Gói giải cứu 2.000 tỉ USD: Khổng lồ, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ cho nền kinh tế Mỹ
Theo Bloomberg, gói kích thích kinh tế lớn nhất lịch sử Mỹ sẽ mang đến sự hỗ trợ cho những doanh nghiệp nhỏ và người dân Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề vì COVID-19. Nhưng nó không phải là thứ thuốc thần dược có thể chữa lành mọi vết thương của nền kinh tế và thị trường lao động.
Đêm 25/3 theo giờ Mỹ, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu trị giá 2.000 tỉ USD nhằm giúp nước Mỹ chống lại tác động của đại dịch COVID-19.
Dù qui mô gói cứu trợ này xấp xỉ 10% GDP Mỹ (Năm 2019, tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ là khoảng 21.400 tỉ USD), nhưng không phải người Mỹ nào cần tiền từ chính phủ cũng sẽ được nhận chúng.
Thời gian để dự luật này được áp dụng cũng là một vấn đề khẩn thiết khác. Dự luật mới chỉ được Thượng viện thông qua, mà còn phải vượt qua vòng bỏ phiếu ở Hạ viện và được Tổng thống Donald Trump đồng ý phê chuẩn.
Nếu được ban hành thành luật, đây sẽ là gói cứu trợ thứ ba mà Mỹ tung ra để ứng phó với dịch COVID-19. Nội dung của dự luật này đã được sửa đổi sau khi Đảng Dân chủ đề xuất một dự luật của riêng mình với qui mô lên đến 2.500 tỉ USD.
Thông tin rằng Nhà Trắng và các lãnh đạo quốc hội đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ kinh tế 2.000 tỉ USD rạng sáng 25/3 đã mang lại cú hích cho thị trường chứng khoán Mỹ. Đóng cửa phiên 25/3, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 2,4%, chỉ số S&P 500 tăng 1,1%; phiên 24/3, các chỉ số cũng đều tăng mạnh 9-11%. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 2, Dow Jones và S&P 500 tăng điểm hai phiên liên tiếp.
Chủ tịch chi nhánh St. Louis của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nói với CNBC rằng dự luật này "khá hợp lí cho thời điểm hiện tại". Nhưng ông cho rằng nó chỉ mang đến sự hỗ trợ tạm thời, con số 2000 tỉ USD chưa đủ để kích thích nền kinh tế Mỹ.
Ông Jason Furman, một chuyên gia kinh tế phục vụ cho chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama trong cuộc suy thoái năm 2008 dự đoán rằng Mỹ sẽ phải tiếp tục tung ra gói kích thích kinh tế khác trong thời gian tiếp theo.
Theo ông Furman, các nhà lãnh đạo cần phải khẩn trương xác định nội dung của gói kinh tế mới ngay bây giờ.
Ông nói: "Đây là lần đầu tiên tôi thấy Quốc hội hành động nhanh chóng đến vậy để đem tới gói cứu trợ với qui mô lớn đến 2.000 tỉ USD. Nhưng vấn đề thậm chí có thể còn lớn hơn và tiến triển nhanh hơn các cố gắng của họ".
Dưới đây đánh giá của các chuyên gia kinh tế về nội dung của dự luật:
Phát tiền trực tiếp
Người dân Mỹ thuộc diện thu nhập thấp và trung bình sẽ được phát tiền trực tiếp. Người trưởng thành có thu nhập hàng năm dưới 75.000 USD sẽ được nhận 1.200 USD. Mỗi cặp vợ chồng được nhận 2.400 USD và thêm 500 USD cho mỗi người con nhỏ.
Theo chuyên gia kinh tế Andrew Husby của Bloomberg Economics, khoản thanh toán một lần này sẽ là không đủ nếu tình hình phong tỏa kéo dài và nền kinh tế không nhanh chóng hồi phục.
Các nhà phân tích khác, bao gồm bà Claudia Sahm – nhà kinh tế từng làm việc cho Fed, nói rằng chính phủ sẽ cần phải tiếp tục gửi thêm tiền cho người dân trong nhiều tháng tiếp theo trong giai đoạn kinh tế suy giảm.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, mỗi công dân Mỹ cũng nhận được 800 USD từ chính phủ.
Theo ông Bill Hoagland thuộc tổ chức nghiên cứu Bipartisan Policy Center, khoản trợ cấp trực tiếp hiện tại sẽ không tạo ra được tác động tương tự như tấm séc 800 USD trong quá khứ. Lí do là vì "tất cả mọi người đều ở yên trong nhà, không ra ngoài để mua sắm và ăn uống".
