|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hai siêu cường thế giới vật lộn trong cơn bão COVID-19

17:28 | 01/04/2020
Chia sẻ
Không quốc gia nào có thể tự mình vượt qua được đại dịch toàn cầu. Để chống chọi được với COVID-19, Trung Quốc và Mỹ phải chấp nhận sự khác biệt và hợp tác với nhau. Nếu không, vị thế của cả hai siêu cường này đều sẽ lung lay.
COVID-19: Bi kịch của hai siêu cường thế giới - Ảnh 1.

Hình minh họa: Financial Times

Lịch sử luôn đầy rẫy những thăng trầm trong thời khủng hoảng. Tự thân đại dịch COVID-19 có thể không đủ để thay đổi thế giới, nhưng nó có thể đẩy nhanh những biến đổi đang diễn ra.

Theo Financial Times, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc – một bên là cường quốc mới nổi, một bên là cường quốc số một thế giới - cũng đang có biến chuyển.

Để được công nhận là cường quốc, một quốc gia không chỉ cần có sức mạnh, mà còn phải được coi là nhà lãnh đạo tài ba và đúng đắn. Sau chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai và Chiến tranh lạnh, Mỹ đã trở trở thành một nhà lãnh đạo. 

Mặt khác, Trung Quốc, dù có sức mạnh kinh tế ngày càng gia tăng, lại chưa thể đạt được tầm cao đó. Nhưng thời thế có thể thay đổi. Đại dịch COVID-19 có thể đẩy nhanh quá trình đó. 

Ông Kishore Mahbubani, nhà cựu ngoại giao người Singapore đã viết một cuốn sách về cuộc đấu tranh giành ngôi vị đứng đầu giữa hai siêu cường với tiêu đề đầy khiêu khích "Phải chăng Trung Quốc đã thắng?"

Câu trả lời là không, theo những lập luận ông Mahbubani gợi ý trong quyển sách. Nhưng Trung Quốc có thể sẽ giành chiến thắng, không chỉ nhờ vào sức mạnh của bản thân, mà còn nhờ vào các sai lầm của người Mỹ, bao gồm những nhận thức lệch lạc về tình hình thực tế tại đối thủ Trung Quốc.

Có lẽ kết luận quan trọng nhất rút ra từ phân tích của ông Mahbubani là ảnh hưởng toàn cầu của một đất nước chủ yếu xuất phát từ lựa chọn của chính quốc gia đó.

Trung Quốc và Mỹ đều từng mắc những sai lầm lớn. Nhưng thất bại của Mỹ trong việc phân phối của cải rộng rãi cho người dân trong nước, và thái độ hiếu chiến với nước ngoài, đang tạo ra mối rạn nứt trong quyền lực của cường quốc số một thế giới.

COVID-19: Bi kịch của hai siêu cường thế giới - Ảnh 2.

Theo sau đó là sự xuất hiện của virus corona chủng mới, một sự kiện mà chưa ai từng mường tượng ra. Nó đã làm lộ rõ năng lực thực sự và phép tắc của các cường quốc. Đại dịch này cũng bộ lộ sự đoàn kết (hoặc chia rẽ) của các quốc gia khối EU, hiệu quả của các chính phủ, bản chất mong manh của thị trường tài chính và khả năng hợp tác toàn cầu.

Trong tất cả những lĩnh vực trên, hành động của Trung Quốc và Mỹ đều có vai trò quan trọng. Vậy thế giới đã chứng kiến điều gì?

Virus corona chủng mới được cho là có nguồn gốc từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Viện Y tế Quốc gia của Mỹ tuyên bố rằng virus này bắt nguồn từ loài dơi. 

Ban đầu, chính quyền địa phương Hồ Bắc đã cố gắng che giấu thông tin về những trường hợp mắc căn bệnh này, khiến cho chính phủ Trung Quốc bỏ lỡ ít nhất ba tuần để đề ra biện phát đối phó với bùng phát dịch bệnh. Sự chậm trễ này đã góp phần khiến virus lây lan ra nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, sau đó, Bắc Kinh đã áp dụng biện pháp phong tỏa cứng rắn chưa từng có tiền lệ để kiểm soát dịch bệnh và ngăn ngừa các trường hợp lây nhiễm mới. Nếu xét theo dân số, tỉ lệ tử vong vì COVID-19 tại Trung Quốc rất thấp.

Việc dập tắt tin xấu, cũng như các biện pháp đối phó dịch bệnh mạnh tay đều là đặc trưng của nhà nước Trung Quốc - một nhà nước hoạt động hiệu quả.

COVID-19: Bi kịch của hai siêu cường thế giới - Ảnh 3.

COVID-19: Bi kịch của hai siêu cường thế giới - Ảnh 4.

Theo Financial Times, các biện pháp chống dịch hiệu quả khiến kinh tế Trung Quốc phải trả giá đắt. Nhưng chính phủ nước này đã khuyến khích và cung cấp sự hỗ trợ để giúp chủ lao động và các doanh nghiệp không sa thải nhân viên trong giai đoạn khó khăn.

