Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cứu trợ, dự kiến công bố gói kích thích lớn hơn để giảm tổn thất vì COVID-19
Sau khi Hạ viện Mỹ thông qua vào ngày 14/3, cuộc bỏ phiếu với tỉ lệ 90 phiếu thuận và 8 phiếu chống tại Thượng viện đã mang về cho Tổng thống Trump dự luật cứu trợ thứ hai, trong đó bao gồm chính sách nghỉ ốm có lương, trợ cấp lương thực cho nhóm dân số dễ bị tổn thương và hỗ trợ tài chính cho việc xét nghiệm COVID-19.
Trong khi Thượng viện bỏ phiếu cho dự luật, các nhà lãnh đảo Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã bắt đầu nghiên cứu đến đề xuất tiếp theo.
"Thượng viện sẽ họp cho đến khi chúng tôi hoàn thành giai đoạn thứ ba, tức dự luật tiếp theo, và gửi đến Hạ viện", lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell cho hay sau cuộc bỏ phiếu nêu trên.
Ông McConnell nói Đảng Cộng hòa dự kiến sẽ đồng thuận với kế hoạch của chính quyền Tổng thống Trump và sau đó sẽ thảo luận với Đảng Dân chủ.
"Tôi muốn các thượng nghị sĩ gắn kết với nhau", ông McConnell nói. Theo Bloomberg, nhà lãnh đạo này không thể dự đoán khi nào dự luật tiếp theo sẽ sẵn sàng cho cuộc bỏ phiếu.
Dù vậy, ông McConnell nhấn mạnh: "Chúng tôi đang gấp rút đẩy nhanh quá trình vì hình hình đòi hỏi như vậy".
bà Susan Collins, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đến từ bang Maine, hi vọng Thượng viện sẽ bỏ phiếu dự luật thứ ba vào cuối tuần này.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio cho hay ông McConnell đã yêu cầu các thượng nghị sĩ gửi đề xuất của họ cho ông vào buổi sáng ngày 19/3 (theo giờ Mỹ).
Cuộc sống thường nhật của người dân Mỹ hiện đang xáo trộn và thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc hôm 18/3 vì đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đó, Nhà Trắng đã đề xuất gói cứu trợ thứ ba trị giá 1,3 nghìn tỉ USD lên Quốc hội, trong đó có 500 tỉ USD tiền phát trực tiếp cho người dân, 50 tỉ USD khoản vay dành cho lĩnh vực hàng không, và 150 tỉ USD hỗ trợ các "lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng" khác của nền kinh tế Mỹ.
Nhanh chóng thông qua gói cứu trợ thứ ba sẽ là một thách thức lớn.
Ông McConnell đã ủy quyền ba nhóm Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa làm việc cùng với chính quyền ông Trump để soạn thảo dự luật, sau đó ông sẽ mang đến nhà lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer để đàm phán lưỡng đảng.
Sau đó hai ông cần đàm phán với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi trước khi tổ chức bỏ phiếu ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện. Bloomberg dẫn lời một Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ hôm 18/3 cho hay bà Pelosi và một chủ tịch chủ chốt của Hạ viện xem phát thảo ban đầu từ Nhà Trắng là không có hiệu quả.
Gói viện trợ đầu tiên do Quốc hội thông qua hồi đầu tháng này cung cấp 8,3 tỉ USD hỗ trợ các tiểu bang chống dịch và nghiên cứu vắc xin.
Gói viện trợ thứ hai, mới được Thượng viện thông qua hôm 18/3, sẽ cung cấp cứu trợ kinh tế cho người dân. Đây là kết quả của nhiều cuộc đàm phán căng thẳng giữa bà Pelosi và Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin. Ông Trump đã đóng dấu phê chuẩn gói viện trợ này trong một dòng tweet cuối ngày 13/3.
Khác với phản ứng đối với Đại suy thoái 2008 - 2009, một số nhà lập pháp đang bày tỏ thái độ lo ngại khi mức thâm hụt ngân sách hàng năm đang tăng lên. Hiện tại, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã vượt ngưỡng 1.000 tỉ USD.
Ngay cả các quan chức bảo thủ thường chỉ đồng ý ngoài mặt về ngân sách chính phủ cũng lưu ý rằng hàng triệu người đang có nguy cơ mất việc và lãi suất quĩ liên bang đang dao động gần mức 0.
Theo cập nhật từ Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 6h (giờ Việt Nam) ngày 19/3, ngoài Trung Quốc đã có đến 166 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca nhiễm COVID-19. Số trường hợp xác nhận nhiễm bệnh trên toàn thế giới hiện là 199.427 và số ca tử vong là 7.997.
Riêng Mỹ đã xác nhận 6.254 ca nhiễm COVID-19 và 116 ca tử vong trên toàn quốc.