Giải cứu kinh tế thời bệnh dịch: Nên giảm thuế, hạ lãi suất, hay phát thẳng tiền cho dân?
Theo khảo sát của Bloomberg, các chuyên gia dự báo GDP Trung Quốc năm 2020 sẽ chỉ tăng trưởng 5,5%, dưới cả mức thấp kỉ lục 6,1% trong năm 2019. Riêng trong quí I, hoạt động kinh tế đình trệ nghiêm trọng do nhiều địa phương bị phong tỏa nhằm kiểm soát dịch COVID-19, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không có tăng trưởng.
Nhiều nền kinh tế khác cũng đứng trước nguy cơ giảm tốc, chẳng hạn như tăng trưởng GDP của Thái Lan được dự báo giảm từ 2,4% năm 2019 xuống còn 2,1% trong năm nay; Việt Nam nguy cơ giảm từ 7% năm ngoái xuống 6,6% năm nay, …
Một nghiên cứu của hãng phân tích thị trường Dun & Bradstreet dự báo khoảng 5 triệu doanh nghiệp trên khắp thế giới sẽ bị thiệt hại bởi dịch COVID-19. Các nhà kinh tế của Bloomberg thì ước tính trong kịch bản xấu nhất, dịch bệnh có thể đẩy Mỹ, khu vực đồng euro và Nhật Bản rơi vào suy thoái, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống thấp kỉ lục và nền kinh tế toàn cầu sẽ mất khoảng khoảng 2.700 tỉ USD sản lượng – tương đương với GDP một năm của cả nước Anh.
Riêng trong ngành hàng không, ba tuần trước, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo các hãng bay sẽ mất khoảng 30 tỉ USD doanh thu trong năm 2020 vì dịch bệnh. Hôm 5/3 vừa qua, IATA nâng dự báo thiệt hại lên thành 113 tỉ USD, giảm 19% so với năm 2019, do dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng. Đây là mức tổn thất cao nhất ngành hàng không kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Chính phủ các nước vào cuộc giải cứu
Từ trước khi ghi nhận ca dương tính đầu tiên với COVID-19, Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã cảnh báo về tác động của dịch bệnh tới tăng trưởng, ngoài nguy cơ nguồn thu từ du lịch giảm sút, Indonesia còn có thể thiệt hại vì không xuất khẩu được than và dầu cọ cho khách hàng lớn Trung Quốc.
Hôm 20/2, Indonesia đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này từ khoảng 5,1 - 5,5% xuống còn 5 - 5,4%. Cùng ngày, NHTW Indonesia hạ lãi suất chính sách sau khi giữ quyên trong ba lần xem xét trước đó. Thống đốc Perry Warjiyo cam kết sẽ giữ chính sách tiền tệ "mang tính hỗ trợ".
Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati thì tuyên bố chính phủ Indonesia vẫn còn dư địa tài khóa để hành động mà không vượt quá trần thâm hụt ngân sách 3% GDP. Bà cho biết chính phủ nước này sẽ tăng các khoản chi trả cho người nghèo và đang xem xét cắt giảm thuế cho doanh nghiệp nếu tình hình dịch bệnh "trở nên nghiêm trọng".
Thái Lan phụ thuộc lớn vào ngành du lịch, nhất là du khách từ Trung Quốc và do vậy cũng là một trong những quốc gia chịu thiệt hại nặng nhất từ các lệnh cấm nhập cảnh để kiểm soát dịch.
Bộ Du lịch Thái Lan ước tính doanh thu từ du khách Trung Quốc trong tháng 1/2020 giảm khoảng 10% so với cùng kì năm trước. Đồng Baht năm ngoái là đồng tiền mạnh nhất khu vực thì bước sang năm 2020 đã liên tục sụt giảm giá trị.
Cơ quan quản lí Thái Lan tuyên bố sẵn sàng để đồng tiền suy yếu thêm nữa để hỗ trợ nền kinh tế. Ngày 5/2, ngân hàng trung ương Thái Lan hạ lãi suất xuống mức thấp kỉ lục và cho biết vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách hơn nữa. Quốc hội Thái Lan đã thông qua dự luật ngân sách, dự kiến 400 tỉ Baht (12,6 tỉ USD) sẽ được đầu tư vào nền kinh tế.
Singapore được thế giới khen ngợi về thành tích kiểm soát dịch COVID-19 nhưng cũng phải hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 từ 1,5% xuống còn 0,5% - mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Năm ngoái khi chiến tranh thương mại leo thang ác liệt, Singapore tăng trưởng 0,7%.
Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) sử dụng tỷ giá làm công cụ chính sách chính. Ngày 5/2 năm nay, MAS cho biết đồng đô la Singapore (SGD) vẫn còn dư địa để phá giá, làm dấy lên suy đoán về việc cơ quan này sẽ nới lỏng tiền tệ. Quyết định chính sách tiếp theo của MAS dự kiến được đưa ra vào tháng 4.
Dự toán ngân sách công bố hồi tháng 2 cho thấy Singapore ước tính thâm hụt ngân sách năm nay sẽ là mức cao nhất kể từ khủng hoảng tiền tệ châu Á 1997. Bản ngân sách này bao gồm 573 triệu USD để khống chế dịch bệnh và 5,6 tỉ USD để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tránh suy thoái kinh tế.
Tại Malaysia, tăng trưởng kinh tế năm 2019 đã rơi xuống mức thấp nhất trong một thập kỉ. Để chủ động ứng phó với tác động của dịch COVID-19, ngân hàng trung ương Malaysia đã hạ lãi suất vào ngày 22/1, từ trước khi nước này ghi nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên.
Ngày 3/3 vừa qua, NHTW này tiếp tục hạ lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản.
Tại Philippines, chính phủ ước tính riêng ngành du lịch có thể thiệt hại khoảng 445 triệu USD mỗi tháng vì dịch bệnh. Các lệnh hạn chế di chuyển còn ảnh hưởng tới người Philippines làm việc ở nước ngoài, lượng kiều hối chảy về nước tương đương khoảng 9% GDP do vậy mà có nguy cơ sụt giảm.
Ngân hàng trung ương Philippines đã sớm hạ lãi suất điều hành vào ngày 6/2 và tuyên bố "còn rất nhiều dư địa" để hạ lãi suất thêm.
Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hôm 3/3 đã họp phiên bất thường và quyết định hạ lãi suất khẩn cấp 50 điểm cơ bản để giúp nền kinh tế ứng phó với tác động kinh tế của dịch COVID-19.
Hôm 9 và 10/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố công khai rằng chính quyền của ông đang xem xét một gói kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế. Biện pháp cụ thể có thể là hạ thuế bảng lương (payroll tax) về 0% trong những tháng còn lại của năm 2020.
Ông Trump còn đang xem xét hỗ trợ các hãng hàng không, du thuyền - những công ty bị thiệt hại nặng nề nhất do vắng bóng du khách trong mùa dịch bệnh.
Tại Anh, ngân hàng trung ương nước này hôm 11/3 hạ lãi suất điều hành từ 0,75% xuống còn 0,25%.
Tại Việt Nam, chính phủ cũng đang xem xét nhiều gói cứu trợ cả về tài khóa và tiền tệ. Một mặt, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... với khách hàng gặp khó khăn vì dịch COVID-19. Giá trị của gói hỗ trợ tín dụng này ước tính khoảng 250.000 tỉ đồng.
Mặt khác, Bộ Tài chính được yêu cầu khẩn trương trình Chính phủ cơ chế miễn, giảm thuế, lệ phí; đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước... tổng giá trị ước tính khoảng 30.000 tỉ đồng.
Ngày 12/3/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kí ban hành Thông tư số 01 qui định chi tiết về việc các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19, qua đó cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ.
Tại sao nền kinh tế trong dịch COVID-19 lại cần kích thích?
Khi một dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như COVID-19 xảy ra, người dân thường ngại đi ra ngoài và tránh những nơi tụ tập đông người vì sợ lây nhiễm bệnh. Thực khách không đi ăn ngoài, khiến các nhà hàng thất thu, nhân viên phục vụ thiếu việc làm.
Du khách không đi du lịch, khiến các hãng hàng không, du lịch, khách sạn làm ăn ế ẩm; phòng khách sạn trống rỗng, máy bay đắp chiếu, nhân viên cũng "ngồi chơi xơi nước".
Học sinh không đến trường học khiến bà bán bánh xôi, bánh mỳ ở cổng trường bỗng chốc không còn khách hàng. Nhiều giáo viên cũng thành ra "mất dạy" (mất nghề dạy học).
Công nhân không đến nhà máy làm việc khiến sản xuất bị đình trệ, sản phẩm không được xuất xưởng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy …
Đây chính là những gì xảy ra ở nhiều nước trên thế giới mà rõ ràng nhất là ở Trung Quốc nơi các lệnh phong tỏa được áp dụng ở hàng loạt địa phương khiến hàng trăm triệu người dân không thể tự do di chuyển, công nhân phải nghỉ Tết kéo dài.
