|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Top 5 quốc gia đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam: Chủ yếu từ châu Á, chưa nhiều 'đại bàng' Mỹ, Âu

11:03 | 11/07/2024
Chia sẻ
Các chuyên gia đánh giá, top 5 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, hầu hết vẫn từ khu vực châu Á như: Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản mà chưa có nhiều "đại bàng" từ Mỹ hay châu Âu. Các lĩnh vực đầu tư vẫn tương đối truyền thống tập trung và bất động sản và chế biến, chế tạo.

Kinh tế  Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực khi GDP quý II tăng trưởng mạnh hơn kỳ vọng với mức tăng đạt 6,9% kéo GDP 6 tháng đầu năm duy trì đà tăng trưởng, đạt 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, một trong những động lực quan trọng là nhờ sự gia tăng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trong tháng 6, giải ngân FDI tiếp tục cho tín hiệu tích cực, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, vốn FDI đăng ký bổ sung tăng 187,2%. Luỹ kế nửa đầu năm, giải ngân FDI đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2%, cải thiện đáng kể so với mức tăng trưởng 3,5% cùng kỳ năm ngoái.

Tổng vốn FDI đăng ký, góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 13,1% so với cùng kỳ đạt gần 15,2 tỷ USD trong nửa đầu năm. Trong đó, vốn FDI đăng ký mới tăng 46,9% so với cùng kỳ đạt gần 9,54 tỷ USD; Vốn FDI đăng ký bổ sung tăng 35%, đạt 3,95 tỷ USD. Duy chỉ có góp vốn mua cổ phần từ nhà đầu tư nước ngoài vẫn giảm trong 6 tháng đầu năm (giảm 57,7%, đạt 1,7 tỷ USD) từ mức nền cao cùng kỳ năm ngoái.

Diễn biến dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam giai đoạn 1/2023 đến nay. (Nguồn: MASVN).

Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) đánh giá Việt Nam đang có cơ hội thu hút được vốn FDI thời gian gần đây thông qua các sự kiện như: Apple có kế hoạch tăng cường đầu tư vào Việt Nam, Phó chủ tịch hãng công nghệ Nvidia của Mỹ đã đến thăm Việt Nam vào tháng 4 để thảo luận về hợp tác về hệ sinh thái bán dẫn và AI.

Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc như Hyundai Motor, Lotte, Doosan Enerbility, Hyosung cam kết tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, Samsung dự kiến đầu tư thêm một tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam hay Alibaba dự định xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. 

Cũng trong nửa đầu năm, hàng loạt dự án quy mô lớn có vốn đầu tư nước ngoài cũng được triển khai. Có thể kể đến như Capital Land (Singapore) có tổng vốn 661 triệu USD; Trina Solar (Trung Quốc) 454,4 triệu USD; Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện của Gokin Solar (Hong Kong) 274,8 triệu USD; Dự án nhà máy thiết bị điện tử của BOE (Trung Quốc) 275 triệu USD; Dự án nhà máy sợi sinh học Bio-BDO (Butanediol) của Hyosung (Hàn Quốc) 730 triệu USD; Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) 150 triệu USD; Dự án Nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh (Đài Loan) 383 triệu USD; Tập đoàn công nghệ Amkor (Mỹ) 1,07 tỷ USD.

Dòng vốn ngoại vẫn đổ vào BĐS và chế biến, chế tạo

Ông Đào Ngọc Thắng, Giám đốc Khách hàng Doanh nghiệp, Khối Ngoại hối, Thị trường vốn và Dịch vụ Chứng khoán, HSBC Việt Nam. (Ảnh: NVCC).

Nhìn nhận về dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, ông Đào Ngọc Thắng, Giám đốc Khách hàng Doanh nghiệp, Khối Ngoại hối, Thị trường vốn và Dịch vụ Chứng khoán, HSBC Việt Nam, cho rằng chúng ta vẫn duy trì được vị thế là một trong những nước thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và duy trì mức tăng trưởng 13,1% so với cùng với năm ngoái.

Tuy nhiên, những lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào Việt Nam hiện tại chủ yếu vẫn là bất động sản và sản xuất. Đây cũng là một trong những lý do khiến Chính phủ phải đưa ra những chính sách để khuyến khích dòng vốn FDI đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ cao.

Phân bổ vốn đầu tư FDI luỹ kế đến ngày 20/6 theo quốc gia và theo lĩnh vực. (Nguồn: MASVN).

Còn theo ông Nguyễn Minh Cường, Tư vấn quốc tế, Vụ Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc, cho rằng không thể phủ nhận Việt Nam là một điểm đến rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài tuy nhiên, có ba thách thức mà Việt Nam cần nhìn nhận rõ.

Thứ nhất, nếu nhìn vào sự phân bổ top 5 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam thì hầu hết vẫn từ khu vực châu Á như: Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản mà chưa có nhiều "đại bàng" từ Mỹ hay châu Âu.

Thứ hai các lĩnh vực được đầu tư vẫn tương đối truyền thống tập trung vào bất động sản và công nghiệp chế biến chế tạo. Hiện chưa có nhiều những mảng đầu tư vào công nghệ cao hay chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số - những lĩnh vực mới có thể tạo ra những động lực cho phát triển tương lai.

Thứ ba là trong bức tranh đầu tư, Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn của những nước láng giềng, ví dụ trong khu vực ASEAN là Indonesia, Malaysia hay Thái Lan, còn với khu vực châu Á thì Ấn Độ đang nổi lên như một điểm đến có lực hấp dẫn lớn.

Trong bối cảnh đang sự phân bổ lại luồng đầu tư và thương mại toàn cầu và trong cái bức tranh đó, Việt Nam phải định vị lại để không bị tụt hậu, chuyên gia nhấn mạnh.

Vừa qua, các tổ chức lớn như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (World Bank), IMF và OECD đều nhận định lạc quan hơn với kinh tế toàn cầu với những con số tăng trưởng tăng từ 0,1 điểm % đến 0,3 điểm % so với các dự báo đưa ra trước đó và Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng của kinh tế toàn cầu.

Dưới góc nhìn từ các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt mức cao so với trong khu vực và trên toàn cầu. Đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang hồi phục nên có thể đóng góp vào mức tăng trưởng vốn đầu tư FDI cũng như tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam cần ứng phó với những rủi ro kinh tế, kiểm soát lạm phát để tạo môi trường vĩ mô ổn định, song song với đó là cải cách thể chế để hấp dẫn các nhà đầu tư FDI, chuyên gia khuyến nghị.

Hạ An

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.