|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dow Jones futures tăng kịch trần sau khi ông Trump đăng tweet ủng hộ doanh nghiệp, dự báo chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh sau phiên lao dốc

10:50 | 17/03/2020
Chia sẻ
Thị trường hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ đêm 16/3 (giờ Mỹ) tăng hết biên độ 5%, báo hiệu thị trường cơ sở sẽ hồi phục mạnh mẽ sau phiên đầu tuần giảm sâu nhất kể từ năm 1987 giữa những lo ngại về đại dịch COVID-19.
Dow Jone futures tăng kịch trần sau khi ông Trump đăng tweet ủng hộ doanh nghiệp, dự báo chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh sau phiên lao dốc - Ảnh 1.

Nhà đầu tư tại Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Ảnh: AFP.

Theo CNBC, các hợp đồng tương lai (futures) chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq 100 đều tăng kịch trần 5% và phải tạm ngừng giao dịch. Dow Jones futures tăng hơn 800 điểm.

Thị trường phái sinh Mỹ tăng sốc sau khi Tổng thống Donald Trump đăng tweet: "Mỹ sẽ ủng hộ mạnh mẽ nhiều ngành công nghiệp, bao gồm hàng không và nhiều ngành khác nữa, bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết".

Tại Mỹ, các hợp đồng tương lai cổ phiếu sẽ dừng giao dịch nếu như biến động quá ngưỡng trần hoặc sàn qui định. Các mức trần – sàn này được đặt ra để đảm bảo rằng thị trường cơ sở khi mở cửa sẽ tuân theo trật tự và không bị cảm xúc chi phối quá nhiều.

Dow Jone futures tăng kịch trần sau khi ông Trump đăng tweet ủng hộ doanh nghiệp, dự báo chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh sau phiên lao dốc - Ảnh 2.

Dòng tweet cam kết ủng hộ các ngành công nghiệp của ông Trump hôm 16/3 (theo giờ Mỹ). Ông sử dụng từ Chinese Virus (virus của Trung Quốc) để nói về đại dịch COVID-19, hàm ý cáo buộc dịch này là do Trung Quốc tạo ra.

Tuy nhiên khi thị trường phái sinh bị giới hạn ở mức trần hoặc sàn và phải ngừng giao dịch, các nhà đầu tư sẽ không biết cụ thể các chỉ số sẽ tăng hoặc giảm bao nhiêu điểm khi thị trường cơ sở mở cửa.

Thị trường phái sinh đêm 15/3 (giờ Mỹ) cũng đã phải ngừng giao dịch nhưng vì lí do trái ngược với đêm 16/3, không phải vì tăng kịch trần mà là giảm kịch sàn 5%. Thực tế khi thị trường cơ sở phiên 16/3 mở cửa, các chỉ số đồng loạt giảm 8-9% dẫn tới tình trạng ngắt mạch toàn thị trường trong 15 phút.

Kết phiên 16/3, Dow Jones và S&P 500 sụt lần lượt 12,9% và 12%, đánh dấu phiên giảm sâu nhất kể từ "Ngày thứ Hai đen tối" 19/10/1987. Đây cũng là phiên giảm mạnh thứ ba của Dow Jones trong lịch sử hơn 100 năm của chỉ số này. Nasdaq Composite mất 12,3%, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất lịch sử.

Chỉ số biến động CBOE – thước đo sự sợ hãi của nhà đầu tư trên phố Wall – leo lên mức cao chưa từng thấy là 82,69 điểm, vượt qua cả đỉnh 80,74 điểm hồi khủng hoảng tài chính 2008.

Thị trường chứng khoán Mỹ 16/3 giảm sâu sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thông báo hạ lãi suất quĩ liên bang từ 1-1,25% xuống còn 0-0,25%, mức thấp nhất kể từ năm 2015, để ứng phó với tác động kinh tế tiêu cực của đại dịch COVID-19. 

Fed cũng giảm lãi suất cho vay chiết khấu khẩn cấp từ 1,5% còn 0,25% và công bố chương trình nới lỏng định lượng (QE) với qui mô khổng lồ 700 tỉ USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Fed công bố hàng loạt chính sách nới lỏng mạnh tay như vậy trong cùng một ngày.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một cuộc họp báo chiều 16/3 cũng cảnh báo dịch COVID-19 có thể sẽ còn kéo dài cho tới tháng 7 hoặc tháng 8, khác hẳn nhận định "dịch sẽ kết thúc vào tháng 4 khi nhiệt độ lên cao" mà ông đưa ra đầu tháng 3 này. Các chỉ số cơ sở gia tăng mức giảm sau nhận định này của ông Trump, Dow Jones có lúc sụt hơn 3.000 điểm.

Song Ngọc