|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Câu hỏi đánh đố giới chuyên gia: Đại dịch COVID-19 chưa đạt đỉnh tại Nhật Bản nhưng đã biến đi đâu mất rồi?

10:59 | 23/03/2020
Chia sẻ
Nhật Bản từng là một trong các nước đầu tiên bên ngoài Trung Quốc đại lục bị dịch COVID-19 tấn công, tuy nhiên hiện nay đất nước mặt trời mọc lại nằm trong nhóm các quốc gia phát triển ít bị ảnh hưởng nhất. Thực tế này đang đánh đố hiểu biết của giới chuyên gia y tế toàn cầu.

Khác với các biện pháp cách li nghiêm khắc tại Trung Quốc hay kiểm dịch qui mô lớn ở châu Âu và yêu cầu ở yên trong nhà tại nhiều thành phố lớn của nước Mỹ, Nhật Bản không ra lệnh phong tỏa đất nước.

Mặc dù có bị gián đoạn do trường học đóng cửa, cuộc sống vẫn tiếp diễn như bình thường đối với phần đông người dân Nhật Bản. Các chuyến tàu vào giờ cao điểm tại Tokyo vẫn chật cứng và nhà hàng vẫn mở cửa.

Nhật Bản trong hai khả năng

Câu hỏi mới đặt ra là liệu Nhật Bản đã né đạn thành công hay sắp phải chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo Bloomberg, chính phủ Nhật Bản cho biết họ đã nỗ lực xác định các cụm lây nhiễm và kiểm soát tốc độ lây lan, nhờ đó tổng số ca nhiễm và bình quân ca nhiễm mới thuộc nhóm thấp nhất trong các nền kinh tế phát triển.

Giới phê bình phản bác rằng Nhật Bản tiến hành xét nghiệm rất lỏng lẻo, có thể là nhằm duy trì số ca nhiễm COVID-19 ở mức thấp khi mà nước này dự kiến sẽ đăng cai Thế vận hội mùa hè tại Tokyo vào tháng 7 năm nay.

Câu hỏi đánh đố giới chuyên gia: Từng là một trong các điểm nóng đầu tiên, Nhật Bản nay đã thoát ải COVID-19? - Ảnh 1.

Du thuyền Diamond Princess từng khiến giới chức y tế Nhật Bản hứng chịu nhiều chỉ trích trong giai đoạn đầu của dịch COVID-19. (Ảnh: Bloomberg)

Phản ứng chậm chạp của Nhật Bản trong giai đoạn đầu của dịch COVID-19, quá trình xử lí tàu du lịch Diamond Princess và quyết định không cấm du khách Trung Quốc lúc ban đầu khiến chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe phải đối mặt với làn sóng chỉ trích rằng Nhật Bản có thể trở thành "Vũ Hán thứ hai".

Các bước đi mà chính phủ Nhật Bản từng thực hiện để kiểm soát dịch COVID-19 như đóng cửa trường học và hủy bỏ nhiều sự kiện qui mô lớn bây giờ dường như không đáng kể so với động thái cứng rắn mà các nước khác áp dụng.

Tuy nhiên, tính đến ngày 18/3, Nhật Bản chỉ có hơn 900 ca nhiễm COVID-19, không tính du thuyền Diamond Princess. Trong khi Mỹ, Pháp và Đức đều có trên 7.000 ca và Italy có gần 36.000 ca.

Đất nước láng giềng Hàn Quốc - vốn đã tiến hành xét nghiệm qui mô lớn sau khi số ca nhiễm mới tăng đột biến từ cuối tháng 2, ghi nhận khoảng 8.500 ca bệnh, tuy nhiên các ca nhiễm mới hiện đang giảm dần.

Tại thủ đô Tokyo - một trong các đô thị đông dân nhất thế giới, số ca nhiễm COVID-19 chỉ chiếm khoảng 0,0008% dân số. Hokkaido - hòn đảo lớn ở phía bắc Nhật Bản và từng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đã dỡ bỏ tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì số ca nhiễm mới đã giảm.

Ông Kenji Shibuya - giáo sư tại King's College London và từng là giám đốc chính sách y tế tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận thấy có hai khả năng: (1) Nhật Bản đã kiểm soát dịch thành công bằng cách tập trung vào các cụm dịch; (2) có một số đợt bùng phát chưa xuất hiện.

"Cả hai khả năng đều hợp lí, dù vậy tôi đoán là Nhật Bản sắp chứng kiến một đợt bùng phát lớn và chính phủ chắc chắn sẽ chuyển từ giai đoạn ngăn chặn sang trì hoãn đỉnh dịch sớm thôi", Bloomberg dẫn lời ông Shibuya cho hay. "Năng lực xét nghiệm đang tăng lên, nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế".

Câu hỏi đánh đố giới chuyên gia: Từng là một trong các điểm nóng đầu tiên, Nhật Bản nay đã thoát ải COVID-19? - Ảnh 2.

Nhật Bản hôm nay bình an vô sự vì kiểm soát đại dịch tốt?

Vị trí địa lí gần gũi của Nhật Bản với Trung Quốc có thể đã giúp nâng cao nhận thức của người dân khi dịch COVID-19 còn đang ở giai đoạn dễ kiểm soát.

