|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 27/3: Việt Nam có 153 ca nhiễm, Mỹ vượt Trung Quốc trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 83.000 ca nhiễm

07:55 | 27/03/2020
Chia sẻ
Mỹ ghi nhận thêm gần 15.000 ca mắc COVID-19 trong 24h qua, nâng số ca nhiễm trên cả nước lên hơn 83.000, vượt qua cả Trung Quốc và Italy, trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới.

Tính đến 7h sáng nay (27/3), toàn thế giới đã ghi nhận 531.615 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 24.065 người đã tử vong và 123.391 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer.

Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 198 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 27/3: Việt Nam có 153 ca nhiễm, Mỹ vượt Trung Quốc trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới - Ảnh 1.

Đã có hơn 24.000 người tử vong trên thế giới do COVID-19. (Ảnh: AFP)

Việt Nam: Số ca nhiễm COVID-19 tăng lên 153

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, tính đến tối qua (26/3), Việt Nam ghi nhận thêm 5 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp dương tính với COVID-19 lên 53, trong đó 17 người đã khỏi bệnh.

Ngoài ra, có 1.729 trường hợp đang được cách li để theo dõi dấu hiệu và 57.104 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách li theo dõi sức khỏe (28.464 người cách li tại nhà, nơi cư trú).

Các tỉnh có người mắc COVID-19: Vĩnh Phúc (11); TP HCM (42); Khánh Hòa (1); Thanh Hóa (1); Hà Nội (46); Ninh Bình (1); Quảng Ninh (5); Lào Cai (2); Đà Nẵng (4); Huế (2); Quảng Nam (3); Bình Thuận (9), Ninh Thuận (1), Bạc Liêu (2), Kon Tun (1), Lâm Đồng (1), Bắc Giang (1), Đồng Tháp (4), Trà Vinh (2), Lai Châu (2), Hải Phòng (1), Nghệ An (2).

Trên thế giới: Số ca nhiễm ở Mỹ vượt Trung Quốc và Italy

Tính đến sáng nay, Trung Quốc đại lục - ổ dịch đầu tiên trên thế giới ghi nhận tổng cộng 81.85 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 3.287 ca tử vong. Đáng nói, các ca nhiễm mới trong ngày tại quốc gia này đều là các ca nhập cảnh, không có ca nội địa.

Do lo ngại số ca mắc nhập cảnh gia tăng có thể làm bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ 2, quốc gia này đã yêu cầu các hãng hàng không cắt giảm mạnh số lượng chuyến bay trong và ngoài nước.

Theo hãng tin AFP, nước Mỹ hôm qua đã dành lấy một danh hiệu nghiệt ngã khi trở thành quốc gia có số người mắc COVID-19 cao nhất thế giới.

Đến 7h sáng nay, quốc gia Châu Mỹ này ghi nhận thêm 15.461 ca nhiễm và 182 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 83.672 và 1.209 ca. Như vậy, tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ đã vượt Italy - nơi báo cáo nhiều ca tử vong nhất và Trung Quốc - nơi virus này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 12 tại Thành phố Vũ Hán.

Cùng với danh hiệu không mong muốn này, Bộ Lao động Mỹ đã báo cáo 3,3 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần vừa qua, con số cao nhất từng được ghi nhận.

Sáng 26/3 (giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật kích thích kinh tế chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trị giá 2.000 tỉ USD, sau khi nhận được hơn 60 phiếu ủng hộ cần thiết.

Tại Italy, ổ dịch COVID-19 lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới đã ghi nhận thêm 6.203 ca nhiễm và 712 ca tử vong mới trong vòng 24h qua, nâng tổng số lên lần lượt 80.589 và 8.215. Hiện Italy vẫn là quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới.

Tây Ban Nha – quốc gia có tình hình dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ hai tại châu Âu và thứ 4 trên thế giới đã vượt Italy về số ca tử vong trong ngày sau khi ghi nhận thêm 718 người chết trong ngày 26/3, nâng tổng số ca tử vong lên 4.365. Số ca nhiễm tại nước này cũng tăng kỉ lục thêm 8.271 lên 57.786 ca vào sáng nay.

Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 5 trên thế giới với 43.938 ca nhiễm, 267 ca tử vong, tăng lần lượt 6.615 và 61 ca so với một ngày trước đó. Tỉ lệ tử vong do COVID-19 vẫn thấp hơn nhiều so với các nước Châu Âu khác.

Trong vòng 24h qua, Pháp đã ghi nhận thêm 365 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 và 3.922 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm tại nước này lên lần lượt 1.696 và 29.155.

Hãng tin AFP dẫn lời quan chức y tế Pháp Jerome Salomon  cho biết: "Rất khó để ước tính khi nào đỉnh sẽ đến. Nhiều người đã bị trước khi lệnh cấm ở nhà bắt đầu."

Iran vẫn là dịch lớn nhất Trung Đông và thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục, với 29.406  người nhiễm và 2.234 ca tử vong. Chính phủ nước này đã kêu gọi người dân ở nhà và không tụ tập nơi công cộng. Tổng thống Hassan Rouhani cũng cho biết Iran sẽ ngăn chặn dịch bệnh trong hai tuần.

Tại Đông Nam Á, tính đến sáng nay, Malaysia tiếp tục là ổ dịch lớn nhất khu vực với 2.031 ca nhiễm và 23 ca tử vong. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã quyết định kéo dài Mệnh lệnh Kiểm soát di chuyển (MCO) đến ngày 14/4 sau khi mệnh lệnh này kết thúc vào ngày 31/3 trong bối cảnh số ca nhiễm tại nước này tiếp tục tăng cao.

Indonesia là quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực. Tính đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 893 ca nhiễm và 78 ca tử vong; tăng lần lượt 103 và 20 ca so với sáng qua.

Một nghiên cứu từ Đại học Hoàng gia Anh đã đưa ra một dự đoán nghiệt ngã rằng, 1,8 triệu người trên toàn thế giới có thể tử vong trong năm nay ngay cả khi có những hành động nhanh chóng để ngăn chặn dịch bệnh, theo AFP.

Hà Lê