|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quá chủ quan với đại dịch, các quốc gia hùng mạnh phương Tây phải trả giá đắt

09:35 | 27/03/2020
Chia sẻ
Chính phủ các nước phương Tây đã đánh giá quá thấp rủi ro từ COVID-19, và giờ phải chạy đua với thời gian để nỗ lực dập dịch. Trong khi đó, một số quốc gia như châu Á như Singapore và Hàn Quốc lại sớm có hành động thích hợp và nhờ đó đạt hiệu quả cao trong kiềm chế COVID-19.
Vì sao các chính phủ phương Tây lại chậm trễ trong cuộc chiến chống COVID-19 - Ảnh 1.

Nhân viên chính phủ Mỹ khử trùng bục phát biểu tại Thượng viện. Ảnh: Getty Images

Tính đến nay, COVID-19 là thảm họa y tế tồi tệ nhất thế kỉ 21. Đại dịch này đã lây lan cho hơn 500.000 người trên thế giới, cướp đi sinh mạng của hơn 24.000 người, làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu.

Vừa mới đây, Mỹ đã vươn lên trở thành nước có số ca dương tính COVID-19 lớn nhất thế giới, theo sau là Trung Quốc và một quốc gia châu Âu là Italy.

Các dấu hiệu đã được gióng lên trong suốt một thời gian dài. Điều này càng làm nổi bật rõ hơn các sai lầm trong cách giới nguyên thủ phương Tây đưa ra quyết định để chống dịch.

Chính phủ các quốc gia phát triển như Italy, Mỹ và Anh đều đánh giá thấp rủi ro y tế, đánh giá quá cao khả năng kiểm soát dịch bệnh, phớt lờ tình hình thực tế đang diễn ra tại những nước khác, để rồi cuối cùng phải chạy đua với thời gian để tìm kiếm biện pháp dập dịch.

Hôm 24/3, Thủ tướng Boris Johnson đã ra lệnh phong tỏa toàn bộ nước Anh, nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan của COVID-19. Đây là một chuyển biến lớn đối với vị nguyên thủ này.

Chỉ trong chưa đầy một tháng trước, khi Italy phong tỏa toàn quốc, ông Boris Johnson vẫn tự hào tuyên bố rằng mình vẫn "bắt tay với tất cả mọi người" trong chuyến thăm tới một bệnh viện địa phương đang chữa trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19, và nói chuyện về nền kinh tế như thể không có gì bất thường xảy ra.

Thủ tướng Anh không phải vị nguyên thủ duy nhất hành động như vậy. Nhiều nhà lãnh đạo như Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Indonesia Joko Widodo chú trọng các vấn đề chính trị trước mắt hơn là mối nguy từ đại dịch.

Chỉ có rất ít quốc gia hoặc vùng lãnh thổ thành công trong việc rút ra kinh nghiệm từ quá khứ và từ các nước khác, ví dụ như Đài Loan. Số lượng những quốc gia thất bại trong việc rút ra bài học trong cách đối phó với dịch bệnh lại lớn hơn nhiều.

Lí do không chỉ đơn giản là cách điều hành yếu kém của chính phủ. Mọi người thường không dễ thay đổi hành động để phù hợp với sự biến đổi nhanh chóng của hoàn cảnh.

Ở cấp độ cơ bản nhất, lời giải thích rất đơn giản: Chúng ta đưa ra quyết định dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ và các mô hình đã được công nhận.

Các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đã đạt được thành tích tốt nhất trong việc kiềm chế virus corona chủng mới cho đến nay đều đã có kinh nghiệm đối phó với các đợt bùng phát dịch từ trước.

Ví dụ, bài học đau thương từ đại dịch SARS đã thúc đẩy Singapore và Hong Kong phản ứng mạnh mẽ và nhanh chóng với COVID-19. Tương tự, Hàn Quốc cũng rút ra được kinh nghiệm từ những sai lầm trong việc ứng phó với dịch MERS - hội chứng hô hấp Trung Đông.

Nhưng chính phủ các nước phương Tây thì khác. Đối với họ, SARS là một căn bệnh nguy hiểm chết người nhưng không lây lan nhanh chóng, được kiềm chế và chỉ xảy ra trong một số khu vực, cuối cùng là biến mất sau vài tháng.

Họ nghĩ căn bệnh này cũng tương tự như cúm. Cúm cũng dễ lây lan, nhưng ít khi gây tử vong. Kinh nghiệm quá khứ khiến chính phủ các nước phương Tây nghĩ rằng việc sớm áp dụng các biện pháp cứng rắn là không cần thiết.

