|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tam mã trong cuộc đua thu hút FDI vào Việt Nam

20:41 | 27/09/2018
Chia sẻ
Trong các tập đoàn lớn có đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đông đảo hơn cả. Ngoài những nhà đầu tư này, Việt Nam hiện mong muốn thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn từ Mỹ và EU.

Tam mã tranh hùng

SK Group, một trong những tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc trong lĩnh vực năng lượng, viễn thông, linh kiện công nghệ cao, logistics và dịch vụ, vừa quyết định dốc 470 triệu USD để đầu tư vào Masan, một doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Với khoản đầu tư này, SK sẽ sở hữu khoảng 9,5% cổ phần của Masan và trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất hiện nay của Masan.

tam ma trong cuoc dua thu hut fdi vao viet nam

SK chỉ là một trong những cái tên Hàn Quốc mới nhất quyết định đầu tư vào Việt Nam. Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho đến nay, hầu hết các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đều đã có các khoản đầu tư tại Việt Nam, từ Samsung, LG, Lotte, CJ, Hyosung, đến Doosan, Posco, Hyundai, Hanwha... Ngoài ra, còn có Shinhanbank, WooriBank, rồi Nonghyup, Industrial Bank of Korea, Kookmin, Busan, KEB Hana… Lũy kế đến cuối tháng 8/2018, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư 7.161 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 61 tỷ USD.

Tuy tính theo năm, tức là trong 8 tháng đầu năm nay, Nhật Bản đang giữ vị trí quán quân, với vốn đăng ký trên 7 tỷ USD, phần lớn nhờ Dự án Thành phố thông minh 4,18 tỷ USD của liên doanh Sumitomo và BRG, song trong cuộc đua giành ngôi vương nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam - tính lũy kế, Nhật Bản vẫn đang phải lùi xuống vị trí số 2, sau một thời gian dài chiếm lĩnh đỉnh cao. Cho đến nay, các nhà đầu tư Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam 3.865 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 55,8 tỷ USD.

Hầu hết các tập đoàn lớn của Nhật Bản đã xây “căn cứ địa” ở Việt Nam, từ Honda, Toyota đến Panasonic, Canon, FujiXerox, Kyocera, rồi Sojitz, Kirin, JFE, Itochu... và mới đây là Aeon, Mizuho, Unicharm...

Trong khi đó, Singapore nhiều năm giữ vững vị trí thứ 3, với 2.120 dự án, tổng vốn đăng ký gần 45,9 tỷ USD, tính đến cuối tháng 8/2018. Cũng từng có thời điểm, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với hàng loạt tên tuổi lớn như Sembcorp, Mapletree, Keppel Land, Banyan Tree… Song việc còn cách Nhật Bản tới gần 10 tỷ USD và cách Hàn Quốc hơn 15 tỷ USD vốn cam kết đầu tư vào Việt Nam khiến Singapore khó lòng tranh đua ngôi vị số 1 và số 2 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu tính tổng thể, thì cuộc đua ở top 3 vẫn sẽ là “tam mã tranh hùng” Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản, bởi vị trí thứ 4 thuộc về nhà đầu tư Đài Loan, nhưng vốn cam kết hiện chỉ ở mức gần 30,1 tỷ USD. Điều đó có nghĩa, khó có nhà đầu tư nào - dù nhanh chân đến mấy - có thể soán ngôi được của ba nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam hiện nay.

Ngóng vốn đầu tư từ Mỹ và EU

Số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2018, châu Á chiếm trên 70% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Trong khi đó, đầu tư từ châu Âu, Mỹ lại quá ít ỏi so với tổng vốn FDI vào Việt Nam, cũng như so với nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư này trên thế giới và vào các nước ASEAN.

Mỹ, cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là nhà đầu tư lớn nhất thế giới hiện mới đầu tư vào Việt Nam 886 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 8,96 tỷ USD. Tất nhiên, khoản đầu tư này là chưa tính đến các dự án Intel, Coca-Cola, Procter & Gamble, ConocoPhillips…, do nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con của mình tại một số thị trường khác như British Virgin Islands, Singapore, Hồng Kông..., song gần 9 tỷ USD là con số rất khiêm tốn. Năm 2017, Mỹ đầu tư ra nước ngoài 342 tỷ USD, tăng tới 22% so với năm trước, song lại chỉ đầu tư vào Việt Nam vỏn vẹn trên 868 triệu USD.

Mỹ và EU vẫn là những thị trường có nhiều nhà đầu tư tiềm năng nhất, do đó, cần có các hoạt động xúc tiến đầu tư thích hợp với từng loại hình doanh nghiệp, đặc điểm từng quốc gia.

Trong khi đó, EU, vào năm ngoái, cũng đã đầu tư ra nước ngoài 334 tỷ USD, tuy giảm 41% so với năm 2016, song vẫn là một khoản đầu tư rất lớn. Tuy vậy, Việt Nam chỉ nhận được một phần rất nhỏ từ khoản vốn đầu tư này. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, hiện có 24/28 nước EU đầu tư vào Việt Nam, nhưng riêng khoản vốn đầu tư từ Hà Lan, Anh, Pháp Luxembourg và Đức đã chiếm tới 84,3% trong số này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và EU phát triển tương đối thuận chiều, nhưng FDI vẫn còn quá ít, đặc biệt vào các ngành công nghệ cao và dịch vụ hiện đại từ một số nước dẫn đầu EU như Đức, Pháp, Italia…

Chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút FDI, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, phải làm rõ vì sao vốn FDI từ hai thị trường đầy tiềm năng này lại khiêm tốn như vậy. Còn các chuyên gia IFC, khi xây dựng Báo cáo Định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018-2030 đã nhấn mạnh cần quan tâm đến thu hút đầu tư từ các đối tác Mỹ và EU.

Trong khi đó, Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định, Mỹ và EU vẫn là những thị trường có nhiều nhà đầu tư tiềm năng nhất, do đó, cần có các hoạt động xúc tiến đầu tư thích hợp với từng loại hình doanh nghiệp, đặc điểm từng quốc gia, đáp ứng đòi hỏi cao của các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới về sở hữu trí tuệ, chống tham nhũng…

“Triển vọng thu hút nhiều hơn vốn FDI từ Mỹ và EU phụ thuộc chủ yếu vào việc giải quyết tốt những đòi hỏi của nhà đầu tư về tính công khai, minh bạch và dễ dự báo của chính sách pháp luật của Việt Nam”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nguyên Đức

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.