Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới vượt ngưỡng 1 triệu
Khi mới phát hiện vào cuối năm 2019, các chuyên gia y tế đã nhận thấy một số điểm tương đồng giữa COVID-19 và hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (hay SARS) - dịch bệnh từng lây nhiễm cho khoảng 8.000 người mà chủ yếu là tại châu Á vào năm 2003.
Dễ lây lan và ít hoặc không có triệu chứng ở một số trường hợp, COVID-19 đã nhanh chóng làm lu mờ các đợt bùng phát gần đây về qui mô. Theo Bloomberg, hiện tại chỉ còn chưa đến 20 quốc gia/vùng lãnh thổ đang "miễn nhiễm" với đại dịch này.
Khi một số ca bệnh thể hiện rất ít dấu hiệu ra bên ngoài và nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ không thể hoặc không muốn tiến hành xét nghiệm hàng loạt, số ca nhiễm thực tế trên toàn cầu có thể cao hơn nhiều so với ngưỡng 1 triệu được công bố.
Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, Mỹ hiện là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 243.000 ca nhiễm, theo sau là Italy (hơn 115.000 ca) và Tây Ban Nha (hơn 112.000 ca). Italy đang là nước có tỉ lệ tử vong cao nhất với gần 14.000 ca, sau đó đến một quốc gia châu Âu khác là Tây Ban Nha.
Khi hoạt động du lịch trên khắp thế giới bị tê liệt và hàng triệu người bị phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, cuộc khủng hoảng y tế còn kéo theo vấn đề về kinh tế.
Bloomberg đưa tin tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm 2% trong nửa đầu năm 2020. Hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực bị đình trệ, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ được dự đoán có thể đạt 30% trong quí II.