Những người có thu nhập trên 75.000 USD/năm sẽ được hỗ trợ ít hơn mức 1.200 USD. Giới hạn này không cao hơn nhiều so với thu nhập hộ gia đình trung vị của Mỹ năm 2018 là 63.179 USD. Những người có thu nhập trên 99.000 USD thì hoàn toàn không được phát tiền
Các công ty Mỹ đang cắt giảm bớt lượng lao động trong lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ, sản xuất. Trước tình hình này, giới hạn thu nhập 75.000 USD/năm có thể sẽ loại bỏ nhiều người khỏi danh sách được nhận khoản tiền hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ dù họ thực sự gặp khó khăn.
Một câu hỏi quan trọng khác là liệu chính phủ Mỹ có thể phát tiền cho người dân nhanh chóng và kịp thời hay không. Trong những tuần vừa qua, hàng triệu người Mỹ đã mất việc. Họ cần số tiền hỗ trợ từ chính phủ để thanh toán tiền nhà và trả nợ thẻ tín dụng, nợ sinh viên và các chi phí sinh hoạt khác.
Theo ông Charles Schumer - Lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Thượng viện, Tổng thống Trump cho biết người dân sẽ được phát tiền vào ngày 6/4. Nhưng trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, người dân Mỹ đã phải chờ đến hai tháng để nhận được tiền.
Trợ cấp thất nghiệp
Theo dự luật về gói kích thích, ngoài khoản hỗ trợ thường được nhận từ chính quyền các bang, người lao động mất việc làm vì COVID-19 sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp thêm 600 USD/tuần trong vòng 4 tháng. Đối tượng thuộc diện được nhận trợ cấp đã được mở rộng so với trước.
Theo một khảo sát của Bloomberg, số lượng người thất nghiệp ở Mỹ sẽ tăng vọt, lên đến 1,5 triệu người tính đến cuối ngày 21/3. Trong tình huống xấu nhất, số lao động thất nghiệp có thể lên đến 4 triệu người.
Chuyên gia kinh tế Andrew Husby của Bloomberg Economics nói rằng khoản trợ cấp thất nghiệp chỉ bằng 50% hoặc thấp hơn tiền lương thông thường của một người, không đủ để bù đắp cho phần thu nhập mất đi.
Ngoài ra, nhiều trang web tiếp nhận đơn xin trợ cấp thất nghiệp của các tiểu bang đã báo cáo tình trạng bị quá tải do lưu lượng truy cập quá lớn. Vì vậy một số người có thể sẽ phải chờ đợi lâu hơn bình thường để nhận được tiền.
Doanh nghiệp
Các doanh nghiệp, tiểu bang và chính quyền địa phương sẽ được nhận 500 tỉ USD trợ cấp dưới dạng các khoản vay và bảo lãnh vay nợ. Theo Viện Nghiên cứu ADP, các công ty lớn (có từ 500 nhân viên trở lên) tuyển dụng khoảng một nửa lực lượng lao động khu vực tư nhân của Mỹ. Các tiểu bang dành phần lớn chi tiêu cho lĩnh vực y tế.
Cũng theo ADP, 1/4 tổng số việc làm trên thị trường lao động đến từ các công ty có ít hơn 50 nhân viên. 1/4 lực lượng lao động còn lại làm việc trong các công ty cỡ vừa.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi COVID-19, do các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ buộc phải đóng cửa theo lệnh phong tỏa. Mang đến cho họ trợ giúp là yếu tố chủ chốt để chống đỡ cho nền kinh tế.
Các giám đốc hàng đầu tại ngân hàng đầu tư Jefferies Financial Group đề nghị chính phủ đảm bảo cho các khoản vay của doanh nghiệp để họ có thể tiếp tục thuê và trả lương cho nhân viên trong suốt thời gian gián đoạn kinh doanh.
Gói kích thích 2.000 tỉ USD có bao gồm hạng mục cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ, với tổng qui mô lên đến 350 tỉ USD.
Nhà kinh tế Stephen Stanley của Amherst Securities đánh giá rằng dự luật này cung cấp sự bảo vệ tốt cho các doanh nghiệp nhỏ.
Ông viết trong một lưu ý gửi đến khách hàng hôm 24/3: "Sẽ có rất nhiều khó khăn trong việc sàng lọc các đơn xin cấp hỗ trợ. Việc nhanh chóng cung cấp tiền đóng vai trò quyết định đối với sự sống còn của những doanh nghiệp nhỏ, và do đó có ảnh hưởng then chốt đến việc làm của người lao động".