Những sai lầm chết người của Italy khi chống COVID-19 và bài học cho các nước
Italy đang ngày càng mạnh tay trong chiến lược phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Hôm 22/3, chính phủ ra lệnh ngừng mọi hoạt động kinh tế không thiết yếu trong vòng hai tuần, đóng cửa nhiều nhà máy.
Cùng ngày, nước này thông báo cấm việc đi lại giữa các thành phố "nếu không phải vì lí do kinh tế, sức khỏe hoặc các vấn đề cấp thiết khác".
Theo Bloomberg, đã có dấu hiệu cho thấy hành động quyết liệt này đang mang đến kết quả tốt, nhưng cái giá nền kinh tế và con người phải trả sẽ rất lớn.
Chính phủ Italy đã phạm phải nhiều sai lầm trong quá trình chống dịch COVID-19. Theo các số liệu chính thức, số người chết vì COVID-19 tại Italy hiện đã vượt qua Trung Quốc.
Tính đến sáng 25/3, có đến 6.820 trường hợp tử vong vì COVID-19 tại Italy, gấp hơn hai lần so với con số ghi nhận trên toàn Trung Quốc đại lục là 3.277 người. Trong khi đó, dân số của Italy chỉ bằng khoảng 4% dân số của Trung Quốc và số ca nhiễm chỉ bằng khoảng 84%.
Italy là ổ dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, với tổng cộng 69.176 ca nhiễm virus corona chủng mới, gấp đôi so với Đức.
Italy là quốc gia đầu tiên ở châu Âu xảy ra bùng phát dịch nghiêm trọng. Đó có thể là lí do vì sao số ca nhiễm bệnh và tử vong ở nước này lại lớn đến thế. Tình hình dịch bệnh ở các nước như Pháp, Anh và Mỹ có vẻ như đang chậm hơn Italy một vài tuần, và có khả năng sẽ dần bắt kịp nước này.
Cũng có thể Italy chỉ đơn giản là đã không gặp may: Vì là quốc gia châu Âu đầu tiên phải đối đầu với dịch bệnh, Italy đã mất cảnh giác.
Có một số nguyên nhân khả dĩ để giải thích cho mức độ lây lan dịch bệnh nghiêm trọng tại nước này.
Italy là nước có dân số già thứ hai thế giới, chỉ sau Nhật Bản. Tuy nhiên, trong khi diễn biến dịch COVID-19 ở Italy đang rất nghiêm trọng, hiện Nhật Bản lại là một trong những quốc gia phát triển ít bị ảnh hưởng nhất, dù là một trong những nước đầu tiên bên ngoài Trung Quốc chịu sự tấn công của virus corona chủng mới.
Độ tuổi trung vị tại Italy là khoảng 45 tuổi. Trong khi đó, virus corona chủng mới lại đặc biệt nguy hiểm với người cao tuổi. Theo số liệu từ Hội đồng Y tế Cấp cao của Italy, phần lớn các ca tử vong vì COVID-19 là những người gần 80 tuổi.
Văn hóa cũng có thể đóng một vai trò nhất định: Tại Italy, các thành viên trong gia đình thường dành nhiều thời gian bên nhau hơn so với những nước phương Tây khác. Có thể thói quen này đã làm tăng thêm khả năng người cao tuổi bị lây nhiễm.
Nhật Bản cũng có dân số già, nhưng yếu tố văn hóa khiến người dân nước này thường giữ khoảng cách với nhau, và cũng không có thói quen ôm hôn và bắt tay người khác. Đây có thể là lí do giúp cho Nhật Bản thành công trong việc hạn chế lây nhiễm.
Vùng Lombardy là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất vì COVID-19 ở Italy. Gần một nửa số ca xác nhận nhiễm COVID-19 và gần 2/3 số trường hợp tử vong được ghi nhận tại vùng này.
Lombardy là một khu vực giàu có, với nhiều mối quan hệ thương mại với những quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc. Điều này có thể giúp lí giải vì sao đây lại là khu vực xảy ra bùng phát COVID-19 đầu tiên tại Italy, và dịch bệnh không được khống chế trong suốt một khoảng thời gian.
Một số bệnh viện nhỏ có thể đã sai lầm trong việc xử trí các trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên, dẫn đến bùng phát các ổ dịch tại bệnh viện. Điều này đặc biệt nghiêm trọng, vì người bị bệnh vốn dĩ có sức đề kháng kém hơn người khỏe mạnh bình thường.
Một giả thuyết khác là ô nhiễm không khí khiến bệnh tình của người nhiễm COVID-19 trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên giả thuyết này chưa được kiểm chứng khoa học.
Ban đầu, chính phủ Italy đã xem nhẹ tính nghiêm trọng của dịch bệnh. Cuối tháng 1/2020, Thủ tướng Giuseppe Conte phát biểu trên truyền hình rằng Italy đã chuẩn bị sẵn sàng để chống COVID-19, chỉ ra rằng nước này đang áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cứng rắn nhất so với toàn bộ châu Âu.
