Kinh tế Trung Quốc chịu đựng được Covid-19 bao lâu?
Dịch Covid-19 đến nay đã giết chết hàng ngàn người, làm đảo lộn cuộc sống hàng trăm triệu người và khiến thế giới bấp bênh.
Do các nhà dịch tễ học chưa phát hiện đầy đủ các cơ chế lây lan virus, nên không ai có thể nói chắc chắn khi nào nó được ngăn chặn, chứ đừng nói đến việc kinh tế sẽ ra sao.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không thể dự đoán được gì. Kinh nghiệm lịch sử với những cú sốc lớn tương tự cho thấy, thiệt hại kinh tế ngắn hạn có khả năng là đáng kể. Các lĩnh vực được coi là ảnh hưởng trực tiếp nhất bao gồm vận tải, du lịch, hàng xa xỉ, và ôtô.
Một số ước tính đáng tin cậy cho thấy tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể giảm 2-4 điểm phần trăm mỗi quý, cho đến khi dịch bệnh đạt đỉnh.
Sản lượng đầu ra lẫn tiêu thụ đều suy giảm do hạn chế lưu thông, cả tự nguyện lẫn bắt buộc. Các động lực tăng trưởng nhờ vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay cũng không có.
Câu hỏi là khi nào dịch sẽ lên đến đỉnh. Dự báo lạc quan cho rằng phục hồi một phần sẽ diễn ra trong quý II.
Michael Spence, Nhà khoa học nhận giải thưởng Nobel kinh tế, Giáo sư Kinh tế tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, thành viên cao cấp Viện Hoover, cho rằng sẽ thực tế hơn khi trông đợi sự phục hồi vào quý III.
Tuy nhiên, theo ông, cũng không thể loại trừ khả năng Covid-19 trở thành đại dịch kéo dài, gây thiệt hại lớn hơn cho các nền kinh tế bởi kinh doanh khốn khó, việc làm giảm, nhà đầu tư chùn bước và phản ứng chính sách yếu kém hoặc chậm trễ.
Chuyên gia này nhận định, nhìn chung hiệu ứng dài hạn của Covid-19 với nền kinh tế Trung Quốc là khá nhỏ, thậm chí không đáng kể. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giờ không còn có thể gọi là "mong manh" được nữa.
Thật vậy, nó đã ít phụ thuộc vào xuất khẩu hơn so với năm 2003, khi dịch SARS hoành hành. Nền kinh tế này cũng có nhiều điều kiện để phục hồi nhanh từ những cú sốc mạnh.
Ông chỉ ra rằng, một nguồn sức mạnh thường được đánh giá thấp là sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế kỹ thuật số Trung Quốc.
Có đến 35,3%, hay theo một thống kê khác là 25%, doanh số bán lẻ Trung Quốc từ trực tuyến. Thâm nhập Internet di động ở đây rất cao và đang tăng lên.
Hệ thống thanh toán di động của Trung Quốc có thể gọi là tiên tiến nhất thế giới. Do hầu hết mọi người và doanh nghiệp được kết nối và hoạt động trực tuyến, nên dễ dàng tạo ra lượng lớn dữ liệu.
Khi ấy, nhờ trí tuệ nhân tạo, quy mô và hiệu quả mang lại từ hệ sinh thái kỹ thuật số được nâng lên.
Điều này sẽ trợ lực đáng kể vào khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là khi phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng làm hạn chế khả năng di chuyển.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến có nghĩa là người lao động trong nhiều công việc và ngành công nghiệp có thể tiếp tục làm việc tại nhà, ngay cả khi họ bị cách ly.
Tương tự, các nền tảng giáo dục trực tuyến tinh vi có thể bù đắp một số tác động của việc đóng cửa trường học.
