Số ca tử vong tại Mỹ vượt Trung Quốc, tâm dịch New York kêu gọi cả nước hỗ trợ chống COVID-19
Hôm 31/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ là hơn 164.000, trong khi số ca tử vong đã tăng lên hơn 3.400 người và vượt qua Trung Quốc với 3.305 ca tử vong. Hiện nay số trường hợp tử vong tại Mỹ chỉ đứng sau Italy và Tây Ban Nha.
Tiểu bang New York là điểm nóng hàng đầu tại Mỹ khi tập trung nhiều ca nhiễm và tử vong nhất, phần lớn đều ghi nhận tại thành phố New York.
CNBC dẫn lời Thống đốc Andrew Cuomo cho biết tính đến hôm 31/3, chỉ riêng tiểu bang New York đã ghi nhận đến 1.550 ca tử vong và 75.795 ca nhiễm, tăng 14% so với một ngày trước.
"Tôi mệt mỏi vì phải cố bắt kịp COVID-19. Chúng tôi đã chậm trễ ngay từ ngày đầu tiên", ông Cuomo phát biểu ở thành phố Albany. "Chúng tôi đã đánh giá thấp COVID-19. Đại dịch này lớn và nguy hiểm hơn dự đoán của chúng tôi".
Trong đó, số trường hợp tử vong tại thành phố New York đã vượt 1.000 ca, The Washington Post dẫn số liệu của Sở Y tế TP New York cho hay. Dù vậy, giới chức thành phố New York cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể cần thêm một tuần nữa mới đạt đỉnh.
Hôm 30/3, Thống đốc Cuomo đã đưa ra lời kêu gọi đội ngũ nhân viên y tế trên khắp nước Mỹ đến hỗ trợ New York chống lại đại dịch. Ông cho rằng tình hình ở bang New York không phải là cá biệt và kịch bản này sẽ xuất hiện ở mọi vùng miền trên đất Mỹ.
"New York là tiểu bang đang bị dịch bệnh tấn công. Đó chỉ là ngày hôm nay thôi, nhưng ngày mai, dịch sẽ lan đến nơi khác, như Detroit hay New Orleans chẳng hạn. Đại dịch sẽ hoành hành trên khắp nước Mỹ", CNBC dẫn lời vị thống đốc nói.
Ông Chris Cuomo - em trai Thống đốc bang New York và là một người dẫn chương trình của đài CNN, cũng đã xác nhận nhiễm COVID-19.
Dịch bệnh bùng phát nhanh chóng đang gây quá tải cho hệ thống bệnh viện trên khắp tiểu bang và đặc biệt là tại thành phố New York. Hiện tại, các cơ sở y tế ở đây đều thiếu hụt nghiêm trọng máy thở, thiết bị bảo hộ và giường chăm sóc đặc biệt.
Cũng vào ngày 31/3, Thị trường Bill de Blasio của thành phố New York đã khẩn xin Tổng thống Trump gửi hàng nghìn máy thở đến để điều trị cho những bệnh nhân biến chứng nặng, đồng thời ông ra lời kêu gọi các bác sĩ tai mũi họng, bác sĩ phẫu thuật thẫm mỹ và bác sĩ thú ý đóng góp thiết bị của họ.
"Thành phố New York chiếm 1/4 tổng số ca nhiễm ở Mỹ", The Washington Post dẫn ông de Blasio cảnh báo. "Chủ nhật tới (ngày 5/4) sẽ là thời khắc lằn ranh. Đó là thời điểm chúng ta phải chuẩn bị sẵn tâm thế rằng số ca nhiễm và tử vong sẽ tăng khủng khiếp".
Tại châu Âu, Italy - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch trong khu vực, cho biết tỉ lệ lây nhiễm dường như đã chững lại và số ca nhiễm mới có thể bắt đầu giảm, tuy nhiên cuộc khủng hoảng còn lâu mới chấm dứt.
Theo South China Morning Post, Tây Ban Nha cũng phải vật lộn để duy trì hệ thống bệnh viện đang có nguy cơ sụp đổ. Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã hành động mạnh tay để xử lí các vi phạm về cách li và tin giả thời đại dịch.
Tính đến sáng ngày 1/4 (theo giờ Việt Nam), trên toàn thế giới hiện đã có hơn 800.000 người nhiễm bệnh và hơn 40.000 tử vong. Mỹ, Italy và Tây Ban Nha lần lượt là ba ổ dịch lớn nhất, trong đó Italy và Tây Ban Nha chiếm khoảng một nửa số trường hợp tử vong.