Chặng đường 4 tháng của COVID-19: Từ ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán đến hơn 1 triệu bệnh nhân trên toàn cầu
Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, vào ngày 2/4, đại dịch COVID-19 đã đánh dấu mốc mới với hơn 1 triệu người được xác nhận nhiễm bệnh trên qui mô toàn cầu.
4 tháng càn quét từ châu Á đến châu Âu và Mỹ của COVID-19 đã được Bloomberg tóm tắt trong bài viết dưới đây.
Manh nha bùng phát tại thành phố Vũ Hán
Theo một bài viết xuất bản ngày 24/1 trên tạp chí y khoa The Lancet, bệnh nhân Vũ Hán đầu tiên xuất hiện triệu chứng nhiễm COVID-19 vào ngày 1/12/2019.
Đến ngày 16/12, các bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán gửi mẫu bệnh phẩm từ một bệnh nhân bị sốt liên tục khác để xét nghiệm. Kết quả cho thấy hai người này nhiễm một chủng virus tương tự SARS.
Vào ngày 30/12, bác sĩ Ai Fen - trưởng bộ phận cấp cứu (ER) của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, đã đăng tải một bức ảnh chụp báo cáo xét nghiệm lên mạng xã hội, sau đó bức ảnh được nhiều bác sĩ khác chia sẻ. Cảnh sát địa phương đã triệu tập và khiển trách họ vì "lan truyền tin đồn thất thiệt".
Đến cuối tháng 12, tin tức về virus corona chủng mới gây đại dịch COVID-19 (khi đó chưa biết rõ tên) bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, một số thông tin cho biết giới chức Trung Quốc lúc này đang xét nghiệm hàng chục trường hợp mắc bệnh viêm phổi lạ ở Vũ Hán.
Đây là lần đầu tiên nhiều người dân Trung Quốc cũng như trên thế giới biết về sự tồn tại của virus corona.
Đến ngày 3/1, Singapore, Hong Kong và Đài Loan - ba quốc gia/vùng lãnh thổ châu Á chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch SARS năm 2003, đã sàng lọc các du khách có biểu hiện sốt đến từ Vũ Hán - trung tâm sản xuất và vận chuyển quan trọng ở miền trung Trung Quốc.
COVID-19 tràn ra ngoài tâm dịch Vũ Hán
Ngày 11/1, một nhóm nhà khoa học tại Thượng Hải đã phân tách được trình tự bộ gen hoàn chỉnh của virus corona và công bố nghiên cứu trên trang web virological.org - một diễn đàn trực tuyến cho các nhà dịch tễ học.
Kết quả này đem đến cho giới chuyên gia trên toàn thế giới một phương pháp xác định virus corona ở bệnh nhân. Trong khi đó, COVID-19 đã nhanh chóng lây lan ra ngoài thành phố Vũ Hán.
Thái Lan xác nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 13/1 và ba ngày sau, dịch lan đến Nhật Bản. Đến khoảng ngày 20/1, giới chức Trung Quốc phát hiện một số ca dương tính tại thủ đô Bắc Kinh và tỉnh Quảng Đông. Cùng ngày này, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Chung Nam Sơn xuất hiện trên đài truyền hình CCTV, xác nhận virus corona lây từ người sang người.
Tình hình dịch bệnh leo thang nhanh chóng kể từ thời điểm đó, nhiều người bày tỏ thái độ hoài nghi về phản ứng chậm trễ trong xác định và kiểm soát ổ dịch của chính phủ Trung Quốc.
Ngày 23/1, một ngày trước khi kì nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần bắt đầu, Vũ Hán mới bị phong tỏa, người dân "nội bất xuất, ngoại bất nhập" và hoạt động giao thông đều tạm dừng.
Lệnh phong tỏa nhanh chóng mở rộng sang các thành phố xung quanh Vũ Hán và cuối cùng là toàn tỉnh Hồ Bắc, khiến 60 triệu dân phải ở yên tại chỗ.
Toàn Châu Á trong cơn bão COVID-19
Ngày 30/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC), cho phép cơ quan này điều phối phản ứng giữa các nước và đưa ra khuyến nghị về chính sách, bao gồm các lệnh hạn chế di chuyển.