Vào cuối tháng 1, ngay sau khi Nhật Bản ghi nhận ca nhiễm đầu tiên ở một người chưa từng đến Trung Quốc, nước rửa tay bắt đầu xuất hiện tại các văn phòng và cửa hiệu, doanh số khẩu trang y tế tăng mạnh và người dân bắt đầu thực hiện một số bước cơ bản để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Theo Bloomberg, điều này cũng có thể đã giúp Nhật Bản san phẳng đường cong đại dịch.

"Nhật Bản may mắn khi không nhập khẩu nhiều ca nhiễm COVID-19 và bệnh nhân dường như chỉ tập trung tại một số khu vực nhất định", bà Laurie Garrett - một cây bút về y tế toàn cầu, nhận định.

Dù COVID-19 có khả năng lây nhiễm cao, báo cáo ra ngày 9/3 của một ủy ban do chính phủ Nhật Bản bổ nhiệm cho biết khoảng 80% số ca nhiễm tại Nhật Bản không lây bệnh cho người khác.

Tuy nhiên, có rất ít chuyên gia đồng thuận về nguyên nhân của phát hiện trên cũng như bày tỏ thái độ hoài nghi liệu chính phủ Nhật Bản có đang dập dịch COVID-19 đúng cách dù giới chức y tế Mỹ từng lên tiếng chỉ trích Tokyo buông lỏng kiểm soát đối với ổ dịch Diamond Princess.

"Nhiềm cụm lây nhiễm được phát hiện ở giai đoạn tương đối sớm", ủy ban trên nêu ra trong báo cáo. Thủ tướng Shinzo Abe đã trích dẫn các phát hiện này khi ông phát biểu hôm 14/3 rằng Nhật Bản chưa cần phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Nhật Bản có thể có một số lợi thế từ trước, chẳng hạn như nền văn hóa ít bắt tay và ôm hôn hơn so với các nước G7 khác. Bên cạnh đó, người dân Nhật Bản cũng rửa tay thường xuyên hơn so với các nước châu Âu.

Số ca nhiễm cúm mùa tại Nhật Bản đã giảm trong 7 tuần liên tiếp, ngay khi dịch COVID-19 bắt đầu lây lan, cho thấy người Nhật có thể đã nằm lòng với việc cần phải áp dụng một số bước cơ bản để ngăn khả năng mắc bệnh truyền nhiễm.

Dữ liệu của Trung tâm Giám sát Bệnh truyền nhiễm Thủ đô Tokyo cho thấy số ca nhiễm cúm mùa năm nay thấp hơn mọi năm và trên toàn quốc, số ca bệnh đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2004.

Nhật Bản đã nên thở phào nhẹ nhõm hay chưa?

Nhật Bản đã tăng cường năng lực xét nghiệm. Dù dân số đông hơn nước láng giềng Hàn Quốc, giới chức y tế Nhật Bản hiện chỉ có thể tiến hành xét nghiệm khoảng 5% số ca nghi nhiễm.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại Italy cũng khiến Nhật Bản chùn bước đôi chút, khi mà Italy càng xét nghiệm thì hệ thống bệnh viện càng quá tải.

"Tỉ lệ tử vong của Italy gần gấp ba lần Nhật Bản", bà Yoko Tsukamoto - giáo sư chuyên ngành kiểm soát dịch bệnh tại Đại học Y khoa Hokkaido, cho biết.

"Một phần nguyên nhân khiến tình hình ở Italy chuyển biến xấu là do nếu bạn dương tính, bạn sẽ phải cách li, điều đó đồng nghĩa rằng hệ thống y tế không có đủ giường bệnh cho các bệnh nhân không nguy kịch", bà Tsukamoto nói thêm.

Tính đến ngày 18/3, Nhật Bản đã xét nghiệm cho hơn 15.000 người và mặc dù chính phủ không khuyến khích kiểm tra các trường hợp không có triệu chứng hoặc tiếp xúc với người nhiễm COVID-19, tỉ lệ lây nhiễm là 5,6%. Tỉ lệ lây nhiễm của Hàn Quốc là khoảng 3%, nhưng của Italy là 18%.

Dù vậy, Nhật Bản vẫn đang phải đối mặt với một trận chiến khó khăn để kiểm soát tốc độ lây nhiễm.

"Thật khó để xác định từng trường hợp, vì rất nhiều bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Tại Hong Kong và Singapore, công tác kiểm soát dịch đã ghi nhận tính hiệu quả thông qua tích cực tìm kiếm các ca bệnh", ông Ben Cowling - giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hong Kong, cho hay.

Vị giáo sư nhận định: "Tôi dự đoán số ca nhiễm tại Nhật Bản sẽ tăng dần khi dịch COVID-19 lây lan một cách thầm lặng trong cộng đồng".

Giới chức Nhật Bản cho biết họ tự tin về chương trình xét nghiệm COVID-19 của mình. "Chúng tôi không nhận thấy cần phải sử dụng toàn bộ năng lực xét nghiêm chỉ vì chúng tôi có đủ sức", quan chức Bộ Y tế Nhật Bản Yasuyuki Sahara chia sẻ.

"Đồng thời, chúng tôi cũng không nghĩ cần phải xét nghiệm chỉ vì người dân lo lắng", ông Sahara nói thêm.

Yên Khê