|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì sao số liệu FDI rất đẹp nhưng 5 năm qua khối ngoại lại liên tục bán ròng?

14:18 | 16/07/2024
Chia sẻ
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối đầu tư, Dragon Capital, có một thực tế là số liệu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam rất đẹp nhưng trong 5 năm khối ngoại bán ròng 7 tỷ USD, gần như mỗi quý đều bán cho thấy chúng ta vẫn còn nhiều yếu tố cần cải thiện.

Mặc dù, số liệu đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam liên tục tăng trưởng nhưng đầu tư gián tiếp FII lại sụt giảm. Trên thị trường chứng khoán, việc khối ngoại bán ròng liên tục đang là mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Bàn về việc thu hút vốn FDI để mở rộng không gian tăng trưởng tại Diễn đàn Kinh tế mùa Hè 2024 tổ chức ngày 17/5, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối đầu tư, Dragon Capital cho rằng Việt Nam có lợi thế rất lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, những số liệu mà chúng ta có được chỉ là những "góc nhìn" chứ chưa có cái nhìn toàn cảnh. Như việc số liệu đầu tư FDI vào Việt Nam rất đẹp, tăng trưởng tốt nhưng trên thị trường chứng khoán, khối ngoại lại liên tục bán ròng. 

Hay như chỉ số thất nghiệp, khi nền kinh tế khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp vẫn chỉ 2,3 - 2,4% theo ông Tuấn là "đâu đó có sự lạc nhịp". Hay về tăng trưởng kinh tế,  tiêu dùng và sản xuất, có rất nhiều bộ chỉ số cung cấp cho chúng ta nhiều góc nhìn khác nhau.

"Chúng ta cần phải triển khai để có góc nhìn toàn diện về nền kinh tế hiện hữu, sau đó mới mở rộng không gian tăng trưởng. Việc không có hệ thống số liệu chính xác, toàn diện sẽ khó để chúng ta có những phân tích và nhận định chuẩn", chuyên gia từ Dragon nêu vấn đề. 

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối đầu tư, Dragon Capital. (Ảnh: Dragon Capital).

Vốn FDI rất đẹp nhưng FII liên tục bán ròng

Việc vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng nhưng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) lại giảm theo ông Tuấn cũng cần xem xét kỹ. "Số liệu đầu tư FDI vào Việt Nam rất đẹp, tăng trưởng tốt nhưng vốn thị trường chứng khoán, khối ngoại lại liên tục bán ròng, trong 5 năm khối ngoại bán ròng 7 tỷ USD, gần như mỗi quý đều bán", chuyên gia nói.

Tính từ đầu năm tới hết phiên 15/7, khối ngoại đã bán ròng gần 61.000 tỷ đồng (gần 2,4 tỷ USD) giá trị cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

Trước đó vào năm 2020 - 2021, khối ngoại rút ròng vốn lần lượt là 15.700 tỷ đồng và hơn 58.000 tỷ được cho để phòng ngừa rủi ro do tác động của đại dịch COVID-19. Năm 2023, khối ngoại cũng rút ròng hơn 24.800 tỷ đồng trong năm 2023 và từ đầu năm đến hết phiên 15/7 là gần 61.000 tỷ đồng.

"Chúng ta tập trung nhiều vào thu hút nguồn vốn nước ngoài nhưng lại thiếu quan tâm đến nguồn vốn (trừ vốn vay mượn) của doanh nghiệp trong nước. Như vậy, sẽ hơi thiếu một 'chân' quan trọng, một cấu phần trong nền kinh tế", chuyên gia từ Dragon Capital nêu rõ.

Ông Tuấn cũng cảnh báo cơ hội để mở rộng không gian cho tăng trưởng từ góc độ thu hút FDI và xuất nhập khẩu không còn nhiều.

Thu hút FDI không thể "hữu xạ tự nhiên hương" mãi được

 

Phân tích những yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm từ góc độ một quỹ đầu tư, ông Tuấn cho hay trong thu hút FDI, Việt Nam có nhiều lợi thế từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, đây là lợi thế cho cho chúng ta vì sự chuyển dịch chuỗi cung ứng chắc chắn sẽ diễn ra; sự ổn định, trước kia, doanh nghiệp quan tâm nhất là chi phí, nhưng hiện nay sự ổn định mới là quan trọng  hay sự ổn định về chính sách kinh tế, đây là lợi thế lớn.

