Chống suy thoái kinh tế bằng mã giảm giá ăn nhà hàng, tại sao không?
Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang ngày càng gặp khó trong việc cắt giảm lãi suất vốn đã ở mức rất thấp, các nhà kinh tế học như Giáo sư Gabriel Chodorow-Reich tại Harvard đang tìm kiếm những biện pháp khác để chính phủ có thể kích cầu trong trường hợp nền kinh tế xuống dốc.
Một trong số những giải pháp được đề xuất bao gồm cắt giảm thuế cho những khoản tiền mà doanh nghiệp bỏ ra để đầu tư, hoặc giảm thuế quĩ lương cho người lao động.
Giáo sư Chodorow-Reich cho rằng những mã giảm giá hay phiếu giảm giá đồ ăn đáp ứng rất nhiều tiêu chí của một biện pháp kích thích kinh tế hiệu quả. Lí do là vì một khi kinh tế trở nên khó khăn, người Mỹ sẽ nhanh chóng giảm việc đi ăn ngoài. Coupon cho đồ ăn nhà hàng sẽ thúc đẩy người dân đến nhà hàng thường xuyên hơn.
Phần lớn hoặc thậm chí là toàn bộ chi tiêu của người dân sẽ dành cho hàng hóa và dịch vụ trong nước, do đó nền kinh tế Mỹ sẽ trực tiếp được hưởng lợi từ những phiếu giảm giá này. Ngoài ra, các nhà hàng thường sử dụng rất nhiều nhân viên, nên sẽ có nhiều người lao động được hưởng lợi khi có thêm thực khách.
Tuy nhiên, Giáo sư Chodorow-Reich cũng chỉ ra vấn đề của chính sách này trong buổi họp thường niên của Hiệp hội Kinh tế Mỹ, đó là nó có thể gây ra mối lo ngại về kinh tế chính trị.
Chính trị gia đề xuất thực hiện ý tưởng này có thể sẽ bị chế nhạo và chỉ trích là không hiểu biết, và bị gán cho mối liên hệ đến Hoàng hậu Pháp Marie Antoinette.
Một giai thoại nổi tiếng gắn với vị hoàng hậu này là khi nghe về việc người dân đang khốn khổ vì nạn đói và không có bánh mì để ăn, bà nói: “Nếu họ không có bánh mì, hãy để họ ăn bánh ngọt”. Kết thúc của vị hoàng hậu này không tốt đẹp cho lắm khi bà bị đưa lên máy chém vài năm sau đó trong cuộc Cách mạng Pháp.