Nếu nhà máy Foxconn không thể sản xuất và lắp ráp được các linh kiện tí hon thì Apple cũng không thể có iPhone mà bán. Người dân không ra ngoài mua sắm thì điện thoại, đồng hồ của Apple cũng không bán được cho ai, … Khi dịch COVID-19 lên cao điểm ở Trung Quốc, tất cả cửa hàng Apple Store đều phải đóng cửa.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải kêu cứu rằng nếu tình trạng đình trệ tiếp diễn trong 2-3 tháng, nhiều công ty sẽ phải tuyên bố phá sản. Thực tế là đã có rất nhiều công ty phá sản, hoặc phải thu hẹp hoạt động, giảm lương, sa thải bớt nhân viên …
Một số công ty có thể được lợi như hãng cung cấp dịch vụ dạy học trực tuyến, công ty sản xuất mì ăn liền, thực phẩm đông lạnh, công ty sản xuất khẩu trang, dược phẩm, … tuy nhiên nhìn chung nền kinh tế sẽ bị tê liệt.
Như vậy căn nguyên của vấn đề dường như thuộc về lĩnh vực y tế chứ không phải kinh tế. Nếu dịch bệnh vẫn hoành hành, người tiêu dùng sẽ không vì lãi suất thấp mà đi mua sắm, người lao động sẽ không vì được giảm thuế mà đi làm việc, du khách cũng sẽ không mạo hiểm sức khỏe và tính mạng của mình chỉ để tận dụng các gói kích cầu …
Chỉ khi nào dịch bệnh được dập tắt hay chí ít là được khống chế căn bản thì các nỗ lực kích thích kinh tế mới thực sự mang lại hiệu quả.
Trong buổi họp báo sau quyết định giảm lãi suất hôm 3/3, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng phải thừa nhận chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ không thể khống chế được dịch bệnh hay nối lại những chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Các nhà kinh tế tại ngân hàng Nomura cũng cảnh báo: "Đây là một đợt suy giảm kinh tế bất thường. Chính sách hiệu quả nhất trước mắt không phải là tài khóa hay tiền tệ mà là chính sách y tế. Nếu hệ thống y tế không kiểm soát được sự lây lan của COVID-19, các thị trường tài chính sẽ phải sớm chấp nhận rằng suy thoái là điều hiển nhiên".
Kích cầu trực tiếp cho người dân
Giả sử như vấn đề y tế đã được kiểm soát thì liệu phương pháp kích thích nào sẽ có hiệu quả nhất? Giảm thuế cho doanh nghiệp, hạ lãi suất cho vay, hay một phương án khác?
Năm 2008 khi khủng hoảng tài chính nổ ra, quốc hội Mỹ đã thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá 700 tỉ USD để giải cứu hệ thống ngân hàng, trong đó có biện pháp bơm vốn thông qua mua cổ phần ưu đãi. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho tập đoàn bảo hiểm AIG vay trực tiếp 180 tỉ USD. Ngành công nghiệp ô tô cũng nhận được gần 81 tỉ USD.
Tháng 12/2017, Tổng thống Trump kí ban hành đạo luật Việc làm và Cắt giảm thuế, hạ thuế suất thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21% với hi vọng rằng các doanh nghiệp sẽ dùng tiền thuế tiết kiệm được để đầu tư tạo ra thêm việc làm trong nền kinh tế.
Nhìn chung các biện pháp kích thích bằng cách cứu trợ cho ngân hàng hay doanh nghiệp này được gọi là cách tiếp cận từ trên xuống (trickle down). Chính phủ hỗ trợ tầng lớp trên cùng trong xã hội bao gồm những ngân hàng và tập đoàn lớn, sau đó tác động tích cực có thể được nhỏ giọt xuống các tầng lớp khác, dưới cùng là người lao động.
Tuy nhiên trong thực tế chính phủ không qui định sau khi được hỗ trợ, ngân hàng phải cho vay hay doanh nghiệp phải đầu tư tạo ra thêm việc làm. Chính phủ chỉ hỗ trợ, rồi hi vọng các ngân hàng và tập đoàn lớn làm đúng ý mình. Đôi khi họ làm đúng ý thật, nhiều khi lại không.
Năm 2008, sau khi các ngân hàng được chính phủ Mỹ bơm vốn, tín dụng ở Mỹ vẫn đóng băng trong thời gian dài, người dân được hỗ trợ rất ít và nhiều việc làm tiếp tục bị cắt giảm.
Lập luận của các doanh nghiệp khi đó là tình hình kinh tế quá bi đát, người dân thất nghiệp không có sức mua, đầu tư mở rộng sản xuất cũng không biết bán cho ai. Ngân hàng thì nói rằng bản thân đang phải ôm quá nhiều nợ xấu chưa xử lí được, sức khỏe các doanh nghiệp cũng không tốt, nếu cho vay sẽ càng rủi ro hơn, ...