Tỉ lệ thất nghiệp chính thức ở thành thị chỉ tăng rất ít. Những nạn nhân đông đảo nhất, như thường lệ, là lao động nhập cư. Trung Quốc hiện có thể mở cửa nền kinh tế trở lại, mặc dù có nguy cơ xảy ra làn sóng COVID-19 thứ hai.

Nước Mỹ cũng đã có những hình thức chối bỏ nguy cơ từ COVID-19, được thể hiện rõ từ những phát biểu của chính Tổng thống Donald Trump. Không những thế, Mỹ cũng thất bại trong việc tăng cường năng lực xét nghiệm và thiếu hụt trầm trọng thiết bị y tế.

Đến sáng 1/4, Mỹ vẫn đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 187.340 ca nhiễm, trong đó có 3.680 ca tử vong. Số ca tử vong tại Mỹ đã chính thức vượt qua cả Trung Quốc, chỉ đứng sau Italy và Tây Ban Nha. 

Dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng với tốc độ chóng mặt trên khắp nước Mỹ. Nhưng tình hình còn có thể trở nên tệ hơn. Tình hình tại Italy và Tây Ban Nha là một ví dụ. Nhưng Mỹ còn có thêm một bất lợi khác, đó là hệ thống y tế yếu kém.

Nước Mỹ, cũng như nhiều quốc gia phát triển khác, đang phản ứng với COVID-19 bằng biện pháp "giãn cách xã hội" (social distancing), và bằng các gói kích thích kinh tế với tổng trị giá hơn 2.000 tỉ USD.

Giáo sư kinh tế Roman Frydman của Đại học New York đánh giá rằng số tiền khổng lồ này vẫn không đủ để hỗ trợ nền kinh tế số một thế giới, và cũng không được phân chia thỏa đáng: chỉ 1/20 giá trị của gói hỗ trợ được phân bổ cho các bệnh viện, và trong khi đó, chính quyền địa phương và các tiểu bang cũng đang trong tình trạng tài chính eo hẹp.

Ông Frank Vogli, một nhà vận động chống tham nhũng kì cựu nói rằng đều tệ hại nhất là khoản tiền 500 tỉ USD để hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn nhiều khả năng sẽ được kiểm soát bởi ông Trump.

Theo ông Vogli điều này chẳng khác gì việc các doanh nghiệp nhận được tiền có thể sử dụng chúng mà không phải chịu bất kì sự kiểm soát nào, trái ngược với ý muốn của Quốc hội Mỹ.

COVID-19: Bi kịch của hai siêu cường thế giới - Ảnh 5.

COVID-19: Bi kịch của hai siêu cường thế giới - Ảnh 6.

Các nguyên tắc cơ bản của nước Mỹ, bao gồm dân chủ và tự do cá nhân vẫn rất hấp dẫn trong mắt của nhiều người trên thế giới. Sức mạnh nền kinh tế tư nhân vẫn còn khả năng cứu được nước Mỹ.

Nhưng nước Mỹ ngày nay đang dần mất đi năng lực cạnh tranh cơ bản, vốn đã bị vùi dập nặng nề do những cuộc chiến tranh vô ích và cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.

Một số cơ quan trung ương, nổi bật nhất là Cục Dự trữ Liên bang (Fed), vẫn còn có tác động hiệu quả, nhưng không ai biết được tương lai sẽ thế nào. Giờ đây, người dân Mỹ có thể thấy rõ được rằng chính phủ Mỹ đã đi ngược lại cả khoa học và bộ máy của chính mình.

Không chỉ làm lộ rõ điểm yếu trong chính phủ các nước phương Tây, đại dịch COVID-19 còn là một thách thức về đạo đức trên toàn cầu. Nên dập dịch bằng mọi giá, hay cố gắng để cho nền kinh tế hoạt động nhiều nhất có thể?

Để chống lại đại dịch này, các nước cần phải ngăn chặn sự lây lan của virus, kiểm soát cú sốc tài chính, ổn định nền kinh tế, và giúp đỡ người trong hoàn cảnh khó khăn. Và nước Mỹ phải đóng vai trò lớn trong quá trình này.

COVID-19: Bi kịch của hai siêu cường thế giới - Ảnh 7.

COVID-19 đã nhắc nhở thế giới rằng không quốc gia nào có thể chống lại đại dịch một cách đơn độc. Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown chỉ ra: "Khi cuộc khủng hoảng này kết thúc, chắc chắn sẽ xảy ra những cuộc cải cách trong cấu trúc quốc tế và và một tầm cao mới của sự hợp tác toàn cầu".

Nếu điều này thực sự xảy ra, chắc chắn sẽ có một số chính phủ nổi lên để lãnh đạo trật tự thế giới mới. Trật tự toàn cầu chắc chắn sẽ được xây dựng dựa trên sự hợp tác giữa các quốc gia hùng mạnh.

Trung Quốc và Mỹ không thể hoạt động riêng biệt, mà còn phải hợp tác cùng nhau, hiểu được nhiều lợi ích chung, đồng thời chấp nhận sự khác biệt sâu sắc của nhau.

Giang