Dòng tiền thông minh 12/3: Tự doanh CTCK xả gần trăm tỉ, thêm áp lực giảm điểm lên thị trường
Dòng tiền thông minh xoay quanh nhóm tài chính và bất động sản
Sự hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ và giá dầu trước giờ giao dịch phần nào hỗ trợ VN-Index lấy lại được sắc xanh ngay từ đầu phiên sáng. Tuy vậy, áp lực bán tại một số mã cổ phiếu trụ cột thị trường như VCB, VHM, BID, VIC, GAS đã nhanh chóng kéo VN-Index lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu.
Trong phiên chiều, chỉ số tiếp tục nới rộng đà giảm và có lúc đã để mất ngưỡng 800 điểm. Kết phiên, VN-Index giảm 26,15 điểm (3,13%) xuống 811,35 điểm; HNX-Index giảm 0,64% xuống 105,52 điểm; UPCoM-Index giảm 1,74% xuống 52,48 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 296 mã giảm giá; trong nhóm VN30 có đến 4 cổ phiếu giảm sàn. Trong bối cảnh dịch SARS-CoV-2 lan rộng trên toàn cầu, các nước phát triển đã bắt đầu đưa ra các biện pháp hỗ trợ. Mỹ đã có đề xuất về gói cắt giảm thuế thu nhập, NHTW Anh trong hôm nay cũng hạ lãi suất khẩn thêm 0,5%.
Thanh khoản tiếp tục ở mức cao với khối lượng 414,8 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 6.613 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE chiếm 1.359 tỉ đồng. Dòng tiền tập trung tại nhóm cổ phiếu tài chính và bất động sản với giá trị giao dịch tương ứng 1.242 tỉ đồng và 1.074 tỉ đồng.
Khối tự doanh tiếp tục bán ròng gần trăm tỉ phiên VN-Index bay hơn 26 điểm
Thống kê giao dịch trong phiên hôm qua, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán gia tăng bán ròng gần trăm tỉ đồng, tạo thêm áp lực giảm điểm lên thị trường.
Về giá trị giao dịch cụ thể, dẫn đầu phía bán ra là cổ phiếu MBB ghi nhận giá trị (29,98 tỉ đồng). Theo sau đó, khối tự doanh bán ra mã VNM và FPT lần lượt 22,9 tỉ đồng 19,4 tỉ đồng. Mặt khác, dòng vốn tự doanh rút khỏi cổ phiếu VIC (15,5 tỉ đồng) và HPG (15,47 tỉ đồng).
Diễn biến trái chiều, tại giao dịch cổ phiếu, các mã ghi nhận giá trị mua vào trong phiên trên 10 tỉ đồng gồm FPT (25,6 tỉ đồng), MSN (22,7 tỉ đồng) và VPB (18 tỉ đồng). Ngoài ra, cổ phiếu MWG được khối tự doanh mua vào 9,6 tỉ đồng.
Tại giao dịch chứng chỉ quĩ, mã E1VFVN30 ghi nhận giá trị mua vào cao nhất trong phiên là 58,85 tỉ đồng.
Khối ngoại rút ròng 287 tỉ đồng toàn thị trường, tạo áp lực lên nhiều mã bluechips
Trong phiên hôm qua, trên HOSE tiếp tục ghi nhận giá trị bán ròng 250 tỉ đồng với khối lượng 1,6 triệu đơn vị. Trong đó, cổ phiếu HPG bị bán ròng nhiều nhất trong phiên là 60,08 tỉ đồng, theo sau là VJC (57,15 tỉ đồng).
Cùng chiều, chứng chỉ quĩ E1VFVN30 và cổ phiếu VRE lần lượt ghi nhận giá trị bán ròng 47,84 tỉ đồng và 42,82 tỉ đồng. Dòng vốn ngoại rút khỏi cổ phiếu GAS (37,35 tỉ đồng), MSN (35,1 tỉ đồng), VHM (24,49 tỉ đồng). Các cổ phiếu còn lại trong top bán ròng gồm VIC (12,62 tỉ đồng), PVD (11,51 tỉ đồng) và NVL (10,94 tỉ đồng).
Ngược lại, NĐT nước ngoài tập trung mua ròng 123,63 tỉ đồng cổ phiếu VNM. Ngoài ra, hai mã CTG và PHR lần lượt được NĐT nước ngoài mua ròng 25,62 tỉ đồng và 13,29 tỉ đồng.
Trên HNX, hoạt động bán ròng của khối ngoại áp đảo với giá trị 15,2 tỉ đồng cùng khối lượng 1,2 triệu cổ phiếu. NĐT nước ngoài xả duy nhất cổ phiếu PVS 14,6 tỉ đồng. Ngoài ra, khối này cũng bán ròng SHB, TNG và TTZ. Trái lại, dòng vốn ngoại tìm đến cổ phiếu SHS, kế đến là SLS và LAS.
Giao dịch trên UPCoM, khối ngoại bán ròng 22 tỉ đồng với khối lượng 1,15 triệu đơn vị. Áp lực bán ròng tập trung tại cổ phiếu ACV (15,6 tỉ đồng). Mặt khác, hai mã BSR và QNS ghi nhận giá trị bán ròng tương ứng 5,9 tỉ đồng và 1,3 tỉ đồng. Trong khi đó, khối ngoại gom vào một số mã dưới 1 tỉ đồng như VTP, KDF và VEA.
Phó Chủ tịch Sudico đăng kí bán thỏa thuận 4 triệu cổ phần SJS
Thống kê thông tin giao dịch trên hai sàn, lãnh đạo và cá nhân/tổ chức liên quan đăng kí mua duy nhất L10 trong khi cổ phiếu SJS và TDM bị đăng kí bán ra.
Đáng chú ý, ông Đỗ Văn Bình, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) vừa thông tin muốn bán 4 triệu cổ phiếu SJS trong thời gian từ 17/3 đến 8/4. Phương thức giao dịch dự kiến là bán thỏa thuận.
Được biết, ông Bình hiện là cổ đông lớn của Sudico với tỉ lệ nắm giữ 11,29% vốn điều lệ. Dự kiến sau giao dịch, ông Bình sẽ giảm tỉ lệ sở hữu công ty xuống 7,81% vốn cổ phần.