CIA săn tìm con số thật về dịch ở Trung Quốc
New York Times đưa tin các đánh giá trên dựa một phần vào các nguồn tin của CIA ở Trung Quốc, theo một số quan chức và cựu quan chức tình báo.
Các báo cáo mật nói trên, về những gì tình báo Mỹ đánh giá được về Trung Quốc, đã góp phần quan trọng khiến hai bên đột ngột hòa hoãn, kiềm chế giọng điệu, sau một thời gian căng thẳng, các quan chức nói với New York Times.
Chính Trung Quốc không rõ con số
Việc có chính xác số ca nhiễm và ca tử vong có ảnh hưởng tới y tế cộng đồng trên toàn cầu, giữa thời điểm còn rất nhiều điều chưa rõ về virus corona và tốc độ lây lan của nó.
Đối với giới chức Mỹ, con số của Trung Quốc là thiết yếu trong dự đoán dịch diễn biến thế nào trong các tháng tới, cũng như mức độ hiệu quả của các biện pháp giãn cách xã hội.
Nhà Trắng và giới tình báo Mỹ vẫn đau đầu vì chưa thể ước tính một con số chính xác hơn về dịch bệnh ở Trung Quốc, theo New York Times.
Nhưng các cơ quan tình báo Mỹ đi đến kết luận rằng bản thân Trung Quốc cũng không nắm hết mức độ lây nhiễm của virus và cũng mơ hồ về dịch bệnh như toàn thế giới.
Các quan chức thành phố Vũ Hán, nơi dịch bệnh khởi phát, và các nơi khác ở Trung Quốc đã nói không chính xác về tốc độ lây lan, về xét nghiệm và về số ca tử vong, sợ rằng sẽ bị trừng phạt, cách chức nếu con số quá cao, các quan chức và cựu quan chức tình báo Mỹ nói.
Các quan chức tình báo Mỹ cho biết việc báo cáo sai lệch số liệu là vấn đề “mãn tính” đối với chính quyền ở bất cứ đâu.
Nhìn rộng ra, không nơi nào trên thế giới biết được bức tranh chính xác về dịch bệnh, vì nhiều yếu tố không hẳn do chính quyền cố ý, mà còn vì thiếu bộ xét nghiệm, các tiêu chuẩn khác nhau, hay các ca lây nhiễm khi chưa có triệu chứng, mà cơ quan kiểm dịch Mỹ (CDC) nói có thể chiếm tới 25%.
Iran đã cố giữ kín cuộc chiến chống dịch ở nước mình, trong khi con số tử vong ở Italy (cao nhất thế giới ở mức trên 13.000) không tính đến những người chết ngoài bệnh viện. Ở Mỹ, xét nghiệm diện rộng vẫn chậm hơn Đức, Hàn Quốc.
Báo chí Trung Quốc cũng đặt dấu hỏi
Từ tháng 1, Nhà Trắng đã nghi ngờ con số thống kê của Trung Quốc, và yêu cầu Cục Tình báo Trung ương (CIA) và các cơ quan tình báo ưu tiên việc thu thập thông tin từ Trung Quốc.
Việc CIA đánh giá Trung Quốc cố tình hạ thấp con số được Bloomberg đưa tin đầu tiên ngày 1/4, dẫn nguồn ba quan chức giấu tên, nhắc đến một báo cáo tính báo được gửi tới Nhà Trắng tuần trước. CIA từ nhiều tuần đã đề nghị Nhà Trắng không tin các con số mà Bắc Kinh đang báo cáo lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Các đánh giá của CIA được ra đồng thời với các thông tin từ một số báo chí Trung Quốc nói số ca tử vong ở Vũ Hán có thể lên tới 5.000 hoặc hơn, tức gấp đôi con số chính thức.
Các nhân viên tình báo chưa thể kiểm chứng các con số trên báo chí Trung Quốc. Nhưng những cảnh báo mà họ đưa ra với Nhà Trắng khá tương đồng với các thông tin đó.
Trung Quốc ca ngợi các biện pháp kiềm tỏa khắt khe của mình, bao gồm phong tỏa gần 60 triệu dân ở tỉnh Hồ Bắc, đã góp phần giảm số ca nhiễm mới, nhưng nhiều người bên ngoài chính phủ tỏ ra lo ngại các con số chưa đầy đủ.
Chẳng hạn, Trung Quốc phải chờ tới ngày 1/4 mới báo cáo số ca nhiễm không có triệu chứng mà nước này ghi nhận. Theo đó, tổng số người được theo dõi y tế do không có triệu chứng lên tới 1.367 người.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phủ nhận các cáo buộc, và nói “các quan chức Mỹ chỉ muốn đổ lỗi”.
Đại sứ Trung Quốc ở Pháp Lu Shaye trả lời đài BFM TV của Pháp khẳng định Trung Quốc không che giấu số ca tử vong, và nói số lượng bình tro cốt lớn và các hàng dài người đi viếng đám tang ở Vũ Hán gần đây là do lệnh phong tỏa mới được dỡ bỏ, theo South China Morning Post.
Khi được hỏi về số liệu của Trung Quốc tại một cuộc họp báo ngày 1/4, Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia, nói Mỹ “không ở vào vị trí” có thể xác tín con số của Trung Quốc. Nhưng ông vẫn nhắc đến các thông tin trên báo chí đang đặt dấu hỏi về các số liệu.
“Không có cách nào kiểm chứng những con số đó”, ông O’Brien nói. “Có rất nhiều bài báo đặt dấu hỏi số liệu đó có quá thấp hay không”.
Bàn đến số liệu, hai bên bất ngờ hòa hoãn
Từ đầu dịch bệnh cho đến trước tuần này, căng thẳng Mỹ - Trung không hề suy giảm, dù virus gây thương vong kinh hoàng ở cả hai nước.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc phát tán tin, bao gồm các cáo buộc không có căn cứ, thuyết âm mưu, nói quân đội Mỹ gây ra đại dịch.
Tổng thống Trump cũng không kiềm chế khi gọi virus là “virus Trung Quốc”, và Ngoại trưởng Mike Pompeo gác lại một tuyên bố chung khi nhất quyết muốn gọi đây là virus đến từ Trung Quốc.
Nhưng sau một cuộc gọi giữa ông Trump và ông Tập tuần trước, có một sự hòa hoãn bất ngờ. Hầu hết nhà ngoại giao Trung Quốc đã kiềm chế hơn trong phát ngôn.
Ông Trump cũng bớt gay gắt. Khi được hỏi về các đánh giá của giới tình báo rằng Trung Quốc cố hạ thấp con số thương vong, ông Trump dường như nhắc đến một trao đổi nào đó với phía Trung Quốc, rồi chuyển chủ đề sang thương mại, sang thỏa thuận Trung Quốc mua nông sản Mỹ.
“Các con số có vẻ hơi nhẹ, và nói vậy cũng đã là dễ tính rồi, so với những gì chúng ta thấy và trên báo chí, nhưng chúng tôi đã thảo luận với ông Tập... không hẳn là số liệu, mà là họ đã làm gì, và tình hình bây giờ ra sao”, ông Trump nói một cách mơ hồ.
“Còn về số liệu có chính xác không... tôi có phải kế toán viên của Trung Quốc đâu”.