Giải pháp thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới: không còn là nhân công giá rẻ và ưu đãi lớn
Ngày 9/7, IFC và Bộ Kế hoạch Đầu tư giới thiệu báo cáo khuyến nghị về chiến lược FDI thế hệ mới của Việt Nam. Báo cáo cung cấp các khuyến nghị tham khảo cho Chính phủ xây dựng định hướng thu hút FDI thế hệ mới.
Theo nghiên cứu của IFC, mặc dù các chính sách mở cửa đầu tư và thương mại đã mang lại sự gia tăng các dòng vốn FDI, tạo thêm nhiều việc làm, đa dạng hóa xuất khẩu. Trong thập kỷ qua, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng gấp 10 lần. Tuy nhiên, Việt Nam cần thực hiện các cải cách mang tính đột phá nhằm cạnh tranh, thu hút các dòng vốn FDI chất lượng hơn.
Theo ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Thách thức mà Việt Nam phải đối mặt là rất đặc thù, khi mà dòng vốn FDI đạt mức cao kỷ lục song hiệu ứng lan tỏa và các giá trị gia tăng mà dòng vốn này đem lại còn khá hạn chế.
Ảnh: TTXVN |
Báo cáo của nhóm chuyên gia IFC tập trung giải quyết các phát hiện gần đây cho thấy rằng FDI đổ vào Việt Nam chủ yếu bắt nguồn từ các yếu tố như cơ chế lao động thấp và chi phí ưu đãi lớn. Thực tế, các nhà đầu tư đã xác định được rằng việc thiếu lao động có kỹ năng là một rào cản đối với tăng trưởng; trong khi việc thiếu các chuỗi cung ứng tích hợp tại địa phương, khan hiếm các nhà cung ứng trong nước có chất lượng và chính sách hiệu quả nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương càng làm giảm năng lực cạnh tranh của các công ty.
Các yếu tố này tạo nên một danh mục đầu tư gồm các công ty lớn chủ yếu tập trung vào hoạt động lắp ráp trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo nên sự gia tăng lớn về việc làm và và xuất khẩu. Song đồng thời cũng chỉ đem lại lợi ích tương đối hạn chế cho các nhà sản xuất địa phương và thiếu sự gắn kết giữa công ty Việt Nam và chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết: “Phân tích chính của báo cáo tập trung vào việc rà soát kỹ lưỡng các lĩnh vực tiềm năng. Mục đích nhằm xác định các ngành, đi kèm các điều kiện cần thiết, sẽ mang lại cơ hội cạnh tranh tốt nhất cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư (cả FDI và đầu tư trong nước), từ đó tạo ra nhiều việc làm tốt hơn và tăng tỷ lệ cung ứng từ các doanh nghiệp địa phương.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu IFC đề ra 8 giải pháp, được chia làm các giai đoạn:
Ưu tiên trước mắt (2018 – 2020) là thành lập một cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới với đầy đủ thẩm quyền, chức năng, cơ cấu và ngân sách đảm bảo thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của IFC.
Hiện đại hóa xúc tiến đầu tư từ xúc tiến thụ động sang xúc tiến chủ động ở một số ngành ưu tiên, rà soát chính sách ưu đãi nhà đầu tư hiện hành. Mở cửa một số ngành dịch vụ quan trọng để thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng đối với nhà đầu tư nước ngoài và ban hành chiến lược, xúc tiến đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, một trong những ưu tiên hàng đầu là triển khai các chính sách cụ thể nhằm tăng cường liên kết chuỗi giá trị và hiệu ứng lan tỏa nhờ FDI, với trọng tâm là liên kết chuỗi giá trị và các chương trình nhà cung ứng có mục tiêu.
Để giải quyết các thách thức và nắm bắt cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cũng phải xây dựng môi trường kinh doanh phù hợp.
Thay vì “nỗ lực bắt kịp”, quá trình tái khởi động phải đem lại môi trường đầu tư có thể cạnh tranh được với các đổi thủ trong khu vực.
Các khuyến nghị khác bao gồm việc xây dựng và triển khai một kế hoạch quốc gia về việc nâng cao tay nghề, giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình từ lao động tay nghề thấp sang lao động tay nghề cao.