Tóm lại, giống như ông Nick Chater - Giáo sư khoa học hành vi tại Warwick Business School chỉ ra: Sự khác biệt bề ngoài đã khiến các chính trị gia phương Tây nhắm mắt làm ngơ trước sự thật rằng kinh nghiệm từ nơi khác có thể hữu ích với các chính sách trong nước mình.

Khi COVID-19 mới bùng phát ở Vũ Hán và suốt một thời gian khá dài sau đó, các nước phương Tây đánh giá Trung Quốc là quá khác biệt với mình - về chính trị, xã hội, thậm chí là cả khía cạnh dân tộc, nên họ đã cho rằng virus này không đáng được nhận sự quan tâm tức thời.

Italy – quốc gia phương Tây đầu tiên hứng chịu tác động nghiêm trọng của COVID-19 – ban đầu đã cố gắng chống cự lại việc phải tiến hành phong tỏa trên qui mô rộng.

Cuối tháng 2/2020, khi chính phủ nước này áp dụng lệnh phong tỏa ở một vài thị trấn, một chính trị gia cấp cao vẫn còn kêu gọi người dân ra hãy cứ đến quán cà phê hoặc pizza như bình thường: "Đừng đánh mất phong tục của người Italy". Không lâu sau đó vị này được xét nghiệm và xác nhận nhiễm COVID-19.

Tình trạng này vẫn lặp lại trên khắp châu Âu kể cả khi diễn biến đại dịch ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Ngày 16/3, Pháp công bố lệnh phong tỏa toàn quốc, nhưng trong cùng ngày đó, nước Anh vẫn bận bịu tổ chức các cuộc đua ngựa và các buổi hòa nhạc - "tuân thủ" theo chính sách miễn dịch cộng đồng, chấp nhận cho phép đến 80% dân số nhiễm COVID-19

Các lãnh đạo cấp cao nhất ở Anh chỉ thay đổi ý định sau khi báo cáo từ các nhà khoa học của Đại học Hoàng gia chỉ rõ rằng chính sách này nguy hiểm đến mức nào.

Việc chính phủ nước này phải cấp tốc chuẩn bị các phương án dự phòng cho trường học và các dịch vụ khác trong thời gian phong tỏa 21 ngày cho thấy rằng Anh chưa bao giờ coi COVID-19 là một mối nguy thực sự, cho đến khi họ buộc phải nhìn thẳng vào thực tế.

Không chỉ giới lãnh đạo, mà nhiều người dân châu Âu cũng đã không nhận thức được tính nghiêm trọng của đại dịch này.

Nhà báo Clara Ferreira Marques của tờ Bloomberg (sống tại Hong Kong) nói rằng chỉ vài tuần trước, họ hàng sống ở châu Âu của bà đều không nghĩ rằng một dịch bệnh đang hoành hành ở châu Á có thể xảy ra với họ và làm đảo lộn cuộc sống thường ngày.

Tâm lí chủ quan này dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, trước hết là việc lãng phí hàng tháng trời mà không chuẩn bị các cơ sở y tế, bộ xét nghiệm và thiết bị bảo hộ. Các quốc gia châu Âu bắt buộc phải sử dụng biện pháp phong tỏa vì virus đã lây lan quá xa.

Dù cho các cửa hàng phải đóng cửa và hoạt động kinh tế bị gián đoạn vì những biện pháp chống dịch, nhưng đây là cái giá bắt buộc phải trả để cứu được sinh mạng của nhiều người.

Điều này cũng giống như lời Chủ tịch chi nhánh St. Louis của Fed - ông James Bullard: các biện pháp giữ khoảng cách xã hội cơ bản là một khoản đầu tư cho sự sống còn.

Ngoài ra, chính phủ các quốc gia giàu có ở phương Tây còn có thiên hướng lạc quan thái quá, do trong quá khứ nước họ ít khi phải nếm trải các thất bại nặng nề. Do vậy, họ đã đánh giá sai lầm khả năng kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, vẫn còn có những hi vọng lóe lên trong tình cảnh này. Chính quyền địa phương và doanh nghiệp ở một số quốc gia, ví dụ như Mỹ, đã nhanh chóng có động thái để đối phó với đại dịch.

Trước khi có lệnh phong tỏa từ chính phủ, một số công ty lớn và nổi tiếng như Apple và Nike đã quyết định đóng toàn bộ chuỗi cửa hàng tại nhiều quốc gia để hạn chế sự lây lan của virus. GM và Tesla thì thay đổi dây chuyền để chuyển từ sản xuất ô tô sang chế tạo máy thở.

Trong tương lai, các nhà hoạch định chính sách phương Tây sẽ cần phải rút ra được kinh nghiệm từ những thất bại của chính mình trong cuộc chiến chống COVID-19, để không mắc thêm sai lầm chết người nào nữa.

Giang

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.