Hong Kong là khu vực đầu tiên công bố có trường hợp tử vong do nhiễm COVID-19 bên ngoài Trung Quốc đại lục, sau đó đến Philippines. Làn sóng lây nhiễm quét qua châu Á, buộc Hong Kong phải đóng cửa toàn bộ trường học và văn phòng.
Tại Nhật Bản, hơn 3.600 hành khách trên tàu du lịch Diamond Princess của hãng Carnival bị yêu cầu cách li từ ngày 5/2 vì chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe lo ngại số hành khách này có thể lây nhiễm cho người dân Nhật Bản nếu được phép đặt chân lên đất liền.
Dịch COVID-19 bùng phát trên du thuyền Diamond Princess, khiến tổng cộng hơn 600 khách nhiễm bệnh và ít nhất 6 người tử vong. Tình hình trên con tàu là một điềm báo về khả năng lây lan dịch bệnh trên các du thuyền từ Mỹ đến Australia.
Theo Bloomberg, sự việc khiến ngành du lịch toàn cầu rung chuyển và hàng nghìn du khách phải "bó chân" trên những con tàu bị hàng loạt quốc gia từ chối cho cập cảng.
Hàn Quốc trở thành ổ dịch lớn thứ hai châu Á sau khi một bệnh nhân thuộc giáo phái Tân Thiên Địa (thường được gọi là "bệnh nhân số 31") gây lây nhiễm cho nhiều người khác.
Tuy nhiên, chương trình xét nghiệm hàng loạt đã giúp Hàn Quốc kiểm soát dịch bệnh chỉ trong vài tuần mà không cần ban bố lệnh phong tỏa hay đóng cửa doanh nghiệp.
Tại Trung Quốc, số ca bệnh tăng vọt lên hàng chục nghìn sau khi giới chức y tế cho hay đã thay đổi phương pháp thống kê, khiến chỉ trong một ngày 13/2 mà đất nước tỉ dân ghi nhận thêm gần 15.000 ca dương tính với COVID-19.
Bloomberg nhận định 60 triệu dân ở tỉnh Hồ Bắc phải chịu đựng nhiều khó khăn khi hệ thống y tế địa phương sụp đổ vì quá tải. Hàng loạt bệnh viện thiếu hụt nghiêm trọng vật tư y tế, trong khi y bác sĩ từ Italy, Tây Ban Nha đến Mỹ đổ bệnh vì làm việc liên tục trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng liền.
Bác sĩ Lý Văn Lượng - một trong các nhân viên y tế đầu tiên đưa ra lời cảnh báo về dịch COVID-19 tại Vũ Hán, đã qua đời sau khi nhiễm virus, dấy lên làn sóng phẫn nộ trong lòng người dân Trung Quốc về phản ứng của chính phủ với dịch bệnh.
Điểm nóng chuyển sang châu Âu
Pháp xác nhận ca tử vong đầu tiên của châu Âu vào ngày 14/2, một dấu hiệu cho thấy tâm chấn dịch COVID-19 sắp thay đổi. Sau đó, châu Âu sớm bắt đầu ghi nhận nhiều ca nhiễm mới mỗi ngày, chậm chí vào những ngày cao điểm còn vượt qua số liệu của Trung Quốc.
Dịch COVID-19 xuất hiện tại Iran lần đầu vào ngày 19/2, giai đoạn bùng nổ của dịch bệnh ở đất nước Trung Đông phần nào báo trước những khó khăn mà các nước nghèo sẽ phải đối mặt trong lúc kiểm soát tình hình.
Italy trở thành tâm dịch của châu Âu sau khi COVID-19 tấn công khu vực giàu có ở phía bắc đất nước kể từ giữa tháng 2. Hàng loạt thị trấn của Italy bị phong tỏa kể từ ngày 22/2 và lệnh hạn chế di chuyển được ban bố trên phạm vi toàn quốc vào ngày 9/3.
