Thu hút vốn đầu tư: Đừng đua nhau xuống đáy!
Giải pháp thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới: không còn là nhân công giá rẻ và ưu đãi lớn | |
Trong 100 đồng tiền thuế, doanh nghiệp FDI chỉ góp 25 đồng |
Giật mình với những con số
Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài chính, số tiền ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp – đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI ngày càng lớn, riêng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2016 Nhà nước ưu đãi trên 46.800 tỉ đồng (khoảng 2 tỉ USD), trong đó cho khối FDI là 35.500 tỉ đồng.
Tính chung 3 năm (2014-2016), số tiền ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đã lên đến trên 117.000 tỉ đồng. Tính bình quân, khu vực FDI đang được miễn giảm, nhận được tổng ưu đãi tới gần 92% tổng số thuế TNDN phải nộp.
Trong khi đó các DN dân doanh của Việt Nam được ưu đãi tổng 17,8% số thuế phải nộp, còn khối doanh nghiệp Nhà nước được 4,8%.
Cuộc đua giữa các quốc gia
Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh được hưởng những ưu đãi về thuế như: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu đi vào sản xuất; giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo; chỉ phải đóng thuế thu nhập 10% trong 50 năm còn lại (trong khi các công ty khác phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 22%). Nếu lỗ, Formosa được chuyển lỗ sang các năm tiếp theo; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân; miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định… |
Nhiều năm nay trên trên thế giới diễn ra tình trạng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các quốc gia đua nhau đưa ra thật nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp. Ưu đãi phổ biến nhất là miễn, giảm thuế.
Nhiều quốc gia có thuế suất TNDN rất thấp như Hungary (9%), Thụy Sĩ (8,5%), UAE (0%)… trong khi con số này của Việt Nam là 20%. Do vậy, biện pháp dễ dàng nhất để Việt Nam thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp là miễn, giảm thuế.
Đây là một dạng "cuộc đua xuống đáy", trong đó các quốc gia ganh đua với nhau xem ai ưu đãi được nhiều hơn cho doanh nghiệp, ai hạ được thuế suất xuống thấp hơn để thu hút đầu tư, dẫn tới nguồn thu của quốc gia cạn kiệt.
Cuộc đua giữa các địa phương
Không chỉ các quốc gia mới cạnh tranh với nhau bằng thuế mà chính các địa phương trong cùng một quốc gia cũng cạnh tranh theo kiểu này. Tuy không có số liệu thống kê đầu đủ nhưng PGS. TS. Lê Xuân Trường – Trưởng khoa thuế - Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng chính việc các địa phương đua nhau ưu đãi, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp dẫn đến tình trạng chuyển giá trong một quốc gia.
Tức là, doanh nghiệp sẽ chuyển thu nhập từ địa phương có thuế suất cao sang địa phương có thuế suất thấp hơn. Như vậy, không chỉ doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có kinh doanh ở nước ngoài mới chuyển giá mà ngay cả doanh nghiệp nội 100% cũng chuyển giá để lợi dụng ưu đãi thuế.
Tình trạng ưu đãi thuế tràn lan dẫn tới ngân sách địa phương thất thu. Doanh nghiệp có mức đầu tư lớn, doanh thu và lợi nhuận "khủng" nhưng nộp thuế rất ít.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn – Trường Đại học Fulbright cho rằng sở dĩ các địa phương mạnh tay ưu đãi cho doanh nghiệp là bởi ngân sách địa phương vẫn được ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Địa phương cứ ưu đãi, nếu thất thu đã có Trung ương bù vào thành ra các địa phương không ngại dùng ưu đã thuế để cạnh tranh lẫn nhau trong thu hút vốn đầu tư. Ông Tuấn dùng hình ảnh so sánh "Các địa phương như những người đang chết đuối, cầm tay nhau để kéo nhau xuống. Chết hết".
Suy cho cùng, không ai là người chiến thắng trong một "cuộc đua xuống đáy".
