|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Có đúng dân Việt nghèo hơn dân Lào?

06:06 | 05/03/2019
Chia sẻ
Một trong những thước đo phổ biến để đánh giá mức sống của người dân là GDP bình quân đầu người. Tuy nhiên cũng có nhiều loại GDP bình quân đầu người và loại nào cũng có những nhược điểm cố hữu.

Những tuần gần đây trên các trang mạng xã hội lan truyền một biểu đồ thể hiện GDP bình quân đầu người của 11 nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN).

Theo biểu đồ này, Việt Nam có GDP bình quân đầu người năm 2018 vào khoảng 2.500 USD, thấp hơn một chút so với Lào. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của Malaysia là trên 10.000 USD, của Brunei là gần 35.000 USD và của Singapore là trên 60.000 USD.

Có đúng dân Việt nghèo hơn dân Lào? - Ảnh 1.

Biểu đồ GDP bình quân đầu người khu vực ASEAN lan truyền trên mạng xã hội.

Số liệu ở đâu ra?

Nguồn số liệu của biểu đồ trên được ghi là từ Báo cáo triển vọng kinh tế tháng 10/2018 của Quĩ tiền tệ Quốc tế (IMF).

Điểm đáng ngờ đầu tiên, dễ thấy nhất là một báo cáo được công bố vào tháng 10/2018 sẽ không thể có số liệu GDP bình quân đầu người của cả năm 2018.

Trong thực tế, mỗi năm IMF công bố hai báo cáo triển vọng kinh tế, một vào tháng 4 và sau đó cập nhật vào tháng 10. Số liệu sử dụng trong các báo cáo này có tần số hàng năm (annual), không phải hàng tháng hay hàng quí.

Truy cập vào cơ sở dữ liệu của Báo cáo triển vọng kinh tế tháng 10/2018, chúng tôi nhận thấy không quốc gia nào công bố số liệu của cả năm 2018, chỉ một số quốc gia có số liệu chính thức của cả năm 2017. Đối với những năm không có số liệu chính thức, IMF sẽ đưa ra ước tính.

Quốc giaNăm bắt đầu ước tính
Brunei2017
Campuchia2013
Indonesia2018
Lào2017
Malaysia2018
Myanmar2016
Philippines2018
Singapore2018
Đông Timor2016
Thái Lan 2017

Đối với số liệu GDP bình quân đầu người 11 quốc gia Đông Nam Á, Campuchia chỉ có số liệu chính thức đến năm 2012 và các số liệu từ năm 2013 trở đi là số ước tính; Số liệu của Lào và Việt Nam bắt đầu ước tính từ năm 2017, … 

Số liệu GDP chính thức của các quốc gia đều có đến hết năm 2017 tuy nhiên việc tính GDP bình quân đầu người còn cần đến qui mô dân số và không phải quốc  gia nào cũng tổ chức tổng điều tra dân số hàng năm.

Như vậy có thể khẳng định, số liệu năm 2018 sử dụng trong biểu đồ ở trên chắc chắn là số ước tính, không phải số chính thức.

Bộ dữ liệu của IMF cho thấy mỗi quốc gia có 5 loại số liệu GDP bình quân đầu người khác nhau. Để cho ra biểu đồ giống như trên, tác giả đã sử dụng số liệu GDP được qui đổi ra USD rồi chia cho qui mô dân số.

Có đúng dân Việt nghèo hơn dân Lào? - Ảnh 3.

Số liệu GDP bình quân đầu người ước tính năm 2018. Nguồn số liệu: Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới tháng 10/2018 của IMF.

Theo cách tính này của IMF, GDP bình quân đầu người ước tính năm 2018 của Việt Nam là 2.553 USD, thấp hơn so với Lào là 2.690 USD. Nước có GDP bình quân đầu người cao nhất là Singapore, với 61.230 USD. Và xin nhấn mạnh lại một lần nữa, tất cả những số liệu năm 2018 này đều là số do IMF ước tính.

Tuy nhiên, mặt bằng giá cả ở các quốc gia khác nhau là khác nhau, do vậy, sức mua của cùng một số tiền ở các quốc gia khác nhau là khác nhau. Điều này có nghĩa là hai người có cùng thu nhập nhưng ở hai quốc gia khác nhau sẽ có sức mua và mức sống rất khác nhau.

Chẳng hạn, với 30 USD tại Việt Nam, một người có thể mua được 3 chiếc áo sơ mi nhưng cũng với 30 USD tại Mỹ, một người sẽ chỉ có thể mua được 1 chiếc áo, đó là bởi giá cả tại Mỹ cao hơn ở Việt Nam….

Theo ước tính chính thức của IMF, mặt bằng giá cả chung tại Mỹ cao hơn ở Việt Nam khoảng 2,9 lần, tức là một người cầm 1.000 USD ở Việt Nam sẽ có thể mua được lượng hàng hóa/dịch vụ tương đương với một người cầm 2.900 USD tại Mỹ.

Việc điều chỉnh GDP và GDP bình quân đầu người theo mặt bằng giá cả tại các quốc gia so với Mỹ như trên được gọi là điều chỉnh theo ngang giá sức mua (Purchasing Power Parity – PPP), con số thu được sau khi điều chỉnh có đơn vị là đô la quốc tế (international dollar).

Sau khi điều chỉnh theo ngang giá sức mua, bảng xếp hạng GDP đầu người khu vực ASEAN có một số thay đổi. Myanmar từ vị trí cuối bảng (thứ 11) nhảy lên vị trí thứ 9 - điều này chứng tỏ mặt bằng giá cả của Myanamar rất thấp; Campuchia từ vị trí áp chót (thứ 10) tụt xuống cuối bảng. Dù vậy, Việt Nam vẫn đứng dưới Lào, thứ tự 8 vị trí đầu bảng không có gì thay đổi.

