|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Trung Quốc đứng lại, cả thế giới 'ùn tắc'

06:59 | 05/03/2020
Chia sẻ
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gần như đóng cửa trong thời gian qua vì Covid-19, gây nên những tổn thất kinh tế trên toàn cầu. Từ các công ty đa quốc gia đến người lái xe tải hay hướng dẫn viên du lịch đều bị tác động xấu.
Kinh tế Trung Quốc đứng lại, cả thế giới 'ùn tắc' - Ảnh 1.

Bức ảnh chụp ngày 14/2 này cho thấy sân bay Ðại Hưng lớn nhất thủ đô Bắc Kinh trở nên vắng vẻ vì dịch Covid - 19

Tại một khu công nghiệp ở Chicago, cách Trung Quốc hơn 6.000 dặm, ông Michael Smerling cảm nhận rõ sự tàn phá của dịch Covid-19.

Ông Smerling sản xuất ba lô, túi du lịch và thiết bị ngoài trời cho các công ty như Bed Bath & Beyond, Nordstrom Rack và Amazon. Lúc này, nhà kho của công ty ông đang chật kín hàng.

Tuần trước, ông cho 8 công nhân nghỉ việc. Họ chiếm 1/5 trong đội công nhân làm việc toàn thời gian mà ông đang thuê. “Đây là quyết định khó khăn nhất trong công việc mà tôi phải đưa ra từ trước đến nay”, ông Smerling nói với New York Times.

Nếu Covid-19 đẩy thế giới vào suy thoái, Trung Quốc sẽ là lý do lớn nhất. Các nhà kinh tế học cảnh báo rằng, tình trạng doanh nghiệp đóng cửa ở Trung Quốc đe dọa các nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và cả Mỹ. Những tập đoàn lớn như Apple, Microsoft, AB InBev và Pfizer đều đã cảm nhận tác động.

“Nền kinh tế luôn phải chuyển động. Rất nhiều thứ liên quan đến nhau: chuỗi cung ứng, vận tải, giao thông, dịch chuyển hàng hoá. Thật điên rồ khi nói rằng chúng ta có thể dừng nền kinh tế rồi tái khởi động”, ông Rodney Jones, một nhà kinh tế chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, nói.

Trung Quốc là khách hàng lớn của các ngành dầu khí, thực phẩm và nguyên liệu thô khác. Trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại, Trung Quốc mua hơn 1/4 đậu tương của Mỹ. Ngành khai mỏ đang sử dụng hơn 200.000 nhân công của Úc cũng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Tại Mông Cổ, ngành khai thác than chiếm gần một nửa thu nhập từ xuất khẩu và mang lại việc làm cho những người như ông Battogtokh Uurtsaikh, một người đang băn khoăn xem nên làm gì tiếp theo.

Ông Battogtokh thường lái chiếc xe tải 70 tấn chở than từ một mỏ lớn trên cao nguyên Gobi đến biên giới Trung Quốc. Trên con đường 2 làn đó, ông có thể gặp nhiều tài xế chở than khác. Nếu công việc thuận lợi, ông Battogtokh kiếm được 1.600 USD (hơn 37 triệu đồng) mỗi tháng. Nhưng tháng 1 năm nay, Mông Cổ đóng cửa biên giới. Một số người bạn của ông Battogtokh vẫn chở than đến biên giới với hy vọng tìm được người mua. “Nhưng họ không được khách Trung Quốc thanh toán. Họ thậm chí không còn tiền mua thức ăn”, ông Battogtokh kể.

Trung Quốc không chỉ mua nhiều nguyên liệu thô. Nước này cũng là đối thủ của Mỹ trong ngành mua sắm. Người Trung Quốc mua ôtô, điện thoại thông minh và hàng xa xỉ nhiều nhất thế giới.

Dân Trung Quốc chi hơn 250 tỷ USD cho du lịch mỗi năm, nhiều hơn Mỹ.

Giờ đây, hầu hết người Trung Quốc đang ở nhà. Cuối tháng 1, Trung Quốc dừng bán các tour du lịch. “Tôi không còn khách hàng nào cả”, ông Saichon Chuenchoo, một hướng dẫn viên du lịch có 25 năm kinh nghiệm ở Thái Lan, cho biết.

Khoảng 10.000 hướng vẫn viên ở nước này không có việc làm từ khi Covid-19 lây lan.

Khó lựa chọn

Nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ giảm tốc mạnh, thậm chí suy thoái trong quý 1 năm nay do tác động của Covid-19.

Dịch bệnh đã khiến các ngành sản xuất và dịch vụ tê liệt, đẩy Bắc Kinh vào thế khó khi phải chọn giữa từ bỏ mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2020 hay quay lại bài cũ là hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế vốn đang nặng nợ để kích thích tăng trưởng.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng trong tháng 2 giảm xuống mức thấp chưa từng có, cho thấy mức tàn phá khủng khiếp của Covid-19 đối với nền kinh tế Trung Quốc, khiến các nhà kinh tế đánh tụt dự báo tăng trưởng của nước này trong năm nay.

Một số chuyên gia thậm chí còn nói đến khả năng chưa ai từng nghĩ đến, rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 1 năm nay ở mức 0%, thậm chí tụt giảm so với quý trước, cho dù tình trạng này chỉ là ngắn hạn. Nếu tăng trưởng âm trong quý này, đây sẽ là lần đầu tiên xảy ra ở Trung Quốc kể từ khi kết thúc Cách mạng văn hoá năm 1976.

Báo cáo của Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhấn mạnh Trung Quốc trong quý 1 sẽ giảm tới 6,3% so với quý 1/2019, còn mức tăng trưởng của cả năm 2020 sẽ thấp hơn nhiều so với kế hoạch 5,6% mà Bắc Kinh đặt ra để hoàn thành mục tiêu kinh tế.

Nếu vẫn muốn đạt được mức tăng trưởng 5,6% như kế hoạch, Trung Quốc sẽ phải đạt được tốc độ 12,7% trong nửa sau của năm nay, theo tính toán của các nhà kinh tế học tại Singapore.

“Câu hỏi đặt ra là điều này có khả thi hay không và liệu những hậu quả về gánh nặng nợ và giảm hiệu quả đầu tư có xứng đáng với cái giá bỏ ra hay không”, báo cáo viết.

Ngày 3/3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có động thái khẩn cấp là giảm nửa điểm phần trăm lãi suất cơ bản, xuống ngưỡng 1-1,25%, nhằm bảo vệ nền kinh tế lớn nhất thế giới trước tác động của Covid-19.

“Các thành tố cơ bản của kinh tế Mỹ vẫn mạnh. Nhưng virus corona gây rủi ro ngày càng lớn lên hoạt động kinh tế”, Fed nói trong thông cáo.

Bình Giang