|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hàn Quốc và Italy - 2 tâm dịch, 2 cách chống Covid-19 trái ngược nhau

14:48 | 14/03/2020
Chia sẻ
Covid-19 bùng phát ở Hàn Quốc và Italy gần như trong cùng một giai đoạn, nhưng diễn biến của dịch ở 2 nước đang chuyển biến theo 2 hướng khác nhau, đặc biệt là số người tử vong.

Ở Italy, hàng chục triệu người đang phải sống trong lệnh phong toả được áp dụng trên cả nước trong bối cảnh số cả tử vong vì Covid-19 ở nước này đã vượt mốc 1.000. Nhưng ở Hàn Quốc, quốc gia mà thời điểm bùng phát dịch gần giống với Italy, chỉ có vài chục nghìn người bị phong toả và số ca tử vong chỉ là 67.

Khi virus tiếp tục lan rộng và nhanh chóng trên khắp thế giới, câu chuyện của Hàn Quốc và Italy đã trở thành một minh hoạ rõ nét về vấn đề mà các nước khác sẽ gặp phải, nếu như số ca nhiễm bất ngờ tăng vọt.

Hàn Quốc và Italy - 2 tâm dịch, 2 cách chống Covid-19 trái ngược nhau - Ảnh 1.

Các nhân viên y tế Hàn Quốc tại một điểm xét nghiệm lưu động, nơi người dân có thể lái xe qua để thực hiện mà không cần phải vào bệnh viện. Ảnh: Reuters.

Làm gì khi không thể làm như Trung Quốc?

Sẽ là không thực tế nếu xét nghiệm Covid-19 cho tất cả người tiềm ẩn nguy cơ nhiễm virus, nhưng đối với giới chức y tế các nước, câu trả lời gần đúng nhất là cách ly theo vùng và sau đó xét nghiệm để khoanh vùng sự lây lan của dịch bệnh.

Italy bắt đầu bằng việc thực hiện phong toả trên quy mô lớn, sau đó thu hẹp vòng vây và tập trung vào những khu vực có mật độ lây nhiễm cao. Điều này sẽ giúp họ không phải xử lý hàng trăm nghìn mẫu xét nghiệm mỗi ngày, nhưng cũng có một điều phải đánh đổi: họ sẽ khiến cả đất nước 60 triệu dân cảm thấy ngột ngạt vì lệnh phong toả này.

Ngay cả Giáo hoàng Francis, người đang bị cảm lạnh và phải thực hiện các buổi lễ của Vatican trực tuyến, cho biết ông cảm thấy mình như "bị nhốt trong thư viện".

Cách đó hàng chục nghìn km tại Hàn Quốc, chính quyền có cách tiếp cận tương đối khác đối với một đợt bùng phát Covid-19 với kích cỡ tương tự như của Italy. Hàng trăm nghìn người được xét nghiệm virus corona và những người nghi nhiễm được theo dõi và kiểm soát thông qua công nghệ vệ tinh và điện thoại thông minh.

Cả hai nước đều phát hiện nhưng ca nhiễm đầu tiên vào cuối tháng 1, và từ đó đến nay Hàn Quốc ghi nhận 67 ca tử vong trong tổng số 8.000 ca nhiễm, sau khi thực hiện xét nghiệm cho hơn 222.000 người. Trong khi đó, Italy đã ghi nhận 1.266 trường hợp tử vong và hơn 17.000 ca nhiễm trong khi mới chỉ xét nghiệm cho 73.000 người.

Các nhà dịch tễ học cho rằng rất khó để so sánh trực tiếp các con số của hai nước, nhưng sự khác biệt này gợi ý rằng chúng việc xét nghiệm quyết liệt trên quy mô lớn là công cụ hiệu quả để chống lại sự lây lan của virus.

Hàn Quốc và Italy - 2 tâm dịch, 2 cách chống Covid-19 trái ngược nhau - Ảnh 2.

Không phải quốc gia nào cũng có thể thực hiện biện pháp cách ly mạnh mẽ và triệt để với một vùng rộng lớn như những gì Trung Quốc đã làm với Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: AP.

Ông Jeremy Konyndyk, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, một thinktank có trụ sở tại Washington, cho rằng việc xét nghiệm rộng rãi có thể cho các quốc gia một bức tranh toàn cảnh hơn về mức độ bùng phát của dịch. Nhưng nếu năng lực xét nghiệm hạn chế, ông cho rằng chính quyền phải có những hành động táo bạo hơn để hạn chế sự di chuyển của người dân.

"Tôi cảm thấy không thoải mái với việc bị áp đặt hạn chế di chuyển. Trung Quốc làm điều đó, nhưng Trung Quốc có thể làm điều đó vì người Trung Quốc sẽ tuân thủ điều đó", ông Konyndyk nhận định.

So với Trung Quốc, Hàn Quốc và Italy là mô hình phù hợp hơn để Mỹ hoặc các nước châu Âu khác có thể học hỏi trong trường hợp Covid-19 bùng phát.

