|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch, Dow Jones giảm gần 1.500 điểm và rơi vào vùng thị trường gấu

07:33 | 12/03/2020
Chia sẻ
Sau khi hồi phục trong phiên 10/3 với chỉ số Dow Jones tăng gần 1.200 điểm, thị trường chứng khoán Mỹ lại chứng kiến cảnh bán tháo trong hoảng loạn vào phiên 11/3, Dow Jones sụt gần 1.500 điểm. Dịch COVID-19 lan rộng và phản ứng tài khóa thiếu quyết liệt của chính phủ Mỹ đã phần nào khiến tâm lí nhà đầu tư thêm bi quan.
WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch, Dow Jones giảm gần 1.500 điểm và rơi vào vùng thị trường gấu - Ảnh 1.

Chứng khoán Mỹ rơi vào vùng thị trường giá xuống (thị trường gấu).

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt gần 1.465 điểm, tương đương 5,9% và đóng cửa ở 23.553 điểm. Hiện nay Dow Jones đang ở trong vùng thị trường giá xuống (hay còn gọi là thị trường gấu, bear market) vì đã sụt hơn 20% so với đỉnh lịch sử vừa thiết lập tháng trước.

Giai đoạn thị trường giá lên (bull market) kéo dài 11 năm từ giữa cuộc khủng hoảng tài chính 2009 đã đột ngột kết thúc trong cảnh hoảng loạn và bán tháo.

WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch, Dow Jones giảm gần 1.500 điểm và rơi vào vùng thị trường gấu - Ảnh 1.

Biến động chỉ số chứng khoán Mỹ phiên 11/3. Nguồn: Bloomberg.

Chỉ số S&P 500 kết phiên giảm 4,9% và đóng cửa ở 2.741 điểm, rất gần với vùng thị trường gấu. Chỉ số Nasdaq Composite kết phiên 11/3 giảm 4,7% và cách đỉnh lịch sử hồi tháng trước khoảng 19%.

Theo CNBC, ông Jerry Braakman, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lí quĩ First American Trust nói: Chúng ta có thể thấy tâm lí hoảng sợ trên thị trường. Câu hỏi lớn hiện nay đối với nhiều người là chúng ta đã chạm đáy chưa? Tôi nghĩ là thị trường mới xuống được nửa đường thôi".

Thị trường chứng khoán Mỹ phiên 11/3 lao dốc ngay khi mới mở cửa, sau đó đà giảm càng mạnh hơn khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là một đại dịch toàn cầu. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, số trường hợp xác nhận nhiễm trên toàn cầu là 121.564 với ít nhất 4.373 ca tử vong. Tại Mỹ, cơ quan y tế cũng đã xác nhận hơn 1.100 ca dương tính và ít nhất 29 ca tử vong vì COVID-19.

Để ngăn sự lây lan của dịch bệnh, Tổng thống Trump đã đề nghị quốc hội cấp 2,5 tỉ USD tiền ngân sách. Thực tế quốc hội Mỹ đã đồng ý gói chi tiêu lên tới 8,3 tỉ USD, vượt xa số mà Tổng thống đề nghị - điều hiếm thấy trên chính trường Mỹ.

Để hạn chế tác động tiêu cực về kinh tế của dịch, ông Trump đã đề xuất giảm thuế bảng lương (payroll tax) về 0% trong những tháng còn lại của năm 2020. Việc giảm loại thuế này sẽ giúp cho người lao động có thêm thu nhập khả dụng để chi tiêu, qua đó phần nào kích cầu nền kinh tế.

Tuy nhiên thời điểm và kế hoạch áp dụng cụ thể gói kích thích này chưa được chính quyền Tổng thống Trump công bố. Thượng Nghị sĩ Chuck Grassley – Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện cho biết chính sách giảm thuế kiểu này cần được xem xét kĩ lưỡng.

Ông Brian Gardner, một nhà phân tích chính sách tại ngân hàng đầu tư KBW nhận định: "Thị trường tỏ ra thất vọng vì Nhà Trắng không công bố chi tiết về gói kích thích tài khóa để ứng phó với tác động từ dịch COVID-19. Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của dịch và các nhà hoạch định chính sách vẫn phải vật lộn giữa nhiều lựa chọn, đàm phán qua lại giữa hai đảng, và giữa quốc hội với chính phủ".

Các ngân hàng trung ương cũng nhanh chóng hành động để ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế vì dịch bệnh. Hôm 11/3, Ngân hàng Trung ương Anh giảm mạnh lãi suất điều hành từ 0,75% còn 0,25%. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng khối lượng tiền cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng lên 175 tỉ USD. Tuần trước, Fed cũng đã giảm lãi suất 50 điểm cơ bản.

WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch, Dow Jones giảm gần 1.500 điểm và rơi vào vùng thị trường gấu - Ảnh 2.

Thị trường chứng khoán Mỹ với nhiều phiên giảm sâu tăng sốc trong mùa dịch COVID-19.

Sự không chắc chắn về gói hỗ trợ tài khóa và sự sa sút trong nhu cầu du lịch do lo sợ dịch bệnh đã gây áp lực mạnh xuống cổ phiếu hàng không và du thuyền. American Airlines, Delta Air Lines, United Airlines và JetBlue đều sụt ít nhất 4,3% trong phiên 11/3.

Hai hãng du thuyền Norwegian Cruise Line và Carnival thì chứng kiến cổ phiếu cắm đầu lao dốc lần lượt 26,7% và 9,5%.

Ông Joe Kalish, chuyên gia kinh tế vĩ mô tại công ty nghiên cứu Ned Davis Research nhận định: "Thị trường cần thấy sự hỗ trợ có ý nghĩa cho hoạt động kinh tế và cơ chế đảm bảo tín dụng, đặc biệt là cho các doanh nghiệp nhỏ; không phải chỉ có các biện pháp đơn lẻ do chính phủ thực hiện. Nhiều khả năng chúng ta còn cần sự tham gia của quốc hội".

Cổ phiếu ngân hàng đi xuống hàng loạt trong phiên 11/3. Bank of America và JP Morgan Chase sụt lần lượt 4% và 4,7%. Citigroup mất 8,6% trong khi Morgan Stanley và Goldman Sachs đều giảm trên 6,5%.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Song Ngọc