Dow Jones thủng ngưỡng 20.000 điểm, chứng khoán Mỹ thêm một phiên phải ngắt cầu dao vì giảm sâu
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones kết phiên sụt 1.338 điểm, tương đương 6,3%, và đóng cửa ở 19.899 điểm. Đây là phiên đầu tiên chỉ số gồm 30 bluechip này đóng cửa dưới ngưỡng 20.000 kể từ tháng 2/2017, tức hơn ba năm trước. Ở đáy của phiên, Dow Jones giảm tới trên 2.300 điểm.
Chỉ số S&P 500 sụt 5,2% xuống còn 2.398 điểm và hiện thấp hơn gần 30% so với đỉnh lịch sử thiết lập vừa tháng trước. Chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 4,7% xuống còn 6.990 điểm.
Hầu như không có thị trường nào tránh được cảnh bán tháo hoảng loạn, ngay cả dầu thô ngày 18/3 cũng ghi nhận phiên giảm giá mạnh thứ ba trong lịch sử.
Các chỉ số chứng khoán hồi phục từ đáy của ngày trong những phút cuối của phiên giao dịch sau khi Thượng viện Mỹ thông qua một dự luật hỗ trợ kinh tế cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Dự luật này bao gồm các điều khoản về tăng thời gian nghỉ có lương và tăng phúc lợi thất nghiệp. Tuần trước Hạ viện đã thông qua dự luật. Thượng viện ngày 18/3 biểu quyết với tỉ lệ 90 phiếu thuận và 8 phiếu chống. Hai thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa của bang Colorado và Florida không thể bỏ phiếu vì đang tự cách li sau khi tiếp xúc với người dương tính COVID-19.
Sau khi vượt qua Hạ viện và Thượng viện, dự luật này đã được chuyển tới cho Tổng thống Trump để ông kí và ban hành chính thức.
Chính quyền Tổng thống Trump hiện cũng đang đề xuất một gói kích thích kinh tế khác với tổng qui mô lên tới trên 1.000 tỉ USD bao gồm nhiều biện pháp như phát tiền trực tiếp cho dân, cắt giảm thuế, ...
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã phát biểu trước các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa rằng nếu quốc hội không thông qua gói hỗ trợ nghìn tỉ USD mà ông đề xuất, tỉ lệ thất nghiệp của nền kinh tế Mỹ có thể sẽ lên tới 20%.
Lo ngại về những thiệt hại kinh tế ngày càng lớn và nghi ngờ về khả năng kiểm soát dịch bệnh của chính phủ, nhà đầu cơ tỉ phú Bill Ackman đã lên tiếng hối thúc chính quyền Tổng thống Trump ngay lập tức phong tỏa đất nước và đóng cửa biên giới trong vòng 30 ngày.
Ông Ackman nói thêm: "Chỉ cần Tổng thống yêu cầu mọi người ở trong nhà, đồng thời đóng cửa biên giới, tỉ lệ lây nhiễm sẽ cắm đầu giảm, thị trường chứng khoán sẽ thăng hoa và mây mù sẽ tan biến".
Sau đó khi trả lời phỏng vấn CNBC, ông Ackman – nhà sáng lập quĩ đầu cơ Pershing Square Capital Management nói thêm: "Chúng ta phải đóng cửa quốc gia ngay lập tức, đó là giải pháp duy nhất. Nếu không, nước Mỹ sẽ diệt vong. Tôi không muốn nói như vậy, nhưng chúng ta phải hành động ngay".
"Địa ngục đang đến gần. Hệ thống kinh tế tư bản không thể sống sót qua một đợt đóng cửa dài 18 tháng nhưng có thể tồn tại qua đợt đóng cửa 30 ngày".
Giữa phiên giao dịch 18/3, chỉ số S&P 500 giảm sâu quá ngưỡng 7% dẫn tới tình trạng "ngắt mạch toàn thị trường", ngừng giao dịch trong vòng 15 phút. Trong các phiên ngày 9, 12 và 16/3, thị trường chứng khoán Mỹ đã phải tạm dừng giao dịch vì lí do tương tự.
Theo qui định, nếu chỉ số S&P 500 giảm quá 7% so với mức đóng cửa phiên trước thì toàn thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tạm ngừng giao dịch trong vòng 15 phút.
Sau khi giao dịch trở lại, nếu chỉ số nới rộng mức giảm lên 13% thị trường sẽ phải tạm ngừng giao dịch 15 phút lần hai trong phiên. Nếu sau khi giao dịch trở lại chỉ số lại nâng mức giảm lên 20%, thị trường sẽ đóng cửa cho tới phiên hôm sau. Trong các phiên gần đây, thị trường chỉ phải "ngắt cầu dao" nhiều nhất một lần mỗi phiên.
Giữa những tin tức về sự hoành hành của đại dịch COVID-19 trên thế giới cũng như ở Mỹ, thị trường chứng khoán Mỹ đang phải trải qua giai đoạn biến động mạnh chưa từng thấy. Liên tiếp trong 8 phiên gần đây, chỉ số S&P 500 đều tăng hoặc giảm trên 4% so với phiên trước, phá vỡ kỉ lục chuỗi 6 phiên thiết lập vào tháng 11/1929 trong cuộc Đại Khủng hoảng.
"Tình trạng biến động vẫn chưa kết thúc đâu. Chúng ta cần nhìn thấy những tiến bộ về mặt y tế và trên hết là chúng ta cần trông thấy tốc độ tăng của số ca bệnh đạt đỉnh trong những tuần tới", ông Tom Essaye, nhà sáng lập của công ty tư vấn The Sevens Report nhận định.
Trước đó, ông Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty chứng khoán National Securities cũng cho biết: "Chúng ta biết rằng sẽ có chính sách tiền tệ, sẽ có chính sách tài khóa và đang được nghe ngày càng nhiều về những gói kích thích này. Đó là hai chân của cái ghế rồi. Phản ứng của chính quyền liên bang về y tế, đó là cái chân ghế còn lại. Tôi vẫn cho rằng thông tin về chính sách y tế cần phải đầy đủ và tích cực hơn".