Thủ tướng chỉ thị triển khai ngay hai gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trước tác động của dịch COVID-19
Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kì chiều 3/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngày 4/3 sẽ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng về các giải pháp cấp bách thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phòng chống dịch COVID-19 và đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng tập hợp các ý kiến, trình Thủ tướng xem xét ban hành chỉ thị trong ngày 4/3.
Theo Thủ tướng, tinh thần chung là phải giao các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các địa chỉ cụ thể để triển khai thực hiện ngay. Đặc biệt là tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, trước hết cho du lịch, thương mại, dịch vụ, hàng không, xuất nhập khẩu - những ngành chịu tác động rất lớn.
"Một gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng lãi suất thấp. Một gói hỗ trợ từ tài khóa như hoãn, giãn về tài chính ít nhất gần 30.000 tỉ đồng. Chúng ta chưa gọi đây là gói kích thích kinh tế. Tinh thần là có hiệu lực ngay để hỗ trợ đến doanh nghiệp và người dân. Cấm tư tưởng xin, cho, không minh bạch", VOV tối 3/3 dẫn lời Thủ tướng phát biểu tại phiên họp.
Theo Chinhphu.vn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để ổn định vĩ mô. Đây là cơ sở then chốt để thực hiện các nhiệm vụ khác. Cùng với đó là chưa đặt ra việc nới lỏng chính sách tiền tệ hay đưa ra các gói kích thích kinh tế.
Tuy vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đưa ra các kịch bản, đối sách ứng phó với dịch COVID-19 và tình hình thế giới để không bị động, bất ngờ.
Đối với chính sách tiền tệ, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước ổn định lãi suất, tỉ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối, cung ứng tín dụng đầy đủ, kịp thời cho sản xuất kinh doanh.
Các ngân hàng thương mại cần chia sẻ với khó khăn của người dân và doanh nghiệp, giảm lãi suất để các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất.
Đối với chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cùng các bộ ngành rà soát khẩn trương đề xuất miễn, giảm, giãn, hoãn chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội, Nhất là quan tâm các ngành, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của Covid-19.
Đối với hoạt động đầu tư, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung thực hiện các công trình trọng điểm, nhất là giao thông vận tải, công thương; tập trung giải ngân các dự án dùng vốn ODA.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị hội nghị giải ngân vốn đầu tư công toàn quốc để đưa ra giải pháp thúc đẩy giải ngân. Đây là giải pháp rất có ý nghĩa để thúc đẩy tổng cầu, tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó là tạo điều kiện thúc đẩy dự án đầu tư tư nhân và dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
"Với khoảng 600.000 tỉ đồng vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay, đây sẽ là kênh quan trọng góp phần cho tăng trưởng", Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng cũng yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xã hội, năm ngoái chiếm 34% GDP, thì năm nay, con số này phải cao hơn.
Bên cạnh đó, trước thực tế giá thịt lợn khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát triển đàn lợn để nguồn cung dồi dào và giảm giá thịt lợn.
Thủ tướng cũng chỉ đạo không tăng giá điện và các dịch vụ công thời gian tới; kiểm soát xử lí tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, xử lí nghiêm găm hàng, nâng giá.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông có nhiệm vụ sớm trình phương án tổng thể nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản và giảm chi phí cho sản xuất nông nghiệp.
Ngoài các chính sách hỗ trợ phù hợp về thuế, tín dụng, Thủ tướng yêu cầu các ngành giao thông, văn hóa, thể thao và du lịch rà soát, có biện pháp cụ thể hỗ trợ, khuyến khích, giảm chi phí kể cả chi phí vận chuyển…
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát, đánh giá tình hình và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời do ảnh hưởng của dịch virus corona. Tạm dừng cấp giấy phép lao động mới cho lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch trong thời gian Việt Nam công bố dịch COVID-19.