Hàn Quốc dựa vào công nghệ và dữ liệu lớn

Hàn Quốc, với dân số 50 triệu người, đang có khoảng 29.000 người tự cách ly. Việc phong toả chỉ diễn ra trên quy mô nhỏ, với ít nhất một khu dân cư nơi tỷ lệ lây nhiễm ở mức cao. Tới lúc này, chưa có vùng nào của Hàn Quốc bị phong toả hoàn toàn.

Seoul cho biết chính quyền đã học được bài học từ đợt bùng phát dịch MERS hồi năm 2015 và đã cố gắng để công bố thông tin minh bạch và rộng rãi nhất có thể tới người dân. Hàn Quốc thực hiện xét nghiệm trên quy mô lớn, bao gồm cả những người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Chính quyền cũng thu thập và xử lý dữ liệu lớn từ nhiều nguồn: các camera công cộng, GPS từ ứng dụng bản đồ của điện thoại thông minh và xe hơi, lịch sử giao dịch thẻ tín dụng, lịch sử xuất nhập cảm và thông tin cá nhân - sau đó công khai dữ liệu này để người dân chủ động đi xét nghiệm nếu nghĩ mình có khả năng nhiễm bệnh.

Ngoài việc giúp theo dõi người nhiễm, hệ thống dữ liệu lớn của Hàn Quốc còn giúp các bệnh viện quản lý tốt bệnh nhân. Những người dương tính với Covid-19 sẽ được tự cách ly và theo dõi từ xa thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, và được kiểm tra thường xuyên bằng các cuộc điện thoại từ nhân viên y tế.

Khi có giường bệnh trống, xe cứu thương sẽ đến đón bệnh nhân và đưa tới bệnh viện cách ly, tất cả đều miễn phí.

Tuy nhiên cách tiếp cận này cũng phải đánh đổi một thứ đó là quyền riêng tư của công dân. Việc công bố thông tin cá nhân và lịch sử đi lại của người nhiễm để công chúng biết là điều khó chấp nhận ở những xã hội phương Tây. Mặc dù Trung Quốc và Singapore cũng áp dụng biện pháp tương tự, nhiều người dân Hàn Quốc tỏ ra bất bình.

Hàn Quốc và Italy - 2 tâm dịch, 2 cách chống Covid-19 trái ngược nhau - Ảnh 3.

Hàn Quốc là nước sử dụng hiệu quả năng lực xét nghiệm để kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19. Ảnh: AP.

"Công bố thông tin về bệnh nhân luôn đi kèm với các vấn đề vi phạm quyền riêng tư", ông Choi Jae Wook, giáo sư y tế dự phòng tại Đại học Hàn Quốc, nhận định.

Ông Kim Gang Lip, Thứ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết các biện pháp truyền thống như phong toả và cách ly chỉ có hiệu quả ở một mức độ nhất định, và sẽ gây tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Theo ông Kim, cách tiếp cận như vậy là "bảo thủ, mang tính ép buộc và không linh hoạt".

Italy gặp khó khăn vì năng lực xét nghiệm

Cách nhau cả chục nghìn km nhưng có nhiều điều tương tự giữa Italy và Hàn Quốc: nơi bùng phát dịch là một cộng đồng dân cư nhỏ, thay vì một siêu đô thị. Vì vậy, hệ thống chăm sóc sức khoẻ tại những thị trấn này sớm bị quá tải.

Tại Italy, mọi chuyện bắt đầu cách đây một tháng khi người đàn ông 38 tuổi đến bệnh viện với những triệu chứng giống cúm, nhưng các bác sĩ đã không làm xét nghiệm Covid-19 cho người này vì anh ta không tới Trung Quốc - một tiêu chí xét nghiệm trong hướng dẫn của giới chức - thay vào đó cho người này về nhà.

Khi triệu chứng không giảm, người này trở lại bệnh viện nhưng vẫn không được xét nghiệm, cho tới khi một bác sĩ quyết định bỏ qua các quy định và làm xét nghiệm Covid-19 cho bệnh nhân. 

Kết quả là người đàn ông này dương tính, và có thể đã lây cho rất nhiều người trong thời gian quý giá đó. Các chuyên gia giờ đây cho rằng anh bị lây Covid-19 từ Đức chứ không phải Trung Quốc.

Việc quyết định tiêu chí xét nghiệm luôn là điều hết sức khó khăn, trong bối cảnh năng lực xét nghiệm là có hạn và hệ thống y tế thì quá tải. Tại Italy, ban đầu chính quyền các vùng xét nghiệm bắt buộc trên diện rộng, và thống kê tất cả những trường hợp dương tính dù cho bệnh nhân không có triệu chứng.

Sau đó một thời gian, Italy thay đổi chiến thuật xét nghiệm, chỉ áp dụng và thống kê những trường hợp có triệu chứng. 

Giới chức cho biết điều này sẽ giúp sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực vì nguy cơ lây nhiễm của người không có triệu chứng là thấp hơn, và việc xét nghiệm ít hơn cũng giúp kết quả được đưa ra nhanh hơn. 

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất của cách tiếp cận này là những người không có triệu chứng vẫn có thể nhiễm virus và truyền bệnh cho người khác.

Hàn Quốc và Italy - 2 tâm dịch, 2 cách chống Covid-19 trái ngược nhau - Ảnh 4.

Italy chấp nhận phong toả toàn bộ đất nước để kiềm chế sự lây lan của Covid-19, do lo ngại tình hình sẽ xấu đi gấp nhiều lần nếu dịch bệnh tiến xuống phía nam. Ảnh: Reuters.

Mặt khác, xét nghiệm càng nhiều thì sẽ ca nhiễm Covid-19 sẽ càng tăng, và điều đó sẽ khiến cho hệ thống y tế quá tải. Mặc dù Italy có hệ thống y tế được đánh giá cao, với mức chi cho y tế công tương đương Hàn Quốc, nhưng hiện tại hệ thống này đang phải hoạt động ngoài công suất thiết kế, đặc biệt là với các phòng chăm sóc đặc biệt.

Hệ thống y tế bị đẩy tới giới hạn

Ông Pier Luigi Viale, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Sant'Orsola-Malpighi ở Blogna, đang phải làm việc suốt ngày đêm ở 3 bệnh viện khác nhau. Bệnh viện của ông đang phải chữa trị một loạt các ca nhiễm Covid-19. Các bác sĩ của ông đang tất bật giúp đỡ các bệnh viện và phòng khám khác trong khu vực. Thêm vào đó là các bệnh nhân nguy kịch do các bệnh khác.

"Nếu mọi thứ kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng, chúng tôi sẽ cần thêm tiếp viện", ông nói với Reuters.

Tuần trước, thị trưởng của Castiglione d'Adda, một thị trấn 5.000 dân ở Lombardy, đã phải lên mạng kêu gọi cứu trợ khẩn cấp. Ông cho biết bệnh viện nhỏ ở thị trấn đã phải đóng cửa vì hết công suất, và ông chỉ có 1 bác sĩ điều trị cho hơn 100 bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ba trong số bốn bác sĩ của thị trấn đang phải tự cách ly.

"Bác sĩ và y tá đang ở giới hạn. Nếu bạn phải chăm sóc cho người thở máy, bạn cần phải theo dõi họ liên tục, bạn sẽ không thể chăm sóc cho những bệnh nhân mới", một y tá ở vùng Lombardy cho biết.

Nghiên cứu cho thấy mỗi trường hợp nhiễm Covid-19 trung bình sẽ lây cho 2 người khác, vì vậy giới chức địa phương ở Lombardy đã cảnh báo về việc hệ thống chăm sóc sức khoẻ ở đây sẽ gặp khủng hoảng nếu xu hướng lây lan tiếp tục như hiện tại. Và nếu như dịch bệnh lan tới vùng phía nam kém phát triển hơn của Italy, tình hình sẽ tồi tệ hơn gấp nhiều lần.

Áp lực nhất là các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU). Để hoạt động, những cơ sở này cần có bác sĩ chuyên khoa và các thiết bị đắt tiền, và không được thiết kế cho những dịch bệnh lan rộng. Italy có khoảng 5.000 giường chăm sóc đặc biệt, và trong những tháng mùa đông, sẽ có nhiều giường dành cho các bệnh nhân có vấn đề về hô hấp.

Lombardy và Veneto là hai vùng phát triển nhất đất nước, và có khoảng 1.800 giường bệnh ICU ở đây, gồm cả bệnh viện tư và công.

Hàn Quốc và Italy - 2 tâm dịch, 2 cách chống Covid-19 trái ngược nhau - Ảnh 5.

Hệ thống chăm sóc sức khoẻ của Italy đang bị quá tải, với các bác sĩ và y tá bị đẩy tới giới hạn. Ảnh: Reuters.

Thêm một gánh nặng nữa đối với hệ thống chăm sóc sức khoả của Italy, đó và việc phụ thuộc vào các nhân viên y tế để theo dõi những người có tiếp xúc với người nhiễm Covid-19.

Một bác sĩ ở Bologna, người yêu cầu giấu tên, chia sẻ với Reuters rằng ông phải dành 12 tiếng mỗi ngày để theo dõi sức khoẻ của những người có liên hệ với bệnh nhân dương tính, để đảm bảo phát hiện kịp thời ca nhiễm tiếp theo.

"Bạn có thể làm điều đó nếu số ca nhiễm là 2 hoặc 3. Nhưng nếu nó tăng lên, bạn sẽ phải bỏ qua một số thứ. Hệ thống sẽ tan tành nếu chúng tôi tiếp tục chủ động xét nghiệm mọi người rồi làm việc kiểu này", vị bác sĩ chia sẻ.

Sơn Trần