|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại bán ròng thêm 4.500 tỷ đồng sau một tuần

20:08 | 13/07/2024
Chia sẻ
Trong tuần qua, NĐT nước ngoài gia tăng bán ròng với tổng giá trị gần 4.500 tỷ đồng, quy mô gấp đôi tuần trước đó.

Tuần 8 – 12/7 được xem là vùng trống thông tin khi giai đoạn được nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính sẽ rơi vào hai tuần cuối tháng 7. Có lẽ đây là một trong những yếu tố khiến VN-Index giao dịch chậm lại trong những phiên cuối tuần dù phiên 11/7 thị trường chứng khoán thế giới có diễn biến khả quan.

Điểm sáng đến từ nhịp tăng trong 2 phiên đầu tuần, giúp VN-Index hướng đến sát mốc 1.300. Sau khi chạm vùng 1.297 chỉ số đã rơi vào nhịp điều chỉnh trong 3 phiên còn lại và chốt tuần tại mốc 1.280,75. Tính cả tuần, VN-Index giảm nhẹ 2,29 điểm, đương đương mất 0,18% so với tuần trước đó.

Thanh khoản tăng mạnh từ đáy 6 tháng với tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường đạt 22.231 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, thanh khoản bình quân phiên ở mức 19.638 tỷ đồng, tăng 31,3% so với tuần trước nhưng vẫn thấp hơn 7,1% so với trung bình 5 tuần gần đây.

Theo thống kê, FPT là lực cản chính của thị trường với mức ảnh hưởng giảm 1,73 điểm lên VN-Index. Ngoài ra, giao dịch kém sắc của HVN, BID, CTG cũng lấy đi khoảng 1 điểm của VN-Index. Bên chiều tăng điểm, nỗ lực tăng gần 8% trong tuần giúp GVR trở thành công thần lớn nhất của thị trường, đóng góp 2,91 điểm cho chỉ số chính sàn HOSE.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trên HOSE, NĐT nước ngoài chưa ngừng xả ròng với tổng khối lượng gần 80,4 triệu cổ phiếu, tương đương quy mô gần 4.502 tỷ đồng, gần gấp đôi giá trị bán ròng tuần trước đó. Tính riêng kênh khớp lệnh, nhà đầu tư bán ròng hơn 4.951 tỷ đồng.

Trong đó, cổ phiếu FPT bị xả ròng mạnh nhất với giá trị hơn 1.732 tỷ đồng, ghi nhận 6 tuần liên tục bị bán ròng. Dưới sức ép bán ròng của khối ngoại, cổ phiếu FPT có nhịp giảm hơn 3,5% so với tuần trước xuống 133.800 đồng/cp, trở thành mã cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất lên VN-Index.

Đứng thứ hai trong danh mục xả ròng của khối ngoại là cổ phiếu MWG với 644 tỷ đồng. Cùng chiều, danh mục các mã bị NĐT ngoài bán ròng mạnh nhất còn có nhiều đại diện thuộc nhóm vốn hóa lớn và trung bình như VHM (522 tỷ đồng), MSN (508 tỷ đồng), TCB (420 tỷ đồng), VRE (313 tỷ đồng), HVN (226 tỷ đồng), VCB (207 tỷ đồng), HSG (156 tỷ đồng) và SSI (131 tỷ đồng).

Bên chiều mua ròng, HDB được khối này mua vào nhiều nhất với giá trị 473 tỷ đồng với khối lượng khoảng 18,9 triệu đơn vị. Liên quan đến hoạt động kinh doanh, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBan) mới đây đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc triển khai chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 30%, bao gồm 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Với tỷ lệ trên, HDBank là một trong những ngân hàng có mức chi trả cổ tức cao nhất trong năm 2024.

Trở lại với giao dịch của khối ngoại tuần qua, TNH và PC1 cũng được mua ròng lần lượt 163 tỷ và 130 tỷ đồng. Danh mục Top10 gom ròng còn có sự góp mặt của GMD, MBB, DGC, BID, PLX, TPB, VTO với quy mô dưới 51 - 112 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trên HNX, NĐT nước ngoài bán ròng 2/5 phiên. Tính chung cả tuần, họ rút ròng với giá trị gần 5 tỷ đồng, nhưng mua ròng với khối lượng gần 1,4 triệu đơn vị.

Trong đó, khối ngoại tiếp tục mua ròng 27,1 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam. Theo sau là LAS (12,1 tỷ đồng) và những giao dịch tương tự như VGS (9,3 tỷ đồng), CEO (8,9 tỷ đồng) và TNG (7 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO dẫn đầu bên bán với giá trị gần 36,9 tỷ đồng. Mã PVI cũng bị rút ròng 30,7 tỷ đồng. Cùng chiều, NĐT ngoại cũng bán ròng các mã NTP (9,9 tỷ đồng), TVC (3,7 tỷ đồng) và VCS (2,5 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng 4/5 phiên và mua ròng duy nhất phiên 11/7. Dù vậy, tính chung cả tuần, nhà đầu tư nước ngoài gom ròng gần 25 tỷ đồng, nhưng bán ròng với khối lượng gần 1,3 triệu đơn vị.

Cụ thể, khối ngoại mua ròng 84,4 tỷ đồng ở cổ phiếu MCH của CTCP Hàng tiêu dùng Masan. Cùng chiều, giao dịch giải ngân còn được chứng kiến ở các mã ACV (2,1 tỷ đồng), GDA (1,7 tỷ đồng), MPC (0,7 tỷ đồng) và VEA (0,6 tỷ đồng).

Chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 48,2 tỷ đồng cổ phiếu QNS của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi. Theo sau là các giao dịch tương tự với giá trị thấp hơn như PHP (8,5 tỷ đồng), VGT (5,4 tỷ đồng), VLC (3,1 tỷ đồng) và CLX (0,8 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Thu Thảo