Giáo sư kinh tế Richard Wolff – Giảng viên Đại học Massachusetts, người từng tham dự nhiều cuộc họp giữa doanh nghiệp đang tìm hiểu đầu tư và chính quyền địa phương tại Mỹ kể về diễn biến chung của những cuộc họp này:
Đại diện các tập đoàn lớn thường nói với chính quyền đại ý rằng: Chúng tôi đang muốn xây một nhà máy trị giá 10 tỷ USD, sản xuất 15 triệu tấn thép/năm. Hôm nay chúng tôi đến thành phố XYZ của các ông để tìm hiểu môi trường đầu tư và những ưu đãi mà các ông có thể cho chúng tôi. Tuần sau chúng tôi sẽ tới các thành phố ABC, DEF … (hay thậm chí là sang các quốc gia khác) để xem tình hình ở những nơi đó. Nơi nào cho chúng tôi nhiều ưu đãi nhất, miễn thuế - giảm phí nhiều nhất thì chúng tôi sẽ xây nhà máy ở đó.
Ông chủ các tập đoàn chỉ cần ngồi xem chính quyền các tỉnh, thành phố đấu đá lẫn nhau, xem ai đưa ra những ưu đãi hấp dẫn nhất, xin được cơ chế đặc thù nhất. Có khi họ chấp nhận ngay, nhiều khi họ lại lấy đó làm cái để mặc cả với tỉnh khác, kiểu như “Bên ABC đang mời chào chúng tôi với thuế suất 10%, các ông có thể đưa ra chính sách tốt hơn không?”
Rất nhiều tập đoàn lớn làm như vậy đơn giản vì họ chẳng có gì để mất mà lại có thể được rất nhiều thứ.
Một nhóm các nhà báo điều tra đã thống kê rằng mỗi năm chính quyền các thành phố ở Mỹ chi hơn 80 tỷ USD để ưu đãi cho doanh nghiệp. Chính quyền các bang và liên bang lại chi hơn 170 tỷ USD nữa cho mục đích này. Tính chung, chính quyền các cấp ở Mỹ mỗi năm chi 250 tỷ USD để thu hút hoặc giữ chân nhà đầu tư. Hiển nhiên, con số 250 tỷ USD này chỉ là thống kê không đầy đủ của một nhóm nhà báo, không ai biết con số thực tế sẽ còn cao đến đâu.
Giải pháp nào cho Việt Nam?
Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, cho đến nay Việt Nam đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, cả những nhà đầu tư nhỏ lẻ lẫn các tập đoàn quốc tế lớn. Khi nguồn lực ngày càng khan hiếm hơn (ví dụ như đất đai, tài nguyên, môi trường, lao động…) đòi hỏi Việt Nam cần phải có sự chọn lọc hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh việc đặt ra các tiêu chuẩn cao trong thu hút đầu tư, ví dụ như tiêu chuẩn về quy mô dự án, trình độ sản xuất, trình độ công nghệ, trình độ sử dụng lao động, các chuẩn mực về sản phẩm, các tiêu chuẩn về môi trường, v.v… Việt Nam cũng cần đặt ra các điều kiện sòng phẳng với doanh nghiệp liên quan đến các nghĩa vụ thuế khi hoạt động ở Việt Nam. Đã đến lúc Việt Nam cần phải khẳng định lại vị thế của mình, không chấp nhận thu hút vốn đầu tư bằng mọi giá, không o bế, không nhượng bộ về ưu đãi thuế quá mức.
Cụ thể, hầu hết các chính sách thuế của Việt Nam đưa ra quá nhiều ưu đãi thuế dành cho nhà đầu tư nhưng thiếu các ràng buộc hay tiêu chí phù hợp để được nhận các ưu đãi đó.
TS. Tuấn lấy ví dụ Luật khuyến khích đầu tư của Việt Nam đưa ra các ưu đãi cho nhà đầu tư nhưng phần lớn đều dựa vào các tiêu chí đầu vào, ví dụ như đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, thay vì sử dụng kết quả đầu ra ví dụ như số lao động thực tế sử dụng, thu nhập bình quân của người lao động, trình độ sử dụng công nghệ, kim ngạch xuất khẩu… làm thước đo và điều kiện nhận ưu đãi.
Bên cạnh đó, các địa phương cần cải thiện những yếu tố căn bản trong môi trường đầu tư như tinh gọn thủ thục hành chính, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cường đào tạo lao động tay nghề cao, ... Thực hiện những nhiệm vụ này không dễ dàng, nhưng là điều đúng đắn nên làm.