Góp ý đại buổi hội thảo, một số đại biểu cho rằng báo cáo nói trên chưa cho thấy động lực để các địa phương có thể thực hiện. Cần có cơ chế để đảm bảo định hướng này xuống được đến chính quyền địa phương, vì đây mới chính là các cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc thu hút nguồn vốn FDI vào địa phương mình.
Báo cáo vẫn thiếu đánh giá lợi ích thực sự của FDI, chất lượng vốn; số tiền thu về từ FDI, so với ngân sách nhà nước đầu tư liệu có hiệu quả hay không?
Đại biểu này cho biết thêm, tại các địa phương hiện thiếu các thông tin về suất đầu tư, thông tin trình độ công nghệ, năng lực thực sự của nhà đầu tư, hay thông tin giữa các tỉnh đối với nhau. Công tác xúc tiến đầu tư, hiện nay còn khá lúng túng. Do đó cần xác định xem mô hình vận hành của các địa phương như thế nào?
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên cục trưởng cục đầu tư nước ngoài cho biết về 8 đề xuất của IFC là không có gì sai, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh hơn. Nghiên cứu của IFC mang tính khách quan, nhưng một số điểm Việt Nam chúng ta rõ hơn, chúng ta biết mình phải làm gì, xử lý ra sao trong bối cảnh kinh tế thế giới…
Những vấn đề về an ninh quốc phòng, chọn nhà đầu tư chiến lược, hay tổ chức bộ máy làm sao đều là những vấn đề nội tại. Áp dụng vào những điều kiện cụ thể thì chính người Việt phải tìm gia giải pháp.
Việc đề nghị trong cục đầu tư nước ngoài mới có thành phần của các doanh nghiệp, ông Thắng cho rằng đây là điều khó thực hiện, việc này liệu có đem lợi ích của doanh nghiệp vào không.
Đối với các giải pháp, phải có giải pháp tiếp theo, tức là giải pháp cụ thể là gì, báo cáo của IFC hiện còn nêu chung chung.
Báo cáo không đề cập đến mặt trái FDI mà Việt Nam phải chịu suốt thời gian vừa qua, tìm ra nguyên nhân, giải pháp cụ thể khắc phục tồn tại hiện có và không thúc đẩy tồn tại này…
Đại diện hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho biết, qua theo dõi các doanh nghiệp trong địa bàn nhiều năm, mặc dù các doanh nghiệp Hà Nội cũng đã đổi mới trong công nghệ, quản trị nhưng sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp đang khó khăn. Vấn đề này cần nghiên cứu sâu thêm, đi sâu làm chuỗi các sản phẩm, để doanh nghiệp Việt Nam được làm vệ tinh đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Điểm nhấn chính của “Chiến lược Thu hút FDI thế hệ mới” là sự chuyển dịch trọng tâm từ thu hút nhà đầu tư phù hợp cho ‘sản phẩm’ của Việt Nam sang phát triển sản phẩm phù hợp (tức là môi trường kinh doanh và điều kiện đầu tư phù hợp) cho loại hình đầu tư mà Việt Nam cần trong tương lai. Nhờ đó, có thể tăng tối đa hiệu ứng lan toả và giá trị gia tăng của FDI. Về lĩnh vực trọng tâm ưu tiên đầu tư, các chuyên gia WB đã chỉ ra hàng loạt lĩnh vực ưu tiên mới đó là: công nghiệp ô tô, xe máy và công nghiệp phụ trợ (sản xuất kim loại/khoáng sản/hóa chất/nhựa phẩm cấp cao và linh kiện công nghệ cao), máy móc, thiết bị công nghiệp, logistics, sản phẩm nông nghiệp mới giá trị cao, công nghệ môi trường, năng lượng tái tạo, dịch vụ ứng dụng CNTT. Cùng với đó là các ngành dịch vụ xuyên suốt quan trọng cần tiếp tục mở cửa để tạo điều kiện tiếp tục tăng trưởng, chẳng hạn như dịch vụ tài chính và giáo dục. |