Năm 2018 sau khi được Tổng thống Trump giảm thuế, doanh nghiệp Mỹ sử dụng hàng nghìn tỉ USD để mua lại cổ phiếu quĩ hoặc trả cổ tức cho cổ đông chứ không đầu tư để tạo thêm việc làm. Chỉ 1% những người giàu nhất nước Mỹ đã sở hữu 50% tổng số cổ phiếu trên thị trường, vậy khi tiền được bơm vào thị trường chứng khoán thì ai sẽ được hưởng lợi nhiều nhất?
Để tận dụng chính sách giảm thuế của chính phủ, năm ngoái, hãng bay Delta Air Lines của Mỹ tuyên bố sẽ đi vay 1 tỉ USD để đẩy mạnh chương trình mua lại cổ phiếu quĩ. Hôm 10/3 vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh, Delta thông báo tạm ngừng chương trình mua cổ phiếu quĩ này đồng thời tạm dừng thuê thêm lao động.
Nếu bây giờ chính phủ Mỹ lao vào hỗ trợ cho Delta, liệu số tiền hỗ trợ đó có được hãng này dùng để đầu tư tạo thêm việc làm hay để mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán để làm lợi cho các cổ đông lớn? Không có gì đảm bảo.
Thay vì cách làm may rủi, chính phủ có thể phát tiền trực tiếp cho dân, có thể là 1.200 USD/người như chính quyền Hong Kong công bố hồi cuối tháng 2 nhằm hạn chế thiệt hại kinh tế của dịch COVID-19.
Người dân nghèo khi có thêm tiền sẽ ra ngoài mua sắm nhiều hơn, nhu cầu hàng hóa tăng lên, các nhà máy xí nghiệp sẽ cần thuê thêm lao động để sản xuất đáp ứng nhu cầu, ngân hàng thấy hàng hóa tiêu thụ tốt cũng sẵn sàng cho vay mở rộng hoạt động, ...
Khác với cách kích thích nhỏ giọt từ trên xuống, việc phát tiền trực tiếp cho người dân sẽ đảm bảo sự hỗ trợ đến được với những người cần nhất.
Chính quyền Tổng thống Trump những ngày qua cho biết đang xem xét cắt giảm thuế bảng lương (payroll tax) để kích thích kinh tế, tuy nhiên cách làm này cũng khó hiệu quả bằng phát tiền trực tiếp cho người dân.
Những người già đã về hưu hay những người thất nghiệp không có bảng lương và do vậy không được lợi gì từ ưu đãi thuế. Những người thu nhập cao lại được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế nhiều hơn những người thu nhập thấp, trong khi đúng ra người thu nhập thấp cần được hỗ trợ nhiều hơn.
Tiền tiết kiệm được từ giảm thuế bảng lương sẽ chỉ đến một cách nhỏ giọt, mỗi tháng một ít, và do vậy không đủ để tạo ra cú hích về kinh tế.
Chính sách phát tiền trực tiếp cho người dân có thể được sử dụng một cách linh hoạt và chọn lọc hơn nhiều. Những đối tượng khó khăn nhất ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất có thể được ưu tiên hỗ trợ nhiều hơn những người khác.
Giáo sư Gabriel Chodorow-Reich tại Đại học Harvard thì đề xuất một biến thể khác là phát các phiếu giảm giá khi ăn tại nhà hàng.
Khi kinh tế trở nên khó khăn, người dân sẽ nhanh chóng giảm việc đi ăn ngoài. Phiếu giảm giá sẽ thúc đẩy người dân đi ăn ở nhà hàng xuyên hơn.
Đa phần chi tiêu của người dân sẽ dành cho hàng hóa và dịch vụ trong nước, do đó nền kinh tế sẽ trực tiếp được hưởng lợi từ những phiếu giảm giá này. Ngoài ra, các nhà hàng thường sử dụng rất nhiều nhân viên, nên sẽ có nhiều người lao động được hưởng lợi khi có thêm thực khách.
Một số nơi chẳng hạn như bang Alaska của Mỹ thậm chí còn áp dụng chính sách thu nhập cơ bản phổ quát (Universal Basic Income - UBI) từ hàng chục năm qua. Mỗi người dân Alaska hàng năm đều nhận được một khoản tiền hỗ trợ bằng nhau từ chính quyền. Trung bình từ 1982 đến nay, mỗi người dân Alaska được nhận mức thu nhập cơ bản phổ quát (UBI) khoảng 1.000 USD/năm.
Ý tưởng về UBI này còn được sự ủng hộ rộng rãi của các tỉ phú tư bản giàu có bậc nhất thế giới như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Elon Musk, ...