Chuyên gia Fed dự báo 47 triệu người Mỹ mất việc vì COVID-19, tỉ lệ thất nghiệp lên đến 32%
Theo CNBC, hàng triệu người dân Mỹ đã bị mất việc làm do tác động từ cuộc khủng hoảng COVID-19. Nhưng theo một ước tính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đây vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất với nền kinh tế số một thế giới.
Các nhà kinh tế tại chi nhánh St. Louis của Fed dự đoán số lượng người mất việc vì COVID-19 lên đến 47 triệu người, đồng nghĩa với tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 32,1%.
Các con số này còn tệ hơn cả tỉ lệ thất nghiệp ước tính 30% của ông James Bullard - Chủ tịch chi nhánh St. Louis của Fed. Các con số này phản ánh thực tế rằng có rất nhiều việc làm tại Mỹ đang có nguy cơ bị xóa sổ do các biện pháp phong tỏa và cách li mà chính phủ thực hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Ông Miguel Faria-e-Castro, chuyên gia kinh tế tại chi nhánh St. Louis của Fed viết trong một bài nghiên cứu được đăng vào tuần trước: "Đây là một con số rất lớn nếu xét theo tiêu chuẩn lịch sử, nhưng COVID-19 cũng là một cú sốc kinh tế khá đặc biệt mà nền kinh tế Mỹ chưa từng trải qua trong vòng 100 năm qua".
Tuy nhiên, ông Faria-e-Castro cảnh báo rằng những con số này vẫn chỉ là "dữ liệu thô" vì các nguyên nhân sau: Thứ nhất, chúng không tính đến những người sẽ hoàn toàn rời bỏ lực lượng lao động, và do đó khiến cho tỉ lệ thất nghiệp ước tính vẫn còn thấp hơn so với thực tế.
Thứ hai, chúng không tính đến tác động của dự luật cứu trợ chính phủ Mỹ mới thông qua, với các điều khoản như tăng trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ cho các công ty không cắt giảm nhân viên.
Tuy nhiên, viễn cảnh về tình trạng thất nghiệp vẫn rất u ám.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 21/3 lên mức cao kỉ lục 3,28 triệu người. Trong khi đó, mức đỉnh lịch sử trước đó là 695.000 đơn vào tháng 10/1982, chỉ bằng chưa đến 1/4 so với kỉ lục mới.
Theo khảo sát của Dow Jones, các nhà kinh tế dự kiến số lượng người thất nghiệp sẽ tăng thêm 2,65 triệu trong tuần này.
Trọng tâm của bài nghiên cứu của chuyên gia kinh tế Miguel Faria-e-Castro được xây dựng dựa trên một khảo sát trước đó của Fed, chỉ ra rằng có 66,8 triệu người lao động Mỹ đang làm việc "trong các công việc có nguy cơ bị sa thải lớn", bao gồm bán hàng, sản xuất, chuẩn bị thực phẩm và dịch vụ.
Một nghiên cứu khác cũng xác định 27,3 triệu người Mỹ làm việc trong các công việc "đòi hỏi phải tiếp xúc nhiều" với khách hàng như thợ cắt tóc, nhà tạo mẫu, tiếp viên hàng không và các nhân viên trong quán ăn hay nhà hàng.
Sau đó, ông Miguel Faria-e-Castro tính ra trung bình của hai con số này và ước tính nước Mỹ sẽ mất đi 47 triệu việc làm.
Nếu cộng với con số 3,3 triệu người thất nghiệp trong tuần kết thúc 21/3 và ước tính thêm 2,5 triệu người khác mất việc làm theo khảo sát của Dow Jones, số người thất nghiệp tại Mỹ sẽ lên đến 52,8 triệu người, hơn gấp ba lần đỉnh điểm của cuộc Đại Suy thoái.
Ngoài ra, tỉ lệ thất nghiệp 30% sẽ còn cao hơn cả kỉ lục 24,9% của cuộc Đại Khủng hoảng kéo dài từ năm 1929 đến 1933.
Một trong những điểm tích cực hiếm hoi trong tình hình này là sự sụt giảm của hoạt động kinh tế có thể chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC tuần trước, ông James Bullard - Chủ tịch chi nhánh St. Louis của Fed nói rằng số người không có việc làm "sẽ lên đến mức kỉ lục, nhưng đừng vì thế mà nản chí. Đây là một quí nhạy cảm, nếu nước Mỹ có thể hành động đúng và giữ cho nền kinh tế không bị đổ vỡ, thì một khi virus corona chủng mới biến mất, mọi người sẽ quay trở lại làm việc và mọi thứ sẽ ổn".