COVID-19: Bệnh viện Mỹ đuổi việc những y bác sĩ dám phản ánh tình trạng thiếu trang thiết bị y tế
Mỹ hiện đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới, với hơn 216.000 người mắc bệnh, trong đó có hơn 5.000 ca tử vong vì COVID-19. Trong tình cảnh này, nước Mỹ cần tới sự trợ giúp của các y bác sĩ hơn bao giờ hết. Nhưng một số bệnh viện lại đe dọa sẽ sa thải y bác sĩ dám nói chuyện công khai về điều kiện làm việc. Thậm chí, một số nơi đã thực sự đuổi việc nhân viên.
Theo Bloomberg, Bác sĩ Ming Lin làm việc tại một bệnh viện ở bang Washington cho biết ông nhận được thông báo sa thải vào hôm 27/3. Lí do bác sĩ Lin bị thôi việc là vì ông đã trả lời phỏng vấn với báo chí về bài đăng Facebook cá nhân, trong đó ông trình bày chi tiết tình trạng thiếu hụt đồ bảo hộ và bộ xét nghiệm COVID-19 của bệnh viện.
Bác sĩ Lin cho biết: "Tôi nói ra sự thật vì lo lắng cho sự an toàn của bệnh nhân. Kết quả là tôi bị đuổi việc".
Tại Chicago, một nữ y tá tên là Lauri Mazurkiewicz bị cho thôi việc sau khi cô gửi mail cho đồng nghiệp nói rằng mình muốn được đeo khẩu trang y tế tốt hơn khi làm việc.
Tại New York, trung tâm y tế NYU Langone Health cảnh báo họ sẽ sa thải bất kì nhân viên nào nói chuyện với giới truyền thông nếu không được cho phép.
Nữ phát ngôn viên Ruth Schubert của Hiệp hội Y tá Washington cho biết: "Các bệnh viện đang bắt y tá và nhân viên y tế im lặng để bảo vệ hình ảnh của mình. Điều này thật tồi tệ".
Bà Schubert cho rằng nhân viên y tế "phải có quyền nói với công chúng những gì đang thực sự xảy ra bên trong các cơ sở chăm sóc bệnh nhân COVID-19".
Tình trạng thực sự tại bệnh viện cần phải được công khai là để khuyến khích mọi người quyên góp trang thiết bị y tế cho y bác sĩ. Nếu không có đủ đồ bảo hộ, nhân viên y tế có thể bị nhiễm COVID-19 và lây nhiễm cho gia đình họ, cũng như các bệnh nhân khác.
Ông Glenn Cohen, Giám đốc trung tâm đạo đức y sinh học tại Trường luật Harvard nhận xét: "Nhân viên y tế cần và nên được phép bày tỏ những lo ngại của mình, đặc biệt là khi điều này có thể mang đến cho họ sự bảo vệ tốt hơn".
Có nhiều khả năng các bệnh viện đang cố giảm thiểu tổn thất về danh dự "vì khi nhân viên y tế nói rằng họ không được bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm bệnh, công chúng sẽ lên án hệ thống bệnh viện".
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ, rất nhiều bác sĩ, y tá và nhân viên y tế đã sử dụng mạng xã hội để bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc thiếu thốn đồ bảo hộ và các thiết bị y tế quan trọng khác như máy thở.
Một số bài đăng được lan truyền với tốc độ chóng mặt và được chia sẻ hàng trăm nghìn lần. Luật bảo vệ quyền riêng tư cấm giới y bác sĩ tiết lộ thông tin chi tiết về bệnh nhân, nhưng không có điều khoản nào cấm họ bàn luận về điều kiện làm việc.
Theo Bloomberg, Trung tâm y tế NYU Langone Health thông báo cho các nhân viên rằng bất kì ai nói chuyện với giới truyền thông khi không được cho phép "sẽ phải chịu các hình thức kỉ luật, trong đó có việc chấm dứt hợp đồng lao động".
Phát ngôn viên của NYU Langone Health tuyên bố chính sách trên được đặt ra nhằm bảo vệ quyền riêng tư của bệnh nhân và nhân viên: "Vì thông tin liên tục thay đổi, nên tốt nhất là chỉ những ai nắm thông tin được cập nhật mới nhất mới được quyền bàn luận các vấn đề này với giới truyền thông. Tất cả đều là vì lợi ích của nhân viên và bệnh viện".
Hệ thống Y tế Montefiore tại New York yêu cầu nhân viên phải xin phép trước khi nói chuyện công khai về tình hình làm việc, và mọi yêu cầu tiếp xúc với giới truyền thông "phải được thông báo và xem xét" bởi bộ phận quan hệ công chúng.
Theo chính sách của hệ thống này: "Nhân viên không được tương tác với phóng viên hoặc nói chuyện thay mặt cho trung tâm trong bất kì trường hợp nào trước khi được cho phép".
Y tá Lauri Mazurkiewicz – người bị cho thôi việc sau khi gửi mail cho đồng nghiệp về việc muốn đeo khẩu trang tốt hơn – đã đâm đơn kiện bệnh viện đã sa thải cô.
Bà Mazurkiewicz cho biết: "Rất nhiều bệnh viện đang nói dối với nhân viên của mình rằng khẩu trang thông thường là đủ để ngăn ngừa lây nhiễm. Ngày càng nhiều các y tế bị mắc bệnh và chết dần".
Bà Mazurkiewicz phải chăm sóc cho người bố đã 75 tuổi và bị bệnh hô hấp. Nữ y tá này chia sẻ: "Tôi không muốn mắc COVID-19 rồi lây nhiễm cho gia đình mình và các bệnh nhân khác chỉ vì không được đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn".
Không phải bệnh viện nào cũng ngăn cấm nhân viên nói chuyện với báo chí. Phát ngôn viên của bệnh viện Mount Sinai tại New York cho biết bệnh viện này sắp xếp lịch phỏng vấn truyền thông cho y tá, bác sĩ và cả thực tập sinh để giúp công chúng hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của đại dịch.
Trung tâm Y tế Đại học California nhận được hàng trăm cuộc gọi xin phỏng vấn, và khuyến khích nhân viên nói chuyện với phóng viên.
Bác sĩ Nisha Mehta tại North Carolina là người quản lí hai nhóm Facebook cho các y bác sĩ với khoảng 70.000 thành viên. Cô ấy đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ các nhân viên y tế muốn truyền tải câu chuyện của họ tới công chúng.
Rất nhiều người trong số họ cho biết họ bị bệnh viện cấm nói chuyện với giới truyền thông dưới bất kì hình thức nào, nếu vi phạm sẽ phải gánh chịu "hậu quả nghiêm trọng".
Bác sĩ Mehta tuyên bố: "Cả công chúng và giới y bác sĩ đều cần biết đến những câu chuyện này để được cảnh báo về những gì đang diễn ra. Việc để cho tất cả mọi người hiểu được tình hình trong tương lai sẽ tồi tệ đến mức nào là điều rất quan trọng".