|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Canh bạc lớn của chính phủ Anh: Cho phép tới 80% dân số nhiễm COVID-19 để hình thành cơ chế miễn dịch cộng đồng

21:41 | 14/03/2020
Chia sẻ
Khác xa so với nhiều quốc gia châu Á, châu Âu hay Mỹ, Anh lại chấp nhận cho phép đến 80% dân số trong nước nhiễm COVID-19 để tự hình thành cơ chế miễn dịch cộng đồng. Đây là một canh bạc lớn, vì nếu sẩy chân một bước, hậu quả về sinh mạng con người là rất khủng khiếp.

Italy phong tỏa toàn quốc. Ireland và Đan Mạch đóng cửa toàn bộ trường học, thậm chí Đan Mạch còn đóng cửa luôn biên giới. Pháp hủy bỏ hàng loạt sự kiện công cộng lớn.

Tuy nhiên, Anh - một quốc gia châu Âu khác, lại áp dụng hướng tiếp cận ít nghiêm ngặt hơn nhiều để kiểm soát dịch virus corona (COVID-19).

Người dân có thể phần nào yên tâm rằng chính quyền Thủ tướng Boris Johnson, trước đây từng lên tiếng chê bai "các chuyên gia", dường như đang hành động dựa trên khuyến cáo có cơ sở khoa học.

Tuy nhiên, Financial Times xem chiến lược của chính phủ Anh là một canh bạc lớn. Anh đã chuyển từ giai đoạn "kiểm soát" sang giai đoạn "làm chậm" dịch COVID-19. Biện pháp quan trọng duy nhất mà chính phủ Anh thực hiện lúc ban đầu là khuyên bất kì ai mới bị ho hoặc sốt ở yên trong nhà trong 7 ngày.

Chính quyền Thủ tướng Johnson sẽ công bố lệnh cấm tụ tập đông người ở nơi công cộng trong vài ngày tới. Tuy nhiên, Anh chưa hành động gì nhiều so với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) hay các quốc gia châu Á.

Cơ chế tự miễn dịch cộng đồng liệu có quá xa xôi?

Khi mà ông Patrick Vallance - trưởng cố vấn khoa học của chính phủ Anh, cảnh báo có thể có đến 10.000 người Anh đã nhiễm COVID-19, mặc dù giới chức y tế chỉ mới xác nhận hơn 1.000 ca cho đến thời điểm này, chính phủ Anh sẽ không tiếp tục xét nghiệm cho các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.

Đối mặt với chỉ trích rằng chính sách trên quá yếu, ông Patrick cho hay mục đích là nhằm "kéo đỉnh dịch đi xuống sau đó mở rộng ra". Cơ chế này sẽ giúp người dân Anh tự hình thành "hệ miễn dịch cộng đồng" trong mùa hè, từ đó bảo vệ họ trước làn sóng lây nhiễm thứ hai vào mùa đông cũng như trong tương lai.

Theo cách lí giải trên, ông Patrick nhận định dịch COVID-19 có thể trở thành một dịch bệnh bùng phát theo mùa mỗi năm.

Canh bạc lớn của chính phủ Anh: Cho phép tới 80% dân số nhiễm COVID-19 để hình thành cơ chế miễn dịch cộng đồng - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Canh bạc lớn của nước Anh chưa biết sẽ tạo ra kết quả gì. (Ảnh: AFP)

Các cố vấn khoa học của chính phủ Anh tin rằng những quốc gia đang nỗ lực kiểm soát tốc độ lây lan của COVID-19 ở thời điểm hiện tại sẽ dễ bị tổn hại trong tương lai khi dịch bùng phát trở lại, vì người dân không hình thành được một hệ miễn dịch giống nhau. Lập luận này dựa trên một số kiến thức khoa học.

Các chuyên gia y tế lo ngại rằng khi nỗ lực dập dịch tại một số khu vực, chẳng hạn như tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đã thành công, thì COVID-19 vẫn có thể "thoát ra" và bùng phát trên diện rộng ở nơi khác.

Tuy nhiên, chưa có cách nào để biết rõ liệu hướng tiếp cận của chính phủ Anh có đủ căn cứ khoa học hay không vì giới khoa học cũng chưa hiểu rõ hành vi của dịch COVID-19.

Một câu hỏi quan trọng là mọi người sẽ miễn dịch trong bao lâu sau khi hồi phục. Miễn dịch cộng đồng đòi hỏi khoảng thời gian đó phải thật dài.

Chiến lược của chính phủ Anh phụ thuộc vào cách hành động khéo léo, đúng lúc và cân bằng: cho phép dịch lan rộng, nhưng kiểm soát tốc độ lây nhiễm để đỉnh dịch có thể được san phẳng thành công và hệ thống y tế không hoàn toàn bị quá tải.

Ngay cả khi lệnh cấm tụ tập đông người được ban bố, với một chiến lược qui mô lớn như trên thì chưa rõ liệu chính phủ Anh có đang hành động đủ để làm chậm tốc độ lây nhiễm của dịch hay chưa.

Nếu quả thực có thể thành công trong việc ngăn chặn dịch lây lan thì chiến lược của chính quyền ông Johnson cũng có khả năng gây thiệt hại về sinh mạng con người hơn so với các biện pháp dập dịch nghiêm ngặt khác.

Ông Chris Whitty - Giám đốc Y tế Anh, cho biết "kịch bản xấu nhất" là 80% trong tổng số 66 triệu người dân Anh sẽ nhiễm COVID-19. Với tỉ lệ tử vong là 1%, số ca tử vong có thể đạt 500.000 người, gần gấp đôi tỉ lệ tử vong do các bệnh lí khác ở nước Anh hàng năm.

Khi công bố chiến lược này vào tuần trước, Thủ tướng Boris Johnson đã khoác lên mình một vẻ trang trọng khác thường.

Nếu muốn đưa nước Anh ra khỏi cuộc khủng hoảng y tế mang tên COVID-19, thông báo cởi mở, trung thực và hiệu quả của chính phủ là điều cần thiết.

Trong khi cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) khẳng định họ đã chuẩn bị sẵn sàng, một số quan chức vẫn đặt câu hỏi liệu NHS đã chuẩn bị đủ các cơ sở chăm sóc đặc biệt, máy thở và nhân viên cấp cứu cần thiết hay chưa.

Để cho phép kịch bản phần đông người dân Anh sẽ dần dần ngã bệnh, việc chuẩn bị năng lực y tế trên qui mô lớn hiếm khi xảy ra trong thời bình sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Yên Khê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.