|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán 12/3: Hoảng loạn và bán tháo, VN-Index mất hơn 42 điểm, 16 cổ phiếu nhóm VN30 giảm sàn

10:07 | 12/03/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán phiên 12/3 đồng loạt giảm sâu giữa bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Xem thêm: Thị trường chứng khoán 13/3

Kết phiên, VN-Index giảm 42,1 điểm (5,19%) xuống 769,25 điểm; HNX-Index giảm 3,41% xuống 101,92 điểm; UPCoM-Index giảm 2,97% xuống 50,92 điểm.

Toàn thị trường ghi nhận 615 mã giảm giá so với 147 mã tăng giá, trong đó có tới 197 mã giảm sàn. Riêng nhóm VN30 chứng kiến 16 mã giảm sàn không có mã nào tăng. Thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức cao với khối lượng giao dịch 455,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 6.533 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt 872 tỉ đồng.

Áp lực bán diễn ra xuyên suốt cả phiên giao dịch khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và xanh sàn. Về cuối phiên, sự phục hồi diễn ra tại một số cổ phiếu bluechips tuy nhiên không được lan rộng. Trong đó, cổ phiếu MSN đảo chiều ngoạn mục từ giá sàn 46.500 đồng/cp hồi về tham chiếu 49.950 đồng/cp.

Cổ phiếu YEG cũng gây sự chú ý khi đảo chiều tăng kịch trần trong phiên chiều, trong khi QCG giữ vững giá trần suốt phiên giao dịch.

Với việc các chỉ số lao dốc trong phiên hôm nay, các hợp đồng tương lai chỉ số cũng đồng loạt giảm manh. Hợp đồng VN30F2003 giảm 51 điểm và rơi xuống vùng giá thấp nhất lịch sử, hai hợp đồng tháng 4 và tháng 6 giảm kịch sàn.

Tính đến 14h00, VN-Index giảm 48,36 điểm (5,96%) xuống 762,99 điểm; HNX-Index giảm 4,52% xuống 100,75 điểm; UPCoM-Index giảm 3,45% xuống 50,67 điểm.

Áp lực bán tháo diễn ra dồn dập vào đầu phiên chiều, theo đó nhóm VN30 chứng kiến tới 21 mã giảm sàn. Cổ phiếu "họ FLC" cũng bắt đầu suy yếu khi chỉ còn AMD tăng kịch trần, HAI còn tăng 3,9%, ngược lại ROS giảm sàn, FLC giảm 6%.

Trong khi đó, cổ phiếu YEG đảo chiều tăng 4,8% lên 70.000 đồng/cp sau khi diễn ra lễ kí kết hợp tác giữa Tập đoàn Tân Hiệp Phát và Yeah1.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 45,9 điểm (5,66%) xuống 765,45 điểm; HNX-Index giảm 4,05% xuống 101,25 điểm; UPCoM-Index giảm 2,82% xuống 51 điểm.

Phiên giao dịch buổi sáng diễn biến theo chiều hướng tiêu cực khi các chỉ số liên tục giảm điểm, đà bán tháo kéo dài khiến hàng loạt cổ phiếu giảm sàn. Áp lực giải chấp margin khiến thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với giá trị hơn 3.500 tỉ đồng, chủ yếu do khớp lệnh trên sàn.

Độ rộng thị trường ghi nhận 588 mã giảm giá so với chỉ 85 mã tăng giá, trong đó có tới 166 mã giảm sàn; riêng nhóm VN30 có 13 mã giảm sàn.

Cổ phiếu MWG giảm sàn hai phiên liên tiếp sau khi nữ nhân viện Điện Máy Xanh dương tích virus COVID-19, hết phiên sáng nay khối lượng dư bán sàn mã nay lên tới hơn 1 triệu đơn vị.

Nhóm ngân hàng cũng đồng loạt giảm sâu, điển hình là TCB, BID, HDB, VPB. Cổ phiếu SHB dù giao dịch tích cực vào đầu phiên sáng cũng quay đầu giảm 0,9%.

Trong khi đó, họ FLC trở thành điểm sáng của thị trường với AMD tăng trần 9 phiên liên tiếp. Một số cổ phiếu penny cũng thu hút dòng tiền như DST, HID, QCG.

Tính đến 10h50, VN-Index giảm 45,7 điểm (5,63%) xuống 765,65 điểm; HNX-Index giảm 3,59% xuống 101,71 điểm; UPCoM-Index giảm 2,34% xuống 51,25 điểm.

Gần một nửa cổ phiếu nhóm VN30 giảm sàn, trong đó PNJ, MWG, BID VPB dư bán sàn hàng trăm nghìn đơn vị. Nhóm hàng không sau hai phiên hồi phục cũng quay đầu giảm sâu, VJC rơi về mốc 100.000 đồng/cp.

Trong khi đó, một số cổ phiếu ngành chứng khoán ghi nhận giao dịch tích cực như BSI, ART, FTS, TVS.

Tính đến 9h40, VN-Index giảm 45,29 điểm (5,58%) xuống 766,06 điểm; HNX-Index giảm 2,63% xuống 102,85 điểm; UPCoM-Index giảm 1,75% xuống 51,56 điểm.

Ngay từ khi mở cửa, áp lực bán khiến thị trường đồng loạt giảm sâu, VN-Index rơi khỏi mốc 800 điểm. Toàn thị trường ghi nhận tới gần 500 mã giảm giá, trong đó có 115 mã giảm sàn.

Trong nhóm VN30, áp lực bán cũng diễn ra tại các cổ phiếu bán lẻ PNJ, MWG và họ Vingroup VRE, VIC, VHM. Nhóm ngân hàng tiếp tục tạo áp lực giảm điểm lên chỉ số với BID, VPB giảm sàn, VCB, TCB, HDB, LPB, CTG, MBB giảm trên 5%, riêng SHB ngược dòng tăng 3,6% nhưng cũng không đủ nâng đỡ HNX-Index.

Sắc đỏ cũng chi phối tại nhiều nhóm cổ phiếu như chứng khoán, bất động sản, cao su, thủy sản, khu công nghiệp, hàng không. Nhóm dầu khí giảm sâu sau khi giá dầu tiếp tục giảm 4% do tín hiệu tăng sản lượng của Arab Saudi.

Đáng chú ý, cổ phiếu "họ FLC" ngược dòng thị trường với AMD, HAI, KLF đồng loạt tăng trần, trong khi GAB, ART đều giao dịch trong sắc xanh. Trong đó, cổ phiếu GAB lập đỉnh mới tại 144.200 đồng/cp.

Cổ phiếu QCG cũng tiếp tục gây chú ý với phiên tăng trần thứ 11 liên tiếp, lên 7.800 đồng/cp. 

Thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua cũng chứng kiến cảnh bán tháo trong hoảng loạn  sau khi hồi phục trong phiên 10/3. 

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt gần 1.465 điểm, tương đương 5,9% và đóng cửa ở 23.553 điểm. Hiện nay Dow Jones đang ở trong vùng thị trường giá xuống (hay còn gọi là thị trường gấu, bear market) vì đã sụt hơn 20% so với đỉnh lịch sử vừa thiết lập tháng trước.

Giai đoạn thị trường giá lên (bull market) kéo dài 11 năm từ giữa cuộc khủng hoảng tài chính 2009 đã đột ngột kết thúc trong cảnh hoảng loạn và bán tháo.

Sơn Tùng