Số ca tử vong tại Italy nhanh chóng vượt qua Trung Quốc khi bộ phận dân số già của nước này (vốn thuộc nhóm già nhất khu vực châu Âu) mắc bệnh, xếp sau là Tây Ban Nha. Chính phủ Tân Ban Nha ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào ngày 14/3.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng Hoàng tử Charles là hai nhân vật cấp cao nhất tại Anh nhiễm COVID-19. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tự cách li vào ngày 22/3 sau khi bác sĩ riêng của bà dương tính với COVID-19. Cựu Bộ trưởng Nội các Pháp Patrick Devedjian cũng nhiễm bệnh và không may qua đời.
Theo Bloomberg, Pháp và Đức đã bơm hàng tỉ USD nhằm ổn định nền kinh tế và giúp doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động.
Trong khi đó, các bộ trưởng tài chính của Liên minh châu Âu (tức nhóm Eurogroup) đã thảo luận về việc sử dụng gói ngân sách 410 tỉ euro dùng cho "thời chiến" trong khuôn khổ Cơ chế Bình ổn châu Âu để giảm thiểu thiệt hại của dịch bệnh.
Nước Mỹ giật mình thức giấc
Mỹ công bố trường hợp tử vong đầu tiên do COVID-19 vào ngày 29/3, tuy nhiên năng lực xét nghiệm hạn chế khiến số ca nhiễm được xác nhận còn ở mức thấp.
Vào giữa tháng 3, tài tử gạo cội Tom Hank thông báo ông và vợ là Rita Wilson đã nhiễm virus SARS-CoV-2, cùng ngày Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ tuyên bố hủy bỏ toàn bộ mùa giải, góp phần cảnh tỉnh nước Mỹ trước nguy cơ dịch bệnh.
Ngày 13/3, Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sau khi nhiều lần xem nhẹ rủi ro của đại dịch. Sau khi mở rộng xét nghiệm, số ca nhiễm tại Mỹ tăng vọt và tiểu bang New York nổi lên thành điểm nóng tiếp theo của thế giới.
Số ca nhiễm COVID-19 tại bang New York vượt qua tỉnh Hồ Bắc vào ngày 30/3 trong bối cảnh hệ thống bệnh viện ở đây gặp khó khăn vì thiếu hụt nghiêm trọng các thiết bị cần thiết như máy thở. Y bác sĩ từng lên tiếng về tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ bị bệnh viện nơi họ làm việc khiển trách, thậm chí sa thải.
Ông Trump đã kí ban hành một gói cứu trợ trị giá hơn 2.000 tỉ USD, gồm phát tiền trực tiếp cho người dân có thu nhập thấp và trung bình; hỗ trợ khoảng 500 tỉ USD cho các lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề trong dịch; và phân bổ 117 tỉ USD hỗ trợ cho hệ thống y tế.
Tỉ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng đột biến khi nhiều thành phố bị phong tỏa và người dân được yêu cầu ở yên trong nhà. Hôm 2/4, Bộ Lao động Mỹ cho biết hơn 6,65 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước, tăng gấp đôi so với con số kỉ lục 3,31 triệu hồ sơ một tuần trước đó.
Làn sóng lây nhiễm thứ hai
Trong khi châu Âu và Mỹ gặp khó khăn trong việc làm chậm tốc độ lây lan của dịch COVID-19, các thành phố châu Á đã chặn đứng làn sóng lây nhiễm thứ nhất từ Trung Quốc giờ đây bắt đầu ghi nhận ca bệnh mới, chủ yếu đến từ du khách đến từ phương Tây.
Tại Ấn Độ, chính phủ đã ban bố lệnh phong tỏa trên toàn quốc nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm bệnh. Với hơn 1,3 tỉ dân, lệnh phong tỏa của Ấn Độ hiện có qui mô lớn nhất thế giới.
Các nhà dịch tễ học nhận định ngay cả sau khi các nước đã kiểm soát thành công đợt bùng phát đầu tiên, COVID-19 nhiều khả năng sẽ quay trở lại, tương tự như dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Giới chuyên gia đang lưu tâm đến một nhóm bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhưng không có triệu chứng nào. Nhóm này có thể gây lây nhiễm cho người khác mà không hay biết, dấy lên lo ngại rằng đợt bùng phát tiếp theo sẽ khó phát hiện hơn.