|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cửa nào lên sàn cho doanh nghiệp gốc FDI nhìn từ trường hợp Seul Metal Việt Nam?

16:34 | 01/07/2018
Chia sẻ
Vấn đề lên sàn của các doanh nghiệp có gốc FDI đang bị vướng mắc và mong chờ sớm được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Vào nửa cuối năm 2017, nhiều doanh nghiệp phụ trợ có kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch như Nhựa Hà Nội (NHH), Phụ tùng Máy số 1 (FT1) và CTCP Seoul Metal Việt Nam (SMV). Trong khi NHH, FT1 đã được giao dịch tại UPCoM từ lâu thì SMV vẫn chưa được đưa vào giao dịch tại bất cứ sàn nào.

Bà Vũ Thị Thanh Tâm, Thư ký HĐQT kiêm người phụ trách công bố thông tin của SMV cho biết công ty nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu lên Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa nhận được quyết định niêm yết. Việc cổ phiếu chưa được niêm yết không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh cũng như chiến lược của công ty nhưng khiến nhiều cổ đông lo lắng và mong chờ thủ tục được xúc tiến nhanh hơn.

Về phía Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), bà Lê Thị Tuyết Hằng – Trưởng bộ phận quản lý và thẩm định niêm yết chia sẻ lý do SMV đến nay chưa nhận được quyết định chấp thuận niêm yết là do rơi vào trường hợp đặc biệt là doanh nghiệp có gốc vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trước đây có quy định cho niêm yết phần vốn không thuộc sở hữu cổ đông sáng lập nhưng quy định mới hiện nay không đề cập đến trường hợp này. Do vậy, Sở vẫn cần phải chờ ý kiến của Ủy ban chứng khoán Nhà nước và các bên liên quan. Mặt khác, SMV được niêm yết cũng gây ra lo ngại cổ đông sáng lập bán cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, do vậy cần một quy định rõ ràng để áp dụng chung cho các doanh nghiệp có gốc FDI sau này muốn lên sàn.

Theo đơn vị tư vấn cho đợt niêm yết của SMV là Chứng khoán Mirea Asset, khi nộp hồ sơ niêm yết có nhận được phản hồi của HOSE là cần ý kiến của Ủy ban chứng khoán do chưa có hướng dẫn niêm yết cho doanh nghiệp gốc FDI. Cơ quan Nhà nước đang vướng mắc ở chỗ có nên cho tự do chuyển nhượng phần sở hữu của cổ đông sáng lập doanh nghiệp FDI do nghi ngại rút vốn sau khi lên sàn. Đối với nghi ngại này, doanh nghiệp thậm chí đã đồng ý hạn chế chuyển nhượng phần vốn cổ đông sáng lập và cả phần thưởng cổ phiếu hằng năm nhưng cơ quan chức năng vẫn đang xem xét và chưa quyết định.

Gần đây, một doanh nghiệp FDI khác là CTCP Công nghiệp Ngũ kim Fortress Việt Nam – thành viên của Tập đoàn Formosa Tools hé lộ chủ trương muốn niêm yết cổ phiếu. Fortress cho biết cũng đang chờ đợi Ủy ban chứng khoán cùng Bộ Tài chính hoàn thiện thể chế để công ty có thể hoàn thành việc đăng ký niêm yết cổ phiếu trên sở giao dịch chứng khoán. Công ty kỳ vọng được niêm yết trong quý II này nhưng đến thời điểm hiện tại chưa có thông tin liên quan.

Như vậy, nhu cầu lên sàn của các doanh nghiệp FDI là có, đồng thời nhu cầu được niêm yết phần cổ phiếu thuộc sở hữu cổ đông sáng lập doanh nghiệp FDI đã lên sàn trước đây cũng có. Chuyên gia tư vấn của Mirea Asset cho biết đầu 2017 Văn phòng Thủ tướng có chỉ đạo lập đề án nghiên cứu các trường hợp niêm yết của doanh nghiệp có nguồn gốc FDI và đến nay cơ quan chức năng đang xúc tiến, doanh nghiệp vẫn cần kiên nhẫn chờ đợi.

Công ty cổ phần Seoul Metal Việt Nam (SMV) tiền thân là dự án Nhà máy sản xuất đinh, ốc vít chính xác và các linh kiện điện tử với 100% vốn đầu tư thuộc Tập đoàn Seoul Metal Tech (Hàn Quốc) được thành lập ngày 19/2/2008. Theo thông tin từ bản tóm tắt doanh nghiệp công bố vào tháng 7/2017, danh sách cổ đông lớn của SMV đã thay đổi đáng kể và có xuất hiện nhân tố trong nước.

Cụ thể, cổ đông lớn nhất vẫn là Seoul Metal sở hữu 30,98% vốn, Global SM Tech Limited nắm 14,41% vốn, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC nắm 10,65%. Dẫu vậy, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài tại SMV lúc đó là 75,71% gồm 47,45% là tổ chức và 28,25% là cá nhân. Mặt khác, đến tháng 10/2017, Công ty tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinace) cho biết đã mua vào 425.000 cp SMV để nâng sở hữu thành 925.000 cp, ứng với 6,37% vốn và chính thức trở thành cổ đông lớn công ty.

Xem thêm

Ngọc Điểm