|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietjet sắp bay đến Côn Đảo bằng tàu Comac

20:55 | 11/04/2025
Chia sẻ
Vietjet Air muốn khai thác đường bay Hà Nội và TP HCM đến Côn Đảo bằng tàu Comac ARJ21 trong tháng này.

Trong văn bản gửi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Hãng hàng không Vietjet Air cho biết có kế hoạch khai thác các chuyến bay đến cảng hàng không Côn Sơn (VCS) tại Côn Đảo từ tháng 4 bằng tàu bay Comac ARJ21.

Hãng dự kiến ngày bay đầu tiên từ 15/4 với các hành trình Hà Nội/TP HCM - Côn Đảo khứ hồi. Trên cơ sở đó, Vietjet đề nghị ACV triển khai công tác phục vụ và tạo điều kiện cho hai bên ký hợp đồng phục vụ mặt đất với các dịch vụ cho tàu Comac ARJ21.

Nói với VnExpress ngày 11/4, lãnh đạo ACV cho biết đã nhận được văn bản đề nghị của Vietjet và ủng hộ hãng mở đường bay tới Côn Đảo. Theo ông, Vietjet sẽ giúp hành khách di chuyển từ Hà Nội và TP HCM đến Côn Đảo thuận tiện hơn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu đi lại tăng cao vào các dịp lễ và cao điểm.

"ACV đang tiến hành các thủ tục cần thiết và chờ Vietjet cung cấp thêm thông tin liên quan đến tàu bay mới để bổ sung vào hồ sơ phê duyệt", đại diện ACV nêu. Đồng thời, ông cũng khẳng định ACV đã sẵn sàng và cũng đang thực hiện rất kỹ lưỡng về vấn đề an toàn.

Tuy nhiên, về khả năng thực hiện chuyến bay đầu tiên đến Côn Đảo của Vietjet từ ngày 15/4, lãnh đạo ACV nói "khó khả thi" bởi hiện vẫn còn nhiều thủ tục phải hoàn tất. Theo ghi nhận của VnExpress đến ngày 11/4, Vietjet cũng chưa mở bán vé các chặng Hà Nội/TP HCM - Côn Đảo trên hệ thống.

Tàu bay ARJ21 tại sân bay Côn Đảo hồi tháng 3/2024. Ảnh: Comac

Với việc hãng bay của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tham gia vào đường bay Côn Đảo, hành khách sẽ có thêm lựa chọn, tiết kiệm thời gian, chi phí hơn. Bởi sau khi Bamboo Airways rút khỏi đường bay đặc thù này, hành khách ở phía Bắc tới Côn Đảo buộc phải nối chuyến qua sân bay Tân Sơn Nhất hoặc Cần Thơ, sau đó tiếp tục di chuyển bằng tàu ATR72 của Vietnam Airlines hoặc Vasco.

Trước đó, từ tháng 12/2024, Vietjet đã báo Cục Hàng không và Bộ Giao thông Vận tải (trước khi hợp nhất với Bộ Xây dựng) về ký hợp đồng thuê ướt (thuê cả tàu bay và phi hành đoàn) 2 tàu bay Comac ARJ21 (C909) với Chengdu Airlines để khai thác đường bay đến Côn Đảo.

Chengdu Airlines cũng là hãng hàng không đầu tiên nhận và khai thác thương mại tàu ARJ21 từ năm 2016. Đây là mẫu tàu bay phản lực khu vực đầu tiên được Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) tự nghiên cứu và sản xuất. Tàu bay này sử dụng hai động cơ GE CF34-10A của Mỹ; các thiết bị bay, hạ cánh của Liebherr (Đức).

Comac giao chiếc ARJ21 đầu tiên cho khách hàng quốc tế tại Indonesia vào năm 2022. Đến hết năm ngoái, mẫu máy bay này đã thực hiện 194.000 giờ bay với hơn 135.000 lượt cất hạ cánh. Tàu phản lực khu vực của Comac có tầm bay từ 2.225 đến 3.700 km. Tàu có thể bố trí cấu hình ghế từ 78 đến 97 chỗ. Kích cỡ máy bay này tương đương với các loại tàu đã và đang khai thác tại sân bay Côn Đảo như ATR-72, Embraer E190.

Do đặc thù đường cất hạ cánh ngắn, nên hiện tại sân bay Côn Đảo chỉ có thể tiếp nhận được các tàu bay loại này. Hồi đầu tháng 3/2024, bên lề chương trình triển lãm máy bay tại Việt Nam, Comac đã thực hiện chuyến bay biểu diễn chở 60 hành khách bằng tàu ARJ21 từ TP HCM đến Côn Đảo và ngược lại.

Hồi giữa tháng 3, trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng về tàu bay Comac ARJ21, Cục Hàng không cho rằng việc xem xét công nhận tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo của Trung Quốc có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không Việt Nam trong bối cảnh thiếu hụt tàu bay. Việc này cũng mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành hàng không trong nước.

Để có thể đưa máy bay Comac vào khai thác, cơ quan này đã đề xuất Bộ Xây dựng xem xét sửa đổi một số điều của Nghị định số 92/2016 và Thông tư số 01/2011, theo hướng công nhận các tiêu chuẩn chứng nhận đủ điều kiện bay của Trung Quốc, làm cơ sở cho nhập khẩu tàu bay vào Việt Nam.

Anh Tú - Thi Hà