Có đúng dân Việt nghèo hơn dân Lào? - Ảnh 4.

GDP bình quân đầu người ước tính năm 2018 đã điều chỉnh theo ngang giá sức mua (GDP). Nguồn số liệu: Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới tháng 10/2018 của IMF.

Nhìn về lịch sử, GDP bình quân đầu người của Việt Nam và Lao theo khá sát nhau, nhưng con số của Lào thường nhỉnh hơn của Việt Nam đôi chút. Gần đây nhất, từ năm 2011 đến năm 2016 (năm cuối cùng có số liệu chính thức, không phải ước tính), GDP bình quân đầu người của Lào đều cao hơn của Việt Nam, thể hiện bằng đường màu xanh ở trên đường màu vàng trong biểu đồ dưới đây.

Có đúng dân Việt nghèo hơn dân Lào? - Ảnh 5.

Nguồn số liệu: Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới tháng 10/2018 của IMF.

Bình quân đơn giản bỏ qua sự bất bình đẳng

Việc tính bình quân đầu người đơn giản như trên đã bỏ qua một vấn đề quan trọng là bất bình đẳng thu nhập. Trong một nền kinh tế, một quốc gia, thu nhập của mỗi cá nhân rất khác nhau, có người sống trong nghèo khổ cùng cực và cũng có người thu nhập hàng trăm triệu - thậm chí hàng tỉ USD, tiền chất cao như núi.

Một thước đo sự bất bình đẳng trong một quốc gia là hệ số GINI (GINI coefficient). Hệ số GINI càng cao biểu thị sự bất bình đẳng thu nhập càng lớn, GINI bằng 0 đồng nghĩa với việc không có bất bình đẳng thu nhập – tất cả mọi người có thu nhập bằng nhau, GINI bằng 1 nghĩa là bất bình đẳng đạt ngưỡng tối đa – một người nhận tất cả thu nhập trong nền kinh tế, những người còn lại không có gì.

Một trong các nguồn cung cấp hệ số GINI đáng tin cậy là Ngân hàng Thế giới (WB), tuy nhiên không phải quốc gia nào, năm nào cũng có sẵn số liệu này.

Năm 2016, hệ số GINI của Việt Nam là 35,3%, nhỏ hơn so với mức 36,4% của của Lào, chứng tỏ mức độ bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam năm 2016 còn thấp hơn đôi chút so với Lào.

Quốc giaHệ số GINI (%)Năm 
Đông Timor28,72014
Việt Nam35,32016
Thái Lan362015
Lào36,42016
Myanmar38,12015
Indonesia39,52013
Malaysia412015
BruneiN/AN/A
CambodiaN/AN/A
SingaporeN/AN/A
PhilippinesN/AN/A

Thu nhập trung vị: Khắc phục sai lệch bởi bất bình đẳng

Khi tính trung bình thường xảy ra tình trạng một vài giá trị ngoại biên (outliers – cực lớn hoặc cực nhỏ) có ảnh hưởng đáng kể tới kết quả cuối cùng.

Chẳng hạn, một gia đình 5 người có thu nhập từng người là 10, 20, 30, 40 và 100 triệu đồng/năm. Thu nhập trung bình của mỗi người trong gia đình này là 40 triệu đồng/năm (10+20+30+40+100 = 200 và 200/5 = 40).

Giả sử sang năm sau thu nhập của 5 người này là 10, 20, 30, 40 và 400 triệu đồng/năm thì với công thức tính như trên thu nhập trung bình mỗi người là 100 triệu đồng/năm.

Ở đây, chỉ một người có thu nhập cao nhất tăng lên đã có thể kéo theo thu nhập trung bình của cả gia đình tăng 2,5 lần dù thu nhập của những người khác không đổi.

Giá trị thu nhập trung vị lại có cách xác định khác. Một gia đình có thu nhập trung vị bằng X nghĩa là một nửa số người trong gia đình này có thu nhập lớn hơn X và một nửa số người có thu nhập nhỏ hơn X.

Thu nhập trung vị của gia đình trong ví dụ trên là 30 triệu đồng vì một nửa số người có thu nhập dưới 30 triệu đồng và một nửa có thu nhập trên mức này. Cho dù thu nhập của người giàu nhất có tăng lên 500, 700 hay 1 tỉ đồng một năm thì thu nhập trung vị của gia đình này vẫn là 30 triệu đồng, giả sử thu nhập của những thành viên khác không đổi.

Thu nhập trung vị là thước đo được ưa thích sử dụng ở những môi trường có sự bất bình đẳng lớn. Trong các tập đoàn khổng lồ, thu nhập của sếp và nhân viên có thể chênh nhau tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần. Nếu cứ tính trung bình thì sẽ vẽ lên một bức tranh tươi sáng quá mức về thu nhập của nhân viên.

Vì vậy từ năm 2018, theo một qui định trong đạo luật Dodd-Frank, các doanh nghiệp Mỹ được yêu cầu phải công bố chênh lệch giữa thu nhập của CEO và thu nhập trung vị (không phải trung bình) của nhân viên.

Kết quả cho thấy nhiều doanh nghiệp có mức chênh lệch lên tới hàng ngàn lần, như hãng sản xuất đồ chơi trẻ em Mattel (4.987 lần), hãng sản xuất đồ ăn nhanh McDonald's (3.101 lần) và hãng bán lẻ quần áo GAP (2.900 lần).

Hiện chưa có tổ chức nào công bố số liệu về thu nhập trung vị của quốc gia.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Quyền