|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Khó xảy ra việc doanh nghiệp FDI thoái lui do thuế quan của Mỹ'

14:52 | 11/04/2025
Chia sẻ
Theo ông Lê Khánh Lâm, Phó Tổng Giám đốc – Điều hành Dịch vụ Thuế & Tư vấn Công ty TNHH Kiểm toán & Tư vấn RSM Việt Nam, các doanh nghiệp FDI có thể chần chừ việc mở rộng thị trường tại Việt Nam nhưng sẽ khó xảy ra việc thu hẹp hoặc dịch chuyển dòng vốn.

Chia sẻ tại Talkshow Bàn tròn chính sách: "Mỹ áp thuế: Các kịch bản & ứng phó hậu đàm phán" phát sóng ngày 11/4, ông Lê Khánh Lâm, Phó Tổng Giám đốc – Điều hành Dịch vụ Thuế & Tư vấn Công ty TNHH Kiểm toán & Tư vấn RSM Việt Nam, cho rằng những doanh nghiệp chiếm vai trò khá quan trọng tại Việt Nam như Samsung, Apple, Microsoft, Intel, Lego... sẽ tiếp tục duy trì vận hành các nhà máy trong thời gian tới.

Theo ông Lâm, những doanh nghiệp này đã đầu tư nhà máy hàng tỷ USD tại Việt Nam, lập kế hoạch khá dài hạn. Do đó, sẽ khó xảy ra việc dịch chuyển, giảm quy mô đầu tư trong ngắn hạn.

"Có thể họ sẽ xem xét, cân nhắc lại đối với những dự án dự kiến đầu tư mới, đầu tư thêm, đầu tư mở rộng. Còn đối với những dự án đã đang vận hành trôi chảy, tôi nghĩ sẽ khó xảy ra việc thu hẹp hoặc dịch chuyển", ông Lâm nhận định.

Phân tích thêm về nội dung này, ông Lâm cho rằng có rất nhiều lý do dẫn đến quyết định này của các doanh nghiệp, trong đó có việc khá nhiều nhà máy đặt tại Việt Nam không chỉ để phục vụ riêng thị trường Mỹ mà còn cả thị trường châu Á hoặc châu Âu. Trong khi đó châu Á là thị trường ngày càng lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có vị trí rất thuận lợi trong việc giao thương.

Mặt khác, ông Lê Khánh Lâm cho rằng chính sách thuế ở Việt Nam hiện tại đang rất tốt và có nhiều ưu đãi.

Phó Tổng Giám đốc SRM Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp FDI có thể chần chừ trong việc mở rộng và đầu tư mới nhưng khó xảy ra việc lên kế hoạch đóng cửa, giảm quy mô hoặc có kế hoạch thoái lui thì trong vài tuần gần đây. Ngoài ra, với việc Mỹ vừa ra quyết định hoãn áp thuế 90 ngày để đàm phán, ông hy vọng việc giữ chân FDI sẽ tiếp tục xu hướng thuận lợi tại Việt Nam. 

Ông Lê Khánh Lâm, Phó Tổng Giám đốc – Điều hành Dịch vụ Thuế & Tư vấn Công ty TNHH Kiểm toán & Tư vấn RSM Việt Nam. (Ảnh: VNB).

Kỳ vọng mức thuế Mỹ áp với Việt Nam chỉ khoảng 10 - 12%

Bàn về mức thuế suất sau đàm phán, ông Lê Khánh Lâm cho hay Việt Nam cũng là một thị trường thay thế khá quan trọng ở khu vực châu Á. Vì vậy, ông dự báo Mỹ sẽ không áp thuế Việt Nam quá cao.

Trên thực tế, việc ngay lập tức kêu gọi những công ty có tầm vóc và quy mô công nghệ như Intel, Apple hay là Microsoft ở Việt Nam dịch chuyển về Mỹ khó có thể diễn ra trong thời gian ngắn.

Mặt khác, có rất nhiều hoạt động thì các công ty sử dụng rất nhiều nhà cung cấp, nhà thầu phụ,... tại Việt Nam. Hiện nay, trên 50% sản lượng của Nike được sản xuất tại Việt Nam. Với Apple, có ít nhất là 20% các sản phẩm iPad hoặc 80% các sản phẩm liên quan đến Apple Watch được sản xuất ở Việt Nam.

Ông dẫn đánh giá của một cựu cố vấn của Apple trên CNN, người này cho rằng phải tốn khoảng trên ba năm để dịch chuyển ít nhất 10% hoạt động của Apple về Mỹ vì Apple hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng và hàng trăm nhà cung cấp ở khu vực châu Á. 

Do đó, chính sách thuế suất mà Mỹ áp với Việt Nam chỉ nên ở mức khoảng 11 - 12% là phù hợp. Ngay cả khi tính lại cho đúng công thức như báo chí đưa tin thì mức thuế suất mà Mỹ nên áp với Việt Nam sau khi đã chiết khấu chỉ nên ở mức 11,5 - 12%.

"Tôi đã phục vụ các công ty Mỹ tìm kiếm nguồn cung ứng từ Việt Nam, có cả Walmart, Target, William Sonoma…  Nhiều công ty cũng chiếm tỷ trọng rất quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm cho các cửa hàng không phải trực tiếp từ Mỹ, đang vận hành tại châu Á. 10 - 12% là mức thuế suất tôi kỳ vọng sẽ xảy ra tại Việt Nam và là mức thuế suất hợp lý để ngay cả công ty Mỹ tại Việt Nam cũng vận hành một cách hiệu quả", ông Lâm nói.

Anh My