Tuy nhiên, Việt Nam không thể "hữu xạ tự nhiên" mãi được mà cần nỗ lực thì mới thu hút được vốn đầu tư FDI chất lượng.

Nhìn lại 15 năm vừa qua, khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở phía Bắc, chúng ta có sự kết nối tới vùng Quảng Châu 300 triệu dân, dẫn đến cơ sở hạ tầng là lợi thế hiện tại của chúng ta so với 5 - 10 năm trước. Nhưng câu hỏi đặt ra là: 5 – 10 năm sau nữa có đạt được cơ sở hạ tầng để kết nối miền Bắc và miền Nam hay không?, chuyên gia Dragon Capital đặt vấn đề.

Về đầu tư FDI, đầu tư về sản xuất chủ yếu ở miền Bắc nhưng tiêu dùng lại tập trung về miền Nam, vậy làm sao để dung hòa điều này.

Nhìn nhận về thách thức và hạn chế, ông Tuấn cho rằng phải thẳng thắn thừa nhận rằng hệ sinh thái của Việt Nam còn kém, không đủ hấp dẫn để giữ chân các tập đoàn dẫn đầu về công nghệ. Ngoài ra, thủ tục hành chính còn chậm, điều này cũng đã nói nhiều rồi.

"Như trường hợp của Intel gần đây, họ viết email cho chúng ta nhưng gần ba tuần vẫn chưa nhận được trả lời. Trong khi đó, một quốc gia đối thủ cạnh tranh của chúng ta, họ có ban tư vấn 24/7 về thu hút đầu tư", ông Tuấn nêu thực tế và nhấn mạnh, Việt Nam cần cải cách thủ tục hành chính để bắt kịp với các đối thủ cạnh tranh.

Yếu tố an ninh năng lượng là vấn đề lớn trong xu thế AI, Data Center,… Vì vậy, ngay cả khi Việt Nam đang xử lý vấn đề vẫn cần có chính sách rõ nét, đảm bảo làm cho nhà đầu tư cảm thấy an toàn trong đầu tư.

Một điểm trước kia từng là lợi thế nhưng giờ đang chuyển dần thành bất lợi thế của Việt Nam là vấn đề nhân lực. "Cách đây 17 năm khi tôi tham gia Dragon Capital thì tuổi bình quân của lao động Việt Nam là 29 tuổi, nhưng hiện nay đã là 37 tuổi. Chúng ta đang già đi, cơ hội trong khoảng 10 - 15 năm đã hết. Nếu chúng ta không quyết liệt, cơ hội sẽ không còn", ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, Giám đốc Khối đầu tư, Dragon Capital cũng đánh giá Việt Nam hiện làm tốt nhất là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Tài khóa chính là chính sách thuế, khi muốn phát triển một ngành nào đó thì giảm thuế và giảm thuế một cách hiệu quả.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng ADB cũng nêu ra một nền tảng quan trọng mà Việt Nam còn yếu nếu so sánh với các nước đang phát triển đó là môi trường kinh doanh, hệ thống luật lệ và việc tuân thủ luật pháp chứ không chỉ là thủ tục hành chính.

Theo ông, môi trường kinh doanh luôn đi liền với việc thực hiện luật pháp và bảo vệ lợi ích của các bên tham gia thị trường. Khi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư ở Việt Nam, họ mong muốn phải được bảo vệ lợi ích khi phát sinh tranh chấp trong giao dịch kinh tế.

Đơn cử như một hợp đồng kinh tế bị vi phạm nhưng doanh nghiệp theo đuổi kiện tụng 5 - 7 năm, chi phí rất lớn, mà lợi ích vẫn không được bảo đảm thì rất khó để thu hút họ đầu tư lâu dài.

Chỉ khi nào thể chế của chúng ta có thể so sánh được với thể chế của các nền kinh tế phát triển thì hiệu quả sử dụng nguồn lực chúng ta mới tương đương họ, còn hiện nay khác biệt vẫn là rất lớn. Cần đi vào căn cơ nền tảng để hệ thống hành chính và hệ thống thể chế tương tự các nước phát triển thì mới tăng được hiệu quả phát triển, chuyên gia nhấn mạnh.

Hạ An