|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sản xuất Trung Quốc tê liệt, thế giới đối mặt nguy cơ thiếu thuốc men

07:37 | 05/03/2020
Chia sẻ
Hàng loạt nhà máy tại Trung Quốc vẫn tê liệt kể từ Tết Nguyên Đán, dẫn tới nguy cơ cả thế giới thiếu nhiều loại thuốc quan trọng như kháng sinh, tiểu đường, HIV, giảm đau...

Theo South China Morning Post, với việc Trung Quốc đóng cửa các nhà máy để chống dịch virus corona chủng mới, sức khỏe cộng đồng toàn cầu có thể bị đe dọa bởi tình trạng thiếu những loại thuốc chữa các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, đau đầu và sốt.

Trung Quốc là nhà sản xuất thành phần dược phẩm lớn nhất thế giới. Do đó, tình trạng sản xuất tê liệt tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể làm đảo lộn chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu.

Tuần trước, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xác nhận nước này thiếu trầm trọng một loại thuốc do dây chuyền sản xuất thành phần dược phẩm bị đóng băng vì dịch Covid-19. FDA không tiết lộ đây là loại thuốc gì.

“FDA đang giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng và dự đoán dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng các sản phẩm y tế, bao gồm các mặt hàng đặc biệt quan trọng với thị trường Mỹ”, Cục trưởng FDA Stephen Hahn cho biết.

Sản xuất Trung Quốc tê liệt, thế giới đối mặt nguy cơ thiếu thuốc men - Ảnh 1.

Trung Quốc là nước sản xuất thành phần dược phẩm lớn nhất thế giới. Ảnh: Xinhua/Getty Images.

Phụ thuộc vào Trung Quốc

Châu Âu cũng có những động thái chuẩn bị tương tự. Cơ quan Y tế châu Âu (EMA) cho biết "đang phân tích và giám sát" tác động tiềm tàng của dịch Covid-19 đối với chuỗi cung ứng dược phẩm.

Thuốc kháng sinh, thuốc cao huyết áp, thuốc trị tiểu đường, thuốc chống HIV/AIDS, thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt... đều cần đến những thành phần có nguồn cung từ Trung Quốc. Đây cũng là nước sản xuất lượng thuốc phiên bản lớn.

Theo Phòng Thương mại Xuất nhập Thuốc và Sản phẩm Y tế Trung Quốc, năm 2018 nước này xuất khẩu hơn 30 tỷ USD thuốc và thành phần dược phẩm trong năm 2018. Trong khi đó, 80% thành phần dược phẩm được sử dụng tại Mỹ là hàng nhập khẩu, phần lớn đến từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết năm ngoái, nước này nhập khẩu 95% ibuprofen, 91% hydrocortisone, 70% paracetamol, 40 đến 45% penicillin và 40% heparin từ Trung Quốc.

“Trong một dịch bệnh bùng phát, đôi khi tác động lớn nhất đến từ những thiệt hại mà chúng ta tìm cách kiểm soát”, South China Morning Post dẫn lời bác sĩ Michael Osterholm thuộc Đại học Minnesota nhận định.

Sản xuất Trung Quốc tê liệt, thế giới đối mặt nguy cơ thiếu thuốc men - Ảnh 2.

Phần lớn dược phẩm nhập khẩu tại Mỹ đến từ Trung Quốc. Ảnh: Washington Post.

Thời gian qua, nhiều nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về sự phụ thuộc của nước này vào các thành phần dược phẩm có nguồn gốc Trung Quốc, nhất là trong thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài.

Năm ngoái, đại diện Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung đã điều trần về chủ đề này trước Quốc hội Mỹ. Tháng 11, báo cáo thường niên của ủy ban này cũng đề cập đến vấn đề trên.

Và những lo ngại của phía Mỹ bùng phát khi dịch virus corona chủng mới xuất hiện ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) rồi lan khắp Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới.

Sản xuất trì trệ

Kể từ cuối tháng 1, chính quyền Trung Quốc áp dụng các biện pháp gắt gao để kiểm soát dịch Covid-19. Bắc Kinh kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán đến giữa tháng 2 đối với nhiều tỉnh thành.

Hôm 29/2, chính quyền Trung Quốc thông báo chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất - một chỉ số đánh giá tình hình sản xuất tại các nhà máy - của tháng 2 lao dốc xuống mức thấp kỷ lục. Tân Hoa xã cho biết sản xuất dược phẩm cũng giảm sút nghiêm trọng.

Các nhà máy Trung Quốc đang vật lộn khởi động lại dây chuyền sản xuất sau kỳ nghỉ Tết kéo dài. Các biện pháp chống dịch - bao gồm lệnh hạn chế đi lại - vẫn đang được áp dụng, khiến hàng triệu công nhân chưa thể quay trở lại làm việc và các nhà máy thiếu hụt vật tư cần thiết.

Cuối tuần qua, Bắc Kinh thông báo hơn 90% doanh nghiệp quốc doanh nước này đã nối lại sản xuất. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Zhang Kejian xác nhận chỉ 43% doanh nghiệp vừa và nhỏ trở lại hoạt động bình thường.

“Có thể kiểm soát được tác động của việc đóng cửa các nhà máy và phong tỏa nhiều thành phố ở giai đoạn trước mắt. Nhưng trong trung hạn và dài hạn, hậu quả sẽ là rất nghiêm trọng. Và các công ty quốc tế sẽ đặt vấn đề thay đổi chuỗi cung ứng”, chuyên gia Xiaoqing Boynton thuộc hãng tư vấn Albright Stonebridge bình luận.

Sản xuất Trung Quốc tê liệt, thế giới đối mặt nguy cơ thiếu thuốc men - Ảnh 3.

Các chỉ số sản xuất của Trung Quốc đồng loạt giảm, sản xuất dược phẩm cũng trượt dốc. Ảnh: South China Morning Post.

Vũ Hán - tâm chấn của dịch virus corona chủng mới - là một trung tâm sản xuất dược phẩm lớn của Trung Quốc. Dù vậy, nhà phân tích Helen Chen thuộc hãng tư vấn L.E.K cho biết ngành sản xuất dược phẩm có nhiều nhà máy khắp Trung Quốc.

Do đó, bà Chen kỳ vọng hoạt động sản xuất dược phẩm sẽ được khôi phục 100% tại Trung Quốc vào cuối tháng 4. Chuyên gia Jia Xu thuộc PwC cũng tin rằng sự gián đoán của chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu sẽ được khắc phục khi Trung Quốc nối lại sản xuất.

Tuy nhiên, chuyên gia Boynton cho rằng dịch virus corona chủng mới sẽ buộc các công ty Mỹ tư duy lại về tình trạng phụ thuộc vào Trung Quốc. “Dịch Covid-19 cho thấy các nền kinh tế là rất mong manh và quá phụ thuộc lẫn nhau trong chuỗi cung ứng toàn cầu", bà nói.

"Với nhiều công ty Mỹ, việc các nhà máy Trung Quốc đóng cửa là lời cảnh báo nghiêm khắc", chuyên gia của Albright Stonebridge nhấn mạnh.

Phương Thảo

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.