Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 28/3: Việt Nam có ca bệnh thứ 169, Mỹ ghi nhận số ca nhiễm vượt 100.000
Tính đến 7h sáng nay (28/3), toàn thế giới đã ghi nhận 595.952 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 27.341 người đã tử vong và 133.057 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer.
Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 199 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.
Việt Nam: Số ca nhiễm COVID-19 tăng lên 169
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, tính đến 6h30 sáng nay (28/3), Việt Nam ghi nhận thêm 6 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp dương tính với COVID-19 lên 169, trong đó 20 người đã khỏi bệnh.
Ngoài ra, tính đến tối qua (27/3) có 3.215 trường hợp đang được cách li để theo dõi dấu hiệu và 75.085 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách li theo dõi sức khỏe (38.372 người cách li tại nhà, nơi cư trú).
Các tỉnh có người mắc COVID-19 cho đến nay: Vĩnh Phúc (11); TP HCM (45); Khánh Hòa (1); Thanh Hóa (1); Hà Nội (52); Ninh Bình (1); Quảng Ninh (6); Lào Cai (2); Đà Nẵng (4); Huế (2); Quảng Nam (3); Bình Thuận (9), Ninh Thuận (1), Bạc Liêu (2), Kon Tun (1), Lâm Đồng (1), Bắc Giang (2), Đồng Tháp (4), Trà Vinh (3), Lai Châu (2), Hải Phòng (1), Nghệ An (2), Hưng Yên (2), Lâm Đồng (1), Kiên Giang (1).
Trên thế giới: Italy và Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong hàng ngày tăng kỉ lục
Tính đến sáng nay, Trung Quốc đại lục - ổ dịch đầu tiên trên thế giới ghi nhận tổng cộng 81.394 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 3.295 ca tử vong. Trong số các ca nhiễm mới trong ngày hôm qua tại quốc gia này, hầu hết là các ca nhập cảnh và chỉ có một ca nhiễm nội địa. Đây cũng là ca lây nhiễm nội địa đầu tiên sau 3 ngày không ghi nhận ca mới trong nước.
Theo hãng tin AFP, ghi nhận đến sáng nay, Mỹ ghi nhận thêm 16.961 ca nhiễm và 312 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 102.396 và 1.607 ca.
Như vậy, số ca nhiễm tại Mỹ đã vượt xa Trung Quốc và Italy và chiếm vị trí số một trên thế giới. New York, Washington và California là 3 bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tại tâm dịch New York, chính quyền thành phố đã phải dựng các nhà xác dã chiến bên ngoài bệnh viện nhằm ứng phó với trường hợp số ca tử vong do COVID-19 tăng mạnh.
Tổng thống Trump ngày 27/3 đã phát sắc lệnh liên bang, buộc hãng xe hơi General Motors phải sản xuất máy thở trong bối cảnh nguồn cung thiết bị y tế trọng yếu này ngày càng khan hiếm và số ca bệnh tăng hơn 100.000 người.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua "Đạo luật hỗ trợ, cứu trợ chống dịch COVID-19 và bảo đảm an ninh kinh tế" (CARES Act) có giá trị 2.000 tỉ USD nhằm đối phó với những ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 gây ra.
Ngay sau đó, Tổng thống Donal Trump đã kí phê chuẩn dự luật này. Đây là dự luật hỗ trợ thứ 3 và là dự luật có số tiền lớn nhất của Chính phủ Mỹ nhằm đối phó với dịch COVID-19.
Tại Italy, ổ dịch COVID-19 lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 thế giới hôm qua đã ghi nhận thêm 5.909 ca nhiễm và 919 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 86.498 và 9.134. Italy đang cho thấy xu hướng giảm liên tục về tỉ lệ lây nhiễm, tuy nhiên tỉ lệ tử vong tại nước này vẫn rất cao.
Tây Ban Nha – quốc gia có tình hình dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ 2 tại châu Âu và thứ 4 trên thế giới ghi nhận tổng cộng 65.719 ca nhiễm và 5.138 ca tử vong tính đến sáng nay, tăng lần lượt 7.933 và 773 ca so với một ngày trước đó.
Con số này cho thấy tình hình dịch tại nước này vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, dù chính quyền đã có lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 14/3. Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Italy cũng đã vượt Trung Quốc.
Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 5 trên thế giới với 50.871 ca nhiễm, 351 ca tử vong, tăng lần lượt 6.933 và 84 ca so với một ngày trước đó. Tỉ lệ tử vong do COVID-19 vẫn thấp hơn nhiều so với các nước Châu Âu khác.
Trong vòng 24h qua, Pháp đã ghi nhận thêm 299 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 và 3.809 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm tại nước này lên lần lượt 1.995 và 32.964. Chính phủ nước này tuyên bố sẽ kéo dài thời gian phong tỏa đến ít nhất là ngày 15/4.
Iran vẫn là dịch lớn nhất Trung Đông và thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục, với 32.332 ca nhiễm và 2.378 ca tử vong. Truyền thông Iran hôm 27/3 cho biết, có 300 người đã thiệt mạng tại quốc gia này do tin vào việc uống cồn công nghiệp có thể chữa COVID-19.
Đến sáng nay, Anh có thêm 2.885 ca nhiễm mới, tổng số 14.543 bệnh nhân, trong đó 759 người đã tử vong, tăng lần lượt thêm 2.885 ca nhiễm và 181 ca tử vong trong vòng 24h qua.
Cùng ngày giới chức Anh xác nhận Thủ tướng Boris Johnson, Bộ trưởng Y tế Anh Mark Hancock đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tại Đông Nam Á, tính đến sáng nay, Malaysia tiếp tục là ổ dịch lớn nhất khu vực với 2.161 ca nhiễm và 26 ca tử vong.
Indonesia là quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực. Tính đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 1.046 ca nhiễm và 87 ca tử vong; tăng lần lượt 153 và 9 ca so với sáng qua. Hôm qua (27/3) cũng là ngày mà quốc gia này ghi nhận số ca nhiễm tăng kỉ lục.