Nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu vì lệnh phong tỏa lớn nhất thế giới của Ấn Độ
Lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước của Thủ tướng Narendra Modi có thể sẽ đẩy Ấn Độ vào tình cảnh thiếu trang thiết bị y tế trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Các lệnh hạn chế đi lại nghiêm ngặt do các chính quyền địa phương áp đặt đang cản trở nguồn cung các vật dụng y tế như khẩu trang, găng tay phẫu thuật và bộ dụng cụ bảo hộ cá nhân dành cho y bác sĩ.
Lệnh phong tỏa toàn quốc cấm tất cả người dân Ấn Độ ra khỏi nhà trong vòng 21 ngày. Người lao động bị cảnh sát địa phương chặn lại khi đang trên đường đi làm, những chiếc xe tải chở vật liệu đến nhà máy cũng buộc phải đỗ lại trước các chốt kiểm soát.
Giám đốc tài chính Ravish Mitta của công ty Trivitron Healthcare Pvt nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Bloomberg: "Chúng tôi đã nghiên cứu chế tạo bộ xét nghiệm COVID-19 trong vòng 3-4 tuần qua. Nhưng việc ra mắt sản phẩm này sẽ bị trì hoãn, vì chính quyền địa phương không cho phép việc vận chuyển nguyên liệu thô, mặc dù nó phù hợp với danh mục dịch vụ thiết yếu".
Ông cho biết thêm: "Hôm 24/3, một số nhân viên của chúng tôi đã bị cảnh sát đánh".
Đến chiều ngày 26/3, Ấn Độ đã ghi nhận 664 trường hợp xác nhận nhiễm COVID-19 và 12 ca tử vong. Chính phủ đang phải chạy đua để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh trong 1,3 tỉ dân của nước này.
Trong bài phát biểu tối 24/3, Thủ tướng Modi kêu gọi người dân đừng lo lắng về nguồn cung các nguyên vật liệu thiết yếu. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ở Ấn Độ cho biết không phải chính quyền địa phương nào cũng đang tuân theo chỉ thị trên của chính phủ trung ương.
Truyền thông địa phương Ấn Độ cũng đã đăng tin rằng việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu đang đang bị gián đoạn trên qui mô lớn – hậu quả của lệnh phong tỏa toàn quốc.
Ông có Rajiv Nath, người sáng lập Hiệp hội Công nghiệp Thiết bị Y tế Ấn Độ nhận xét có khả năng những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng sẽ phá hỏng các nỗ lực của dập dịch COVID-19 của nước này.
Ông Nath nói: "Lệnh cấm này khiến mọi thứ trở nên khó khăn với những công ty đã chuẩn bị sẵn sàng để tăng sản lượng trang thiết bị y tế. Họ không thể tăng cường sản xuất do bị chính quyền địa phương ngăn cản. Chính phủ Ấn Độ đang cố gắng làm mọi thứ có thể nhưng họ thiếu sự phối hợp với cấp địa phương".
"Nếu các nhà máy không thể sản xuất và các bệnh viện không nhận được vật phẩm y tế, thì mọi nỗ lực chống dịch sẽ đổ sông đổ bể".
Sự gia tăng số người nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ đã làm dấy lên lo ngại rằng hệ thống y tế yếu kém ở nước này có thể không đủ năng lực để đối phó với đại dịch. Chi tiêu cho y tế của Ấn Độ thuộc vào hàng thấp nhất trên thế giới – chỉ bằng khoảng 3,7% GDP.
Bệnh viện công ở nước này thường xuyên trong tình trạng quá tải, còn bệnh viện tư thì lại quá đắt đỏ với nhiều người. Gia tăng số lượng các cơ sở y tế và đảm bảo cung cấp đủ thiết bị y tế và đồ bảo hộ sẽ là vấn đề mang tính sống còn đối với Ấn Độ.
Ông Kamal Ratra, giám đốc công ty RFB Latex nói: "Bình thường công ty chúng tôi sản xuất 300.000 đôi găng tay phẫu thuật mỗi ngày, nhưng nhà máy của tôi đã phải đóng cửa trong hai ngày qua. Sản lượng đã bị sụt giảm vì chúng tôi không thể mua bao bì đóng gói và dầu diesel cho nồi hơi vì lệnh phong tỏa".