Đối với các doanh nghiệp gặp phải thách thức về dòng tiền và vốn lưu động, tín dụng có thể được gia hạn và cung cấp từ xa. Điều này sẽ giảm thiểu thiệt hại lâu dài cho ngành dịch vụ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các sản phẩm bảo hiểm trực tuyến cũng có thể được mở rộng trong một số lĩnh vực. Đặt hàng vật tư y tế trực tuyến có thể tránh được tình trạng thiếu hụt do khủng hoảng, vì các thuật toán nhanh chóng phát hiện và ứng phó với tắc nghẽn.
Các nền tảng trực tuyến cũng có thể cung cấp một sự bảo vệ mạnh mẽ chống lại sự phân chia chi phí cơ hội, bảo vệ những người dễ bị tổn thương.
Amazon, ví dụ, đã cảnh báo người bán không được tính giá cắt cổ cho khẩu trang, nếu không muốn bị đóng cửa gian hàng trực tuyến.
Khi một phần, thậm chí lớn hơn của nền kinh tế được đưa lên trực tuyến, việc theo dõi hiệu suất của nó trở nên dễ dàng hơn, nhanh hơn và chính xác hơn.
Dữ liệu này có thể được sử dụng để điều chỉnh các phản ứng chính sách và cải thiện tính chính xác của dự báo, từ đó thúc đẩy niềm tin kinh doanh, khuyến khích đầu tư và đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Đối với phần còn lại của thế giới, du lịch đang phải đối mặt với một cú sốc lớn, ngay cả ở những quốc gia không bị ảnh hưởng nhiều.
Các công ty có sự hiện diện đáng kể của Trung Quốc - như trong lĩnh vực ôtô và hàng xa xỉ - cũng có khả năng bị ảnh hưởng. Nhưng họ có thể sẽ phục hồi cùng với nền kinh tế Trung Quốc.
Một số người dự đoán Covid-19 sẽ gây tổn hại cho uy tín của chính phủ Trung Quốc. Theo giáo sư Michael Spence, điều này cũng dường như không thể. Mặc dù có trì hoãn, song cuối cùng chính quyền Trung Quốc đã có hành động quyết đoán.
Họ có thể không hoàn hảo, nhưng trong một cuộc khủng hoảng như thế này, không có lựa chọn tuyệt vời nào, và không có gì đảm bảo rằng các biện pháp được lựa chọn sẽ có hiệu quả.
"Tuy nhiên, có những bài học cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Một điều hiển nhiên là thông tin khách quan, từ dưới lên là rất quan trọng để phát hiện và phản ứng sớm.
Có vẻ như, khi khủng hoảng chấm dứt, Trung Quốc sẽ thực hiện các bước để đảm bảo hệ thống của họ không chặn hoặc lọc luồng thông tin tương tự vậy trong tương lai", vị chuyên gia nhận định.
Một vấn đề khác, ngay cả khi Covid-19 được khống chế sớm thì cuộc khủng hoảng này cũng đã đẩy nhanh nỗ lực dịch chuyển các yếu tố then chốt của chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc.
Quá trình này thực tế đã diễn ra vài năm nay, do thay đổi lợi thế so sánh của Trung Quốc, từ sản xuất thâm dụng lao động giá rẻ sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã củng cố xu hướng này. Sau đó, Covid-19 là một yếu tố thúc đẩy thêm.
Nhưng quan trọng hơn từ trận dịch này là mọi người nhận ra chuỗi giá trị toàn cầu, với mạng lưới cung ứng nói chung là quá chặt chẽ và thiếu khả năng phục hồi, dù không rõ Covid-19 có thúc đẩy thay đổi được điều này không.
Nói cho cùng, đây cũng là một bài học tương tự như trận động đất và sóng thần Tōhoku năm 2011 tại Nhật Bản, đã gây ra cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhìn chung, rủi ro đại dịch sức khoẻ Covid-19 rất đáng kể và đáng sợ. Tuy nhiên, dường như nó khó có khả năng trở thành hiện thực bởi những phản ứng tích cực của Trung Quốc và thế giới.
Thay vào đó, hậu quả kinh tế có thể bùng phát lớn song chỉ là nhất thời. Còn những gì không thể vượt qua, thật không may, là mất mát về con người.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/