|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

1.000 tỉ USD cũng khó giúp kinh tế Mỹ thoát khỏi tai ương từ COVID-19

18:00 | 18/03/2020
Chia sẻ
Các chuyên gia kinh tế nhận định gói kích thích kinh tế chính quyền Tổng thống Trump đề xuất sẽ giúp ích cho nền kinh tế nhưng không đủ để nước này thoát khỏi cuộc suy thoái tài chính sắp diễn ra do tác động từ đại dịch COVID-19.
Gói kích thích 1.000 tỉ USD cũng không thể giúp kinh tế Mỹ thoát khỏi cú đánh từ COVID-19 - Ảnh 1.

Một quán rượu đóng cửa sớm ở Brooklyn, New York sau khi có qui định yêu cầu tất cả các quán rượu và nhà hàng tại New York phải đóng cửa lúc 8 giờ tối. Ảnh: Getty Images

"Hỏa lực kép" từ gói kích thích kinh tế trị giá 1.000 tỉ USD và chính sách nới lỏng chưa từng có của Cục dự trữ liên bang (Fed) có thể giúp Mỹ giảm bớt hậu quả của cuộc suy thoái sắp diễn ra và tránh rơi vào khủng hoảng.

Gói hỗ trợ 850-1.000 tỉ USD Nhà Trắng đang xem xét sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ, và những ngành công nghiệp chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19.

Nhưng ngay cả thông tin về gói kích thích trên cũng không thể khiến các nhà phân tích thay đổi những dự báo tiêu cực về triển vọng tương lai của kinh tế Mỹ.

Trước mắt, các doanh nghiệp trên khắp đất Mỹ đều đang phải chật vật để có được tiền vay giữa bối cảnh thị trường tín dụng gặp áp lực lớn. Đồng thời, hàng loạt hoạt động kinh tế đã bị ngừng do các biện pháp đối phó với đại dịch, gây ra làn sóng chấn động lan tỏa trên toàn bộ nền kinh tế.

Theo CNBC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết một phần tiền từ gói cứu trợ có thể sẽ được phát thẳng cho người dân.

Nguồn tin từ quan chức chính phủ Mỹ nói với CNBC rằng gói kích thích 1.000 tỉ USD có thể được chia thành các khoản sau: 500 - 550 tỉ USD phát trực tiếp cho người dân hoặc thông qua giảm thuế; 200 - 300 tỉ USD cứu trợ doanh nghiệp nhỏ; và 50 - 100 tỉ USD giúp đỡ ngành hàng không.

Trước thực trạng một bộ phận lớn của nền kinh tế Mỹ phải cắt giảm hoặc ngừng hoạt động do biện pháp hạn chế tụ tập đông người nhằm đối phó với COVID-19, ngày càng có nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán nước này sẽ rơi vào một cuộc suy thoái ngắn, thay vì trải qua một thời kì tăng trưởng âm hoặc bằng không. Nhiều người kì vọng kinh tế Mỹ sẽ hồi phục trong quí IV/2020.

Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics nhận định: "Tôi nghĩ rằng trong bất kì tình huống nào, kể cả khi chính phủ Mỹ cung cấp một gói hỗ trợ kinh tế hợp lí, nền kinh tế cũng sẽ phải chịu cú đánh mạnh từ COVID-19".

"Rất khó để đánh giá tác động chính xác của dịch bệnh, nhưng tôi đoán sản lượng kinh tế sẽ giảm 2% - 3% trong quí I và quí II năm nay – đấy là trong trường hợp chính phủ tung ra gói kích thích tài khóa lớn. Nhưng chúng ta sẽ không thể biết được số liệu chính xác cho đến ít nhất một năm nữa".

Ông Zandi dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ xuống bằng 0 trong quí III, trước khi tăng đến 1,5% trong quí IV.

New York và nhiều tiểu bang khác đã ra lệnh đóng cửa mọi nhà hàng và quán bar. San Francisco yêu cầu người dân thành phố ở yên trong nhà trừ khi phải ra ngoài do có việc thiết yếu. New York đang cân nhắc áp dụng biện pháp này.

