Dow Jones futures giảm kịch sàn, nguy cơ chứng khoán Mỹ quay đầu lao dốc sau phiên hồi phục
Tính đến khoảng 1h sáng 18/3 (theo giờ phía đông nước Mỹ, tức khoảng giữa trưa 17/3 giờ Việt Nam) hợp đồng tương lai chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (Dow futures) giảm 833 điểm, hàm ý dự báo chỉ số Dow Jones cơ sở sẽ mất khoảng 1.100 điểm tức giảm hơn 5% so với đóng cửa phiên trước. Hợp đồng tương lai các chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 cũng giảm mạnh.
Khi các hợp đồng tương lai tăng hoặc giảm sâu dẫn tới dự báo các chỉ số cơ sở biến động quá 5% so với đóng cửa phiên trước, hoạt động giao dịch hợp đồng tương lai sẽ bị dừng tại tất cả các sàn. Mục đích của qui định này là để đảm bảo thị trường cơ sở mở cửa một cách trật tự, không bị cảm xúc chi phối quá nhiều.
Các phiên giao dịch hợp đồng tương lai trên thị trường Mỹ thời gian gần đây biến động rất lớn, tình trạng tăng kịch trần và giảm kịch sàn dẫn tới tạm ngừng giao dịch diễn ra thường xuyên. Một số nhà đầu tư cho rằng việc sử dụng các chương trình giao dịch tự động trên máy tính đã phóng đại biến động của thị trường trong giai đoạn liên tiếp xuất hiện tin tức về đại dịch COVID-19.
Hôm thứ Hai tuần này (16/3), chỉ số biến động CBOE (VIX) – thước đo sự sợ hãi của nhà đầu tư Wall Street - tăng lên mức cao chưa từng thấy là 82,69 điểm, vượt qua cả đỉnh 80,74 điểm hồi khủng hoảng tài chính 2008. Chỉ số S&P 500 liên tục biến động tăng/giảm hơn 4% trong 7 phiên giao dịch liên tiếp gần đây, phá vỡ kỉ lục chuỗi 6 phiên hồi tháng 11/1929.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones kết phiên 16/3 bay 2.997 điểm, tương đương 12,93%. Đây là phiên giảm điểm mạnh nhất và giảm tỉ lệ % mạnh thứ ba trong lịch sử Dow Jones, chỉ sau "Ngày thứ Hai đen tối" 19/10/1987 và một phiên trong thời khủng hoảng 1929.
Phiên 17/3, thị trường hồi phục mạnh mẽ, Dow Jones tăng hơn 1.000 điểm khi nhà đầu tư được tin chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét gói giải cứu kinh tế qui mô trên 1.000 tỉ USD để ứng phó với thiệt hại từ đại dịch COVID-19.
Gói kích thích kinh tế này dự kiến bao gồm 500-550 tỉ USD hỗ trợ trực tiếp cho người dân và giảm thuế; 200-300 tỉ USD để giúp đỡ doanh nghiệp nhỏ; 50-100 tỉ USD hỗ trợ ngành hàng không.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết thêm rằng các doanh nghiệp sẽ có thể hoãn nộp thuế tối đa 10 triệu USD và các cá nhân có thể chậm nộp thuế nhiều nhất 1 triệu USD.
Nguồn tin của CNBC cho biết ông Mnuchin đã nói với các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa rằng nếu quốc hội không thông qua gói hỗ trợ nghìn tỉ USD mà ông đề xuất, tỉ lệ thất nghiệp của nền kinh tế Mỹ có thể sẽ lên tới 20%. Hiện nay tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ đang là khoảng 3,5%, mức thấp nhất trong gần 50 năm qua.