|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Miếng bánh gia công 8,6 tỷ USD, doanh nghiệp thuần Việt vẫn cảnh 'chầu rìa'

17:00 | 19/09/2018
Chia sẻ
Năm 2016, Việt Nam được trả 8,6 tỷ USD chi phí gia công hàng hoá từ nước ngoài. Tuy nhiên, phần lớn giá trị gia công nhận được đều lọt vào tay các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài - FDI).

Tại buổi họp báo công bố Tổng điều tra Kinh tế năm 2017, Tổng cục Thống kê cho biết doanh nghiệp Việt chủ yếu nhận phí gia công hàng dệt may, dày dép khi các lĩnh vực này đem về số thu lớn.

mieng banh gia cong 86 ty usd doanh nghiep thuan viet van canh chau ria

Doanh nghiệp Việt vẫn chưa lọt nhóm có được chi phí cao dù nền công nghiệp được xác định là gia công quy mô tương đối lớn.

Trong lần đầu tiên điều tra về phí gia công, Tổng cục Thống kê đã ghi nhận con số chi phí mà các doanh nghiệp tại Việt Nam nhận lại được từ nước ngoài là khoảng 8,6 tỷ USD. Ở chiều hướng khác, các doanh nghiệp đi thuê nước ngoài làm gia công với tổng chi phí hơn 8,2 triệu USD.

Các lĩnh vực chiếm chi phí gia công cao nhất thuộc về hàng dệt may khi đạt 4,1 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng chi phí gia công. Phí gia công giày dép cho nước ngoài là 2,7 tỷ USD.

Một lĩnh vực mà Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp điện tử lớn của nước ngoài là điện thoại và linh kiện khi có mặt của các ông lớn Samsung, LG hay Intel. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, mức phí ngành này rất thấp.

Lắp ráp điện thoại, phí gia công chỉ đạt 268 triệu USD, chiếm 3,1%; Lắp ráp điện tử máy tính 63 triệu USD, chiếm 0,7%.

Điều đáng nói là trong năm 2016, tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho quá trình gia công, lắp ráp tại Việt Nam đạt 20,2 tỷ USD; trong đó, các doanh nghiệp FDI nhập gia công chiếm 16,3 tỷ USD, chiếm 80,7% tổng giá trị.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sau gia công, lắp ráp cả nước đạt 32,4 tỷ USD; các doanh nghiệp FDI chiếm giá trị hàng hóa xuất khẩu sau gia công đạt 25,6 tỷ USD, chiếm 79% tổng giá trị.

Con số trên là minh chứng cho thấy, dù các ngành sản xuất công nghiệp của Việt Nam cơ bản mang phận gia công nhưng doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp thuần Việt chỉ chiếm % giá trị nhỏ (hơn 19% giá trị nhập khẩu và hơn 20% giá trị xuất khẩu), không lọt vào được sân chơi giá trị lớn hoặc phải chịu cảnh chia lại, nhận lại đơn hàng từ các doanh nghiệp FDI.

Về nguồn gốc nước đặt gia công, các doanh nghiệp tại Việt Nam chủ yếu gia công, lắp ráp hàng hóa cho doanh nghiệp tại 5 quốc gia và vùng lãnh thổ: Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Các sản phẩm hầu hết sau khi gia công, lắp ráp được xuất khẩu trở lại cho nước đặt gia công hoặc xuất khẩu cho nước khác theo chỉ định của nước đặt gia công.

Xem thêm

Nguyễn Tuyền