Theo Bloomberg, khi những trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên xuất hiện tại Lombardy, một vài chính trị gia đã vội vã trấn an và kêu gọi mọi người tiếp tục sinh hoạt như bình thường.
Họ sử dụng hình ảnh của Milan, thủ phủ vùng Lombardy và trung tâm tài chính của Italy trong một video cổ vũ được truyền bá rộng rãi với khẩu hiệu "Dịch bệnh không thể khiến Milan ngừng lại".
Chẳng bao lâu sau, tình hình đã đảo lộn hoàn toàn. Đầu tiên, chính phủ ra lệnh phong tỏa bắt buộc đối với 50.000 người trong các thị trấn ở Lombardy và Veneto. Tiếp theo, mọi trường học bị đóng cửa, và tất cả các buổi tụ họp đông người bị cấm.
Ngày 10/3, Thủ tướng Giuseppe Conte ra lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước. Các quán rượu, nhà hàng và cửa hiệu buộc phải đóng cửa. Người dân được khuyên không nên rời khỏi nhà trừ khi có lí do thiết yếu như đi làm hoặc mua thực phẩm.
Chính phủ Italy đã đi xa hơn và cho ngừng tất cả mọi hoạt động kinh tế không thiết yếu, ví dụ như đóng cửa nhiều nhà máy cho đến ngày 3/4.
Italy xứng đáng được nhận lời khen ngợi vì là nước phương Tây đầu tiên áp dụng những biện pháp cứng rắn đến vậy.
Tuy nhiên, chính phủ nước này đã có nhiều bước đi sai lầm. Đầu tiên, Italy đã thất bại trong việc phong tỏa hoàn toàn tỉnh Bergamo tại Lombardy – khu vực ghi nhận nhiều người nhiễm COVID-19 nhất tại quốc gia này.
Thêm vào đó, thông tin về quyết định phong tỏa một vài khu vực miền bắc đã bị rò rỉ ra báo chí trước khi được chính thức thông qua, khiến cho nhiều người dân vùng này bỏ chạy về miền nam.
Sau khi Thủ tướng Conte công bố kế hoạch cho đóng cửa các nhà máy vào tối thứ 24/3, chính phủ phải mất đến cả ngày hôm sau để xác định nên cho phép cơ sở nào được tiếp tục hoạt động.
Có đến hơn 4.000 nhân viên y tế Italy xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới. Đây là dấu hiệu cho thấy đội ngũ y bác sĩ đang phải chịu rủi ro cao và thậm chí có thể thành nguồn phát tán virus.
Dù Italy đã thực hiện hơn 230.000 cuộc xét nghiệm, nước lại không thể xây dựng được chiến lược tổng thể cho việc xét nghiệm, theo dõi và tự cách li – cách thức đã giúp Hàn Quốc và Singapore kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh.
Đáng tiếc rằng các nước châu Âu vẫn phạm phải một số sai lầm như Italy. Chính phủ Pháp và Tây Ban Nha đã quá chậm trễ trong việc áp dụng biện pháp phong tỏa.
Ban đầu, chính phủ Anh định áp dụng kế hoạch "miễn dịch cộng đồng" nhưng đã phải từ bỏ sau khi hứng chịu sự chỉ trích từ người dân và các chuyên gia y tế. Khi số ca tử vong của Anh tăng lên, giới chức nước này đã tăng cường các biện pháp chống dịch, bao gồm hạn chế giao tiếp xã hội. Tuy nhiên, động thái của chính phủ lại không đủ mạnh mẽ để buộc người dân nghiêm túc chấp hành yêu cầu này.
Tại Tây Ban Nha, một số lượng lớn nhân viên y tế cũng dương tính với COVID-19. Mỹ cũng mới gần đây tăng được năng lực xét nghiệm, nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu đang ngày một gia tăng.
Italy xứng đáng được tán dương vì đã áp dụng những biện pháp cứng rắn để chống dịch, ví dụ như hạn chế việc di chuyển của công dân – điều mà trước đây được coi là bất khả thi với một quốc gia phương Tây. Những biện pháp này đã được một số nước khác trên thế giới tham khảo và áp dụng.
Tuy nhiên, kinh nghiệm từ Italy không chỉ ra được thế giới nên đối phó với dịch COVID-19 như thế nào trong dài hạn, vì việc đóng cửa toàn bộ nền kinh tế trong nhiều tháng trời là điều không thể.
Nhiều quốc gia châu Á có vẻ đã đạt được thành quả tốt hơn trong việc dung hòa những lợi ích về kinh tế và y tế công cộng. Các nước phương Tây nên nhìn vào châu Á để tìm kiếm câu trả lời trong dài hạn – và tốt nhất là họ nên khẩn trương trước khi quá muộn.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/