Vốn FDI vẫn tiếp tục đổ vào ngành sản xuất, thương mại Việt Nam tích cực hơn dự báo
Theo báo cáo từ Ngân hàng HSBC, thương mại của Việt Nam tiếp tục phục hồi, với xuất khẩu trong tháng 7 tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước, dễ dàng vượt qua kỳ vọng của thị trường. Đặc biệt, điện thoại và điện tử máy tính tiếp tục dẫn đầu, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu các mặt hàng khác cũng cải thiện, mặc dù các diễn biến trên thế giới tiếp tục phần nào ảnh hưởng lên những lô hàng dệt may, da giày song tăng trưởng của các mặt hàng này vẫn đạt khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực sản xuất không có dấu hiệu chậm lại. FDI sản xuất đăng ký mới đã tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, tính từ đầu năm tới giờ, cao hơn một số năm trước đây.
Bắc Ninh - một trong những trung tâm điện tử lớn đã thu hút hơn 30% tổng vốn đăng ký trong tháng 6 và 7, đối lập hoàn toàn so với sự sụt giảm của năm ngoái. Nguyên nhân chính là Tập đoàn Amkor đẩy mạnh đầu tư dự án bán dẫn tại tỉnh này bằng một khoản đầu tư thêm trị giá 1,07 tỷ USD.
Trong khi ngành sản xuất đang phục hồi nhanh hơn dự báo thì tiêu dùng lại yếu đi đáng kể. Tháng 7/2024 chứng kiến đà tăng lượng khách quốc tế yếu sụt giảm với lượng khách hàng tháng giảm xuống dưới 1,2 triệu lượt.
Điều đáng khích lệ là nội dung thảo luận về việc mở rộng chính sách miễn thị thực cho công dân nhiều nước đã được nhấn mạnh. Kết quả là tăng trưởng ngành bán lẻ 7 tháng đầu năm đạt mức 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
HSBC nhấn mạnh, Việt Nam cần thêm thời gian để các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ có tác dụng và để hiệu ứng lan tỏa tích cực từ sự phục hồi trong thương mại sang lĩnh vực trong nước trở nên hữu hình.
Trong nửa cuối năm, Chính phủ cũng đã kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đến hết năm 2024 và tiếp tục miễn giảm một số loại thuế phí để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân trong nước nhưng nền kinh tế cũng cần thời gian để thẩm thấu.
Trong khi đó, lạm phát tiếp tục tiến sát đến trần 4,5% của Ngân hàng Nhà nước. Lạm phát toàn phần tăng 0,5% so với tháng trước do giá hàng hóa vẫn còn cao và các yếu tố biến động khác như mức đóng bảo hiểm y tế cao hơn. Kết quả là lạm phát so với cùng kỳ năm trước ở mức 4,4%, gần như tương đương với kỳ vọng của thị trường.
Mặc dù vậy, các chuyên gia HSBC kỳ vọng các yếu tố tiêu cực với lạm phát sẽ sớm giảm đi giúp chỉ số này xuống thấp đáng kể trong nửa sau của năm 2024. Với cả năm, HSBC dự báo lạm phát đạt 3,6%.
Tựu trung lại, với áp lực giá được kiểm soát tương đối và lĩnh vực trong nước cần thêm thời gian để vững vàng hơn, HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách điều tiết và giữ lãi suất chính sách ổn định trong suốt thời gian dự báo, ở mức 4,5%.
Điều này có khả năng giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2024 ở mức 6,5% và là quốc gia tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong ASEAN.