"Chúng tôi có 300 nhân viên, nhưng chỉ có 12-13 người tới được chỗ làm hôm 24/3. Các nhân viên y tế Ấn Độ cần phải có những đôi găng tay này".
Nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu
Chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu phụ thuộc lớn vào Trung Quốc và Ấn Độ. Trước tình cảnh Ấn Độ đang áp dụng các biện pháp ngày càng cứng rắn để ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới, các nhà phân tích đã lên tiếng cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 có thể phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phần lớn các nguyên liệu dược phẩm quan trọng đều được sản xuất tại Trung Quốc, rồi được xuất khẩu sang Ấn Độ để chế tạo sản phẩm cuối cùng. Sau đó, những loại thuốc này được vận chuyển đến các nước trên toàn thế giới.
Theo các chuyên gia có mặt tại cuộc họp giữa Morgan Stanley và nhà đầu tư, các hoạt động cung ứng ở Trung Quốc đang được cải thiện, nhưng Ấn Độ lại là mối quan tâm chính trong thời điểm hiện tại.
Lệnh phong tỏa toàn quốc của Ấn Độ nhiều khả năng sẽ gây gián đoạn đến chuỗi cung ứng quan trọng này, ảnh hưởng đến khả năng cung cấp dược phẩm trên toàn thế giới.
Ấn Độ là nước dẫn đầu thế giới về lĩnh vực sản xuất thuốc generic. Ấn Độ nhập khẩu gần 70% thành phần dược phẩm và rất nhiều nguồn nguyên liệu quan trọng khác từ Trung Quốc để chế tạo thuốc.
Hôm 22/3, các nhà phân tích của Morgan Stanley cảnh báo rằng "dù số trường hợp nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ hiện không tăng nhanh, các chuyên gia của chúng tôi đánh giá rằng rủi ro lây nhiễm gia tăng có thể gây gián đoạn đến chuỗi cung ứng dược phẩm".
Ngành công nghiệp dược phẩm Mỹ có thể phải chịu rủi ro lớn với nguồn cung từ Ấn Độ. Ông Rohit Bhat - nhà phân tích tại B&K Securities ước tính rằng các công ty dược phẩm Ấn Độ cung cấp khoảng 40-50% tất cả các loại thuốc generic của Mỹ.
Trong một tuyên bố vào ngày 27/2, Cục trưởng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Stephen Hahn thừa nhận rằng cơ quan này đang theo dõi chặt chẽ chuỗi cung ứng dược phẩm.
FDA nhận định đại dịch COVID-19 có thể có tác động đến chuỗi cung ứng, đẩy Mỹ vào tình cảnh gián đoạn nguồn cung hoặc thiếu hụt các sản phẩm y tế quan trọng.
Đầu tháng 3, Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu 13 loại thành phần dược phẩm và các loại thuốc được sản xuất từ chúng, nhằm ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt trong nước.
Ngày 11/3, ông Hahn nói với Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Lương hưu của Thượng viện Mỹ rằng FDA chưa ước tính được các hạn chế của Ấn Độ sẽ có ảnh hưởng thế nào đến nguồn cung thuốc của Mỹ.
Mỹ sẽ thiếu hụt thuốc?
Do các công ty dược phẩm không tiết lộ các chi tiết cụ thể về chuỗi cung ứng, rất khó để có thể dự đoán loại thuốc nào sẽ bị ảnh hưởng bởi những gián đoạn tiếp theo ở Ấn Độ.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley cảnh báo rằng tình trạng thiếu thuốc sẽ xảy ra nhanh hơn trong bối cảnh hiện tại do tình trạng tích trữ và đầu cơ. Một số người lo ngại rằng sự thiếu hụt nguồn cung có thể dẫn đến việc người muốn mua thuốc bị ép phải trả giá cao.
Dù không thể biết trước các sự kiện trong tương lai, các công ty dược phẩm đã lên sẵn kế hoạch để đương đầu với thảm họa.
Nhóm phân tích ngành dược phẩm của ngân hàng đầu tư Cowen kết luận "bất kì tác động bất lợi nào (đối với chuỗi giá trị dược phẩm do tác động từ COVID-19) cho đến nay vẫn rất nhỏ. Dường như các công ty đã có định hướng thích hợp cho tương lai".
Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng tình hình có thể sẽ thay đổi tùy theo thời gian kéo dài của đại dịch.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/