Ông Shawn Snyder, người đứng đầu bộ phận chiến lược đầu tư tại Citi Private Wealth nói: "Những biện pháp này có ích trong việc ngăn chặn virus, nhưng gây hại cho hoạt động kinh tế".

Trước tình hình hiện tại, Quốc hội Mỹ sẽ phải thông qua gói kích thích kinh tế Nhà Trắng đề xuất. Fed đã cắt giảm lãi suất xuống 0% và thực hiện chương trình nới lỏng định lượng với tổng trị giá 700 tỉ USD.

Sáng 17/3, Fed tuyên bố thành lập một chương trình mới để hỗ trợ thị trường thương phiếu, vốn đang trong tình trạng đình trệ trước những lo ngại về tác động của COVID-19 tới khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

Cũng trong ngày 17/3, Fed công bố thêm một chương trình khác nhằm hỗ trợ cho các ngân hàng và tổ chức tài chính thuộc nhóm được phép giao dịch trực tiếp với ngân hàng trung ương.

Mục đích của chương trình này là hỗ trợ dòng chảy tín dụng thông thoáng đến với các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Chuyên gia đầu tư Snyder tại Citi Private Wealth nói: "Chúng ta đều biết rằng mọi chính sách tiền tệ đều có độ trễ. Chúng không thể giải quyết vấn đề ngay lập tức, nhưng sẽ làm chậm hoặc ngăn cản được đà lao dốc của tình hình tài chính hiện nay… Chính sách tài khóa có thể phản ứng nhanh hơn. Nhưng vẫn còn rất nhiều câu hỏi cần lời giải đáp".

"Câu hỏi tôi muốn đặt ra là liệu nền kinh tế có rơi vào suy thoái trong quí II hay không? Tình hình trong quí III thì sao? Liệu nước Mỹ có thể ngăn chặn đại dịch COVID-19 kịp thời để tăng trưởng kinh tế chỉ giảm trong một khoảng thời gian ngắn không?"

Bà Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại công ty kiểm toán Grant Thornton ước tính giá trị gói kích thích kinh tế sẽ rơi vào khoảng 700 tỉ USD. Nhưng dù được hỗ trợ bởi số tiền khổng lồ này, GDP Mỹ vẫn sẽ giảm khoảng 6% trong quí II/2020, theo sau mức tăng 0,5% trong quí I.

Bà Swonk dự đoán tăng trưởng GDP quí III giảm 2,7% và hồi phục với mức tăng 2,9% trong quí IV.

Bà Swonk nhận định: "Thành thật mà nói, gói kích thích tài khóa chủ yếu sẽ giúp bảo vệ dòng doanh thu trong tương lai, và ngăn không để nền kinh tế rơi vào tình trạng quá tồi tệ".

"Gói kích thích không thể cản lại cuộc suy thoái sắp tới, nhưng giúp hạn chế mất mát và ngăn chặn vòng xoáy tai hại của tình trạng sa thải nhân công và cạn kiệt tiền mặt."

"Gói kích thích cũng giúp cho người tiêu dùng có đủ khả năng chi trả cho nhu yếu phẩm để họ không phá sản trước khi được quay lại làm việc. COVID-19 là khủng hoảng y tế, chúng ta không nên để nó biến thành khủng hoảng tài chính".

Bà Swonk dự đoán sẽ có 4,8 triệu người mất việc làm, khiến tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 6,3% từ mức 3,5% trong tháng 2.

Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics nhận xét rằng gói kích thích 1.000 tỉ USD được đề xuất chắc chắn sẽ giúp ích cho nền kinh tế, nhưng Nhà Trắng cần có thêm những hành động khác nếu muốn tránh một cuộc khủng hoảng tài chính. 

Ông Zandi cho biết: "Gói kích thích kinh tế giúp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ có tiền mặt trong tay. Nó giúp nền kinh tế tránh được sụp đổ, ít nhất là trong một khoảng thời gian nào đó".

"Để đối phó được với khủng hoảng tài chính, Bộ Tài chính cần phải đưa ra nhiều giải pháp hơn nữa và tạo điều kiện để mang đến nguồn tài trợ cho mọi doanh nghiệp. Đó là cách duy nhất để giải quyết tình trạng thiếu hụt thanh khoảng có thể xảy ra".

Giang