|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 khai báo gian dối lịch trình đi lại và những người tiếp xúc sẽ bị xử phạt như thế nào?

14:25 | 14/03/2020
Chia sẻ
Thực tế đã có những trường hợp bị nhiễm COVID-19 nhưng khai báo không trung thực về lịch trình di chuyển và những người gặp gỡ, tiếp xúc, gây khó khăn cho cơ quan chức năng làm nhiệm vụ phòng chống dịch. Vậy việc khai báo gian dối này sẽ bị xử phạt như thế nào?

Báo Tuổi trẻ trưa nay 14/3 đưa tin, số trường hợp tiếp xúc gần (F1) với 9 bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Bình Thuận là 128 người, tất cả đều đang được cách li tập trung theo dõi.

Riêng trường hợp F2 (tiếp xúc với F1) là 651 người. Một lãnh đạo Sở Y tế Bình Thuận nhận định con số không dừng lại ở đó, địa phương vẫn đang tiếp tục xác minh thêm.

Điều đáng chú ý, tất cả trường hợp trên đều bắt nguồn từ bệnh nhân "siêu lây nhiễm" thứ 34. Và không chỉ riêng Bình Thuận mà nhiều địa phương khác cũng có trường hợp liên quan đến bệnh nhân này, trong đó tại TP HCM có bệnh nhân số 45. 

Ngoài ra, bệnh nhân số 48 tại TP HCM vừa công bố trưa nay cũng được xác định nguồn lây nhiễm trực tiếp hoặc gián tiếp từ bệnh nhân số 34.

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 khai báo gian dối lịch trình đi lại và những người tiếp xúc sẽ bị xử phạt như thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tuổi trẻ cũng dẫn lời một lãnh đạo Sở Y tế Bình Thuận cho biết bệnh nhân số 34 đã không khai báo đầy đủ lịch trình và những người từng tiếp xúc với bệnh nhân trong thời gian ủ bệnh. Việc này gây ra rất nhiều khó khăn cho địa phương trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Đơn cử như việc bệnh nhân khai rằng khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất là di chuyển thẳng về nhà riêng, tuy nhiên sau này mới phát hiện bệnh nhân từng ở lại TP HCM để giao lưu với đối tác.

"Đến giờ vẫn không hiểu vì sao bệnh nhân lại khai như thế. Bây giờ công tác điều trị và xác định các trường hợp lây nhiễm là ưu tiên hàng đầu. Còn xử lí như thế nào sau này các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ", vị lãnh đạo này nói.

Vậy việc khai báo gian dối về lịch trình di chuyển, gặp gỡ tiếp xúc với những ai trong những trường hợp như trên thì sẽ bị xử phạt như thế nào theo qui định của pháp luật?

Trả lời người viết, Luật sư Mạc Kính Thi, Công ty Luật Socrates, cho biết việc khai báo gian dối về lịch trình di chuyển và những người tiếp xúc không được qui định đích danh trong một điều luật nào, nhưng được bao hàm trong nhóm các hành vi qui định tại các văn bản dưới đây. Các văn bản này cũng qui định về các hành vi khai báo y tế không trung thực khác. 

Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007:

Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo qui định của pháp luật.

3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo qui định của pháp luật.

4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo qui định của Luật này.

7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Bên cạnh đó Điểm a, khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 qui định:

Điều 3. Phân loại bệnh truyền nhiễm

1. Bệnh truyền nhiễm gồm các nhóm sau đây:

a) Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, Lassa hoặc Marburg; bệnh sốt Tây sông Nile; bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Căn cứ theo các qui định nêu trên, bệnh COVID-19 thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A (bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm), do vậy, việc khai báo không trung thực sẽ vi phạm các qui định tại Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. 

Tùy tính chất và mức độ của hành vi cũng như hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lí vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lí hành chính, theo qui định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi khai báo gian dối để không thực hiện các biện pháp cách li và phòng chống dịch bệnh sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Về xử lí trách nhiệm hình sự, theo Luật sư Mạc Kính Thi, hành vi khai báo gian dối có thể dẫn đến hậu quả làm lây lan virus COVID-19 cho người khác còn có thể bị xử lí trách nhiệm hình sự về "Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" qui định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, có thể bị phạt tiền đến 200.000.000 đồng hoặc phạt đến 12 năm tù.

Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 2 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Khánh Hà