khác, giới phân tích cũng chỉ ra trong một số trường hợp, các nhà nhập khẩu Mỹ có ít lựa chọn cung ứng khác Trung Quốc.

Giang

Nhận định thị trường chứng khoán 14/4: Tiếp diễn xu hướng hồi phục
Theo dự báo của công ty chứng khoán, đà hồi phục ngắn hạn có thể tiếp diễn trong các phiên tới, tuy nhiên nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng trước thị trường đang có biên độ dao động rất lớn và giao dịch theo thông tin.