|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Không ưng kế hoạch của Tổng thống Trump, Đảng Dân chủ sắp công bố gói kích thích kinh tế khác, trị giá 2.500 tỉ USD

10:11 | 24/03/2020
Chia sẻ
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết Đảng Dân chủ sẽ công bố một gói kích thích kinh tế mới để đối phó với đại dịch COVID-19. Trước đó, Đảng Dân chủ đã ngăn cản gói giải cứu 1.600 tỉ USD do Đảng Cộng hòa đề xuất vì cho rằng quá ưu ái cho giới doanh nghiệp mà ít chú ý người lao động.
Đảng Dân chủ sắp công bố kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 2.500 tỉ USD - Ảnh 1.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Ảnh: Getty Images

Theo CNBC, Đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ sẽ đưa ra một kế hoạch bao trùm nhiều lĩnh vực để giảm thiểu thiệt hại kinh tế đến từ đại dịch COVID-19, giữa bối cảnh các cuộc đàm phán về gói giải cứu kinh tế 1.600 tỉ USD đang gặp bế tắc ở Thượng viện.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết vào ngày 23/3 Đảng Dân chủ sẽ công bố một dự luật mới "để chịu trách nhiệm cho sức khỏe, tiền lương và phúc lợi của người lao động Mỹ".

Dự kiến gói kích thích này sẽ có qui mô lên đến 2.500 tỉ USD. Nội dung gói cứu trợ bao gồm:

- Phát tiền trực tiền cho công dân Mỹ, tối đa 1.500 USD chỗ mỗi cá nhân  - tương đương 7.500 USD cho một gia đình có 5 người. Trước đó chính quyền Tổng thống Trump đề xuất phát trực tiếp 1.000 USD/người lớn và 500 USD/trẻ em.

- Miễn phí vắc xin và phí điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19, kể cả cho người không có bảo hiểm.

- Hỗ trợ thêm cho người nghỉ thai sản và chăm sóc người bệnh

- 500 tỉ USD dưới dạng trợ cấp và các khoản vay không lãi suất cho các doanh nghiệp nhỏ

- Tăng mức chi trả bao hiểm thất nghiệp, lên đến 600 USD/tuần cho mỗi cá nhân không thể đi làm do bị ảnh hưởng của COVID-19 và đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp

- 150 tỉ USD hỗ trợ cho bệnh viện, trung tâm y tế cộng đồng và các chương trình y tế của chính phủ

- 60 tỉ USD hỗ trợ cho các trường học và đại học, miễn giảm nợ sinh viên

- Củng cố Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP) và các chương trình trợ cấp thực phẩm khác của Mỹ

- 4 tỉ USD để hỗ trợ cho các cuộc bầu cử tại tiểu bang và tổ chức bỏ phiếu sớm trong 15 ngày, cho phép cử tri không đi bỏ phiếu do ngày càng có nhiều lo ngại về việc lây nhiễm COVID-19 tại các điểm bỏ phiếu đông đúc

Dự luật này đóng vai trò như một bản tuyên ngôn về các nguyên tắc của Đảng Dân chủ. Nội dung gói kích thích 2.500 tỉ USD làm nổi bật lên sự khác biệt giữa các mối ưu tiên hàng đầu của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa: một bên là người lao động, một bên là giới doanh nghiệp. 

Dù nhiều đề xuất trong dự luật Đảng Dân chủ cũng giống với kế hoạch của Đảng Cộng hòa, nhưng qui mô của các hạng mục trong hai gói cứu trợ có thể sẽ khác nhau.

Hôm 22/3, Đảng Dân chủ ở Thượng viện đã phản đối kế hoạch giải cứu kinh tế 1.600 tỉ USD do Đảng Cộng hòa đề xuất, cho rằng dự luật này quá ưu ái cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn nhưng không quan tâm nhiều tới những người làm công ăn lương.

Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện – nghị sĩ Đảng Dân chủ Chuck Schumer đang tiếp tục đàm phán dự luật với các quan chức chính phủ Tổng thống Trump, đồng thời nỗ lực để giải quyết các bất đồng về gói cứu trợ.

Hôm 23/3, ông Schumer cho biết các bên "đang rất gần" để tiến tới một thỏa thuận. Trong buổi chiều hôm đó, các thành viên Đảng Dân chủ tại Thượng viện đã tiếp tục ngăn cản việc thông qua dự luật về gói hỗ trợ của Đảng Cộng hòa.  

Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện – nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mitch McConnell kịch liệt chỉ trích, cáo buộc Đảng Dân chủ đang cố gắng giành ưu thế chính trị mà bỏ qua lợi ích của người lao động và nền kinh tế Mỹ.

Tính từ đầu tháng 3, Quốc hội Mỹ đã thông qua hai dự luật cứu trợ kinh tế để đối phó với tác động của COVID-19. 

Gói chi tiêu đầu tiên đã cung cấp 8,3 tỉ USD hỗ trợ các tiểu bang chống dịch và nghiên cứu vắc xin.

Gói cứu trợ thứ hai được Thượng viện thông qua hôm 18/3, cung cấp cứu trợ kinh tế cho người dân, bao gồm chính sách nghỉ ốm có lương, trợ cấp lương thực cho nhóm dân số dễ bị tổn thương và hỗ trợ tài chính cho việc xét nghiệm COVID-19.

Các nhà lập pháp có thể cần phải hành động nhiều hơn nữa trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng, hàng loạt trường học và doanh nghiệp trên cả nước phải đóng cửa, nhiều bệnh viện và tiểu bang đang yêu cầu chính phủ trợ giúp khẩn cấp về trang thiết bị.

Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins đến sáng 24/3, hiện tại Mỹ đã có hơn 35.000 người dương tính với COVID-19, và ít nhất 470 người chết vì căn bệnh này.

Giang