|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia bày cách giúp Việt Nam thoát kiếp gia công

20:11 | 22/08/2018
Chia sẻ
Bên cạnh những thuận lợi về hấp dẫn đầu tư do hội nhập mang lại, doanh nghiệp Việt phải đối mặt với nhiều thách thức trong năng lực cạnh tranh, chi phí tuân thủ, đặc biệt là vị trí trong chuỗi cung ứng.
chuyen gia bay cach giup viet nam thoat kiep gia cong Tỷ phú tuổi 62 nhờ gia công túi xách cho các thương hiệu nổi tiếng

Phát biểu tại diễn đàn “Tối ưu hóa chuỗi cung ứng và chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp”, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) nhìn nhận, dù là nước chưa mạnh nhưng Việt Nam lại hội nhập rất “máu lửa” với việc tham gia vào 16 hiệp định thương mại tự do (FTA). Số FTA này phủ lên trên 50 quốc gia, những thị trường lớn nhất trên thế giới và những đối tác chiến lược quan trọng nhất của Việt Nam”.

chuyen gia bay cach giup viet nam thoat kiep gia cong
TS. Võ Trí Thành

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi về hấp dẫn đầu tư do hội nhập mang lại, doanh nghiệp Việt phải đối mặt với nhiều thách thức trong năng lực cạnh tranh, chi phí tuân thủ, đặc biệt là vị trí trong chuỗi cung ứng.

Đồng quan điểm với ông Thành, PGS. TS Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch BCSI nhấn mạnh, nền kinh tế trong hơn 30 năm qua đã cho thấy những tác động rất tốt như tạo ra điều kiện mới cho phát triển, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

“Nền kinh tế có bước phát triển nhất định, dù chưa đạt được mục tiêu mong muốn nhưng đã có những bước tiến mà thế giới đã công nhận”, ông Nam nói.

Tuy vậy, cơ chế thị trường chưa được xác lập đầy đủ và toàn diện trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp cũng như hàng hóa vẫn ở mức thấp.

Theo vị Chủ tịch BCSI: “Một trong những yếu kém nổi bật nhất chính là chuỗi cung ứng hàng hóa. Tại Việt Nam, chuỗi cung ứng chưa hình thành một cách đồng bộ và đầy đủ, phát triển rời rạc, lạc hậu, mang nhiều dáng dấp cung ứng kiểu bao cấp hoặc nền sản xuất nhỏ lẻ”.

Chia sẻ trước báo giới, ông Daniel Wong, nguyên CEO của Longview Fibere, người có gần hai chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng đánh giá, trong lĩnh vực da giầy và dệt may, Việt Nam mới chỉ dừng lại ở khâu thủ công và các doanh nghiệp Việt còn nhiều khoảng trống, đặc biệt là khoảng trống về kiến thức.

Trước thực trạng trên, TS. Võ Trí Thành đã khuyến nghị một số cách giúp Việt Nam tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, giải quyết bài toán “kiếp gia công”.

Theo ông Thành, Việt Nam cần đáp ứng nguyên tắc xuất xứ hoặc đầu tư để đáp ứng nguyên tắc xuất xứ. Trước kia vào thị trường Canada thuế quan mười mấy phần trăm, bây giờ có CPTPP cùng với việc đáp ứng được xuất xứ thì thuế sẽ về 0%, đó là lợi thế rất lớn.

Bên cạnh đó, giá trị có thể được gia tăng thông qua quản trị tốt hơn logistics, hệ thống phân phối, cung ứng. Rất nhiều nghiên cứu chỉ rõ cùng một công việc, một cách làm, một vị trí trong chuỗi giá trị, chỉ cần quản trị tốt hơn thì năng suất lao động tăng từ 10-15%.

Việc tiến hành thiết kế, R&D, phân phối, hậu mãi cũng sẽ mang lại kết quả cao hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các doanh nghiệp phải tự thân vận động mà có thể bắt tay, kết nối với các đối tác.

Ngoài ra, theo ông Thành, giá trị gia tăng còn có thể được tạo ra thông qua sản phẩm như đắp thêm cho sản phẩm cũ “những chiếc áo mới, xanh hơn, thông minh hơn, biểu tượng hơn, cá thể hơn”, tạo ra sản phẩm mới nhờ cách mạng công nghệ hay ứng dụng công nghệ vào quản trị.

